MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nghiệp xuất khẩu nên lường trước bất lợi của tỷ giá

13-09-2015 - 09:06 AM | Tài chính - ngân hàng

Theo TS. Nguyễn Đức Thành, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên lường trước những bất lợi của tỷ giá từ nay đến cuối năm và có thể cả đầu năm sau.

Từ đầu năm đến nay, sau 8 tháng với các đợt điều chỉnh tỷ giá USD/VND của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tiền Việt đã mất giá khoảng 5% so với USD. Mặc dù vậy, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đánh giá “động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN được coi là nhanh nhạy, tạo hiệu ứng tích cực hỗ trợ cho cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam cũng như hỗ trợ tâm lý cho thị trường”.

Vấn đề đặt ra là, hiện thời gian từ nay đến cuối năm còn gần 4 tháng nữa, dư luận vẫn băn khoăn với câu hỏi: Liệu tỷ giá USD/VND có còn biến động? Và đợt điều chỉnh tỷ giá vừa qua sẽ tạo sức ép gì cho lạm phát, lãi suất?

Lạm phát cả năm khoảng dưới 3%

Theo phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), quyết định thay đổi tỷ giá của NHNN chưa phản ứng ngay vào những thay đổi trong CPI do có độ trễ nhất định. Bởi báo cáo của Tổng cục Thống kê cho thấy, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trung bình 8 tháng đầu năm 2015 cao hơn hơn 0,83% so với cùng kỳ năm trước.

Điều đáng lưu ý là chỉ số CPI có sự sụt giảm trong tháng 8 với mức 0,7% so với tháng trước cho thấy thay đổi tỷ giá chưa lan truyền ngay sang CPI trong tháng này.

Tỷ giá tác động đến CPI thông qua cơ chế lan truyền của tỷ giá đến hàng hóa nhập khẩu, trong đó có hai nhóm hàng hóa quan trọng là hàng hóa tiêu dùng trực tiếp và nguyên-nhiên-vật liệu nhập khẩu. VND mất giá làm tăng giá hàng hóa tiêu dùng nhập khẩu, tác động trực tiếp đến CPI, và làm tăng chi phí đầu vào của những loại hàng hóa trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên-nhiên-vật liệu nhập khẩu.

Tuy nhiên, theo BVSC, trong cơ cấu nhập khẩu của Việt Nam, tỷ trọng phần nhiều là nguyên-nhiên-vật liệu nhập khẩu cho nên tác động lan truyền của tỷ giá chỉ được thể hiện ở những quí sau đó. Song, trong bối cảnh lạm phát thực tế và kỳ vọng về lạm phát đang thấp ở Việt Nam thì tác động của việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN trong tháng 8 sẽ không gây lên nhiều áp lực đối với lạm phát trong cả năm 2015.

Cùng quan điểm này, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cũng nhận định: Hai lần điều chỉnh tỷ giá của NHNN trong tháng 8 làm lạm phát có thể tăng thêm xấp xỉ 0,2 điểm %, là mức tăng không đáng kể. Do đó, Ủy ban này “giữ nguyên dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%, và thấp hơn nhiều so với mức lạm phát 4,1% trong năm 2014.

VNĐ sẽ ổn định từ nay đến cuối năm

TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định: Nếu Fed tăng lãi suất thì có áp lực lên tỷ giá. Fed tăng lãi suất hay không là phụ thuộc vào tình trạng thất nghiệp của Mỹ. Nếu tiếp tục giảm thất nghiệp thì sớm muộn gì Mỹ cũng phải tăng lãi suất. Sự ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc tới thị trường không quá lớn, vì hiện đồng tiền nay không thay đổi nhiều nữa mà ổn định trở lại.

Do đó, “Mỹ chỉ trọng tâm nhìn vào “sức khỏe” nền kinh tế của mình. Nếu thất nghiệp giảm sâu đến mức không giảm hơn được nữa thì lạm phát tăng, Mỹ phải tìm cách kìm chế lạm phát. Vì thế, từ nay đến cuối năm, Mỹ có thể tăng lãi suất. Khi đó, đồng USD càng thêm mạnh, tỷ giá đồng USD so với các đồng tiền khác sẽ tăng lên”- TS Thành dự báo.

Vấn đề đặt ra là, theo TS Thành, trong trường hợp này, giá đồng VND sẽ tăng lên so với Nhân dân tệ hay đồng Yên Nhật hoặc Euro... thì nền kinh tế Việt Nam sẽ bị thiệt. Để tránh bị thiệt, NHNN sẽ phải tăng tỷ giá của VND so với USD. Tuy nhiên, “NHNN sẽ không phá giá VND nữa mà chấp nhận để VND mạnh lên cùng USD. Điều này có thể ảnh hưởng đến nhà xuất khẩu, nhưng NHNN vẫn kiên định để như vậy vì không muốn xáo động đến lĩnh vực khác. Còn những nhà nhập khẩu sẽ được lợi”.

Tóm lại, từ nay đến cuối năm, Trung Quốc có thể tiếp tục phá giá nhẹ đồng Nhân dân tệ, Mỹ có thể tăng lãi suất. Những diễn biến này gây bất lợi cho đồng tiền Việt Nam gây sức ép phải giảm giá, nhưng NHNN vẫn sẽ không giảm. Việc NHNN giữ giá tiền VND không khó, vì dự trữ ngoại tệ lớn và vẫn chưa cần dùng đến dự trữ; kiều hối về nhiều, thâm hụt thương mại chưa quá lớn.

Vì thế, TS. Thành khuyến cáo “các doanh nghiệp xuất khẩu nên lường trước những khó khăn bất lợi của tỷ giá từ nay đến cuối năm và có thể cả đầu năm sau”.

Không loại trừ xu hướng tăng lãi suất

Liên quan đến lãi suất ngân hàng những tháng cuối năn, phân tích của BVSC cho rằng, những biến động về tỷ giá tạo kỳ vọng và gây sức ép đối với mặt bằng lãi suất trong thời gian tới. Theo quan sát của BVSC, sau 3 tuần tăng mạnh lãi suất liên ngân hàng hiện đã tạm thời ổn định trở lại nhưng xác lập một mặt bằng cao hơn tương đối so với tuần đầu tháng.

Bên cạnh đó, các phiên đấu thầu Trái phiếu Chính phủ gần đây không nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức tín dụng. Điều này phản ánh kỳ vọng của các tổ chức tín dụng đối với lãi suất đang theo hướng tăng lên. Với những tín hiệu này và để giữ vững niềm tin của người người gửi tiền vào VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng lên trong thời gian tới.

Tuy nhiên, BVSC tin tưởng trong bối cảnh kỳ vọng về lạm phát đang ở mức thấp và Chính phủ đang muốn duy trì lãi suất ổn định một thời gian để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại, NHNN sẽ không để lãi suất huy động biến động quá mạnh bởi điều này có thể làm gia tăng áp lực lên hệ thống ngân hàng và làm gia tăng chi phí vốn vay của khu vực doanh nghiệp.

Như vậy, “mặc dù có xu hướng tăng nhưng mức độ điều chỉnh của các ngân hàng có thể sẽ không lớn, khoảng dưới 0,5% cho giai đoạn cuối năm”./.

 

Theo Xuân Thân

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên