MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Dốc sức đưa nợ xấu về dưới 3%

20-07-2015 - 10:55 AM | Tài chính - ngân hàng

Từ nay đến 15/9, VAMC đặt mục tiêu mua hết số nợ còn lại từ các TCTD.

Dù không phải là cây đũa thần để xử lý số nợ xấu đang có của các TCTD, nhưng kể từ khi thành lập, VAMC đã và đang thực hiện sứ mệnh được giao đó là tích cực mua nợ xấu của các TCTD theo kế hoạch, miễn giảm lãi, thu hồi nợ... Qua đó, không chỉ giúp các TCTD giảm nỗi lo nợ xấu, VAMC còn hỗ trợ tích cực các DN có cơ hội được tiếp cận nguồn vốn tín dụng mới. Năm 2015, Thống đốc NHNN yêu cầu VAMC hỗ trợ các TCTD đưa nợ xấu toàn ngành về dưới 3%.

Nhiệm vụ không dễ dàng, vậy VAMC đã và đang làm gì? Phóng viên Thời báo Ngân hàng đã có cuộc phỏng vấn Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Quốc Hùng về hoạt động của công ty này trong 6 tháng đầu năm 2015 và kế hoạch trong thời gian tới.

Ông có thể cho biết, từ đầu năm đến nay, VAMC đã mua được bao nhiêu nợ xấu từ các TCTD?

Đến thời điểm này, VAMC đã mua hơn 60 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc từ các TCTD và phát hành 46 nghìn tỷ đồng trái phiếu đặc biệt (TPĐB). Như vậy, nếu theo kế hoạch của cả năm 2015 là phát hành 80 nghìn tỷ đồng TPĐB mua nợ của TCTD thì VAMC đã hoàn thành hơn một nửa kế hoạch.

Tuy nhiên, VAMC sẽ không đợi đến hết năm 2015 mà từ nay đến 15/9, chúng tôi đặt mục tiêu mua hết số nợ còn lại từ các TCTD. Tức là các TCTD phải gửi hồ sơ bán nợ cho VAMC 35 – 40 nghìn tỷ đồng dư nợ gốc. Sau khi xét duyệt, số nợ xấu gốc trên sẽ được VAMC mua lại và phát hành TPĐB khoảng từ 30 – 35 nghìn tỷ đồng. Như vậy, VAMC đảm bảo hoàn thành trước kế hoạch phát hành 80 nghìn tỷ đồng TPĐB đã đặt ra từ đầu năm.

Khả năng đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3% là hoàn toàn khả thi

 

 

Liệu áp lực lớn có khiến VAMC “dễ tính” hơn khi mua nợ?

Từ nay đến 15/9 mà VAMC phải xử lý với khối lượng nợ xấu 30 – 40 nghìn tỷ đồng là một áp lực rất lớn. Nhưng chúng luôn đảm bảo thẩm định kỹ các khoản nợ xấu. Khoản nợ nào đủ điều kiện VAMC mới mua còn nếu không đủ điều kiện sẽ yêu cầu các TCTD bổ sung hoặc trả lại hồ sơ. Không có chuyện vì phải mua khối lượng nợ xấu lớn mà VAMC giảm điều kiện.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn lưu ý, số nợ xấu VAMC sẽ mua trong thời gian tới còn tuỳ thuộc vào các TCTD. Có hai tình huống xảy ra, có thể VAMC mua vượt 80 nghìn tỷ đồng bằng TPĐB hoặc có thể thấp hơn. Nếu TCTD tự xử lý được nợ xấu bằng quỹ dự phòng rủi ro thì không nhất thiết họ phải gửi hồ sơ bán nợ 35 hay 40 nghìn tỷ đồng cho VAMC mà có thể chỉ là 15 hay 20 nghìn tỷ đồng, miễn sao các NH đảm bảo được mục tiêu đưa nợ xấu về mức dưới 3%.

Mặc dù chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa, nhưng tôi nghĩ rằng, việc mua nợ của VAMC sẽ hoàn thành sớm hơn kế hoạch. Bởi, thời gian vừa qua các TCTD đều tích cực và chủ động xây dựng kế hoạch bán nợ cho VAMC. Những sửa đổi tại Nghị định 34/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 53/2013/NĐ-CP của Chính phủ về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC đã tạo điều kiện, động lực cho các TCTD. Nhất là TCTD đang trong diện tái cơ cấu theo quy định mới được phép bán nợ xấu cho VAMC để nhận TPĐB với thời hạn được kéo dài lên tới 10 năm.

Ngoài ra, NHNN đã linh hoạt cho phép các TCTD được bán nợ xấu từ 500 triệu đồng trở lên nếu đủ điều kiện chứ không nhất thiết phải từ 1 – 3 tỷ đồng trở lên như quy định cũ.

Vậy, trong những tháng còn lại của năm, kế hoạch mua bán, xử lý nợ xấu của VAMC ra sao?

Mục tiêu số 1 của VAMC là phối hợp với TCTD đến 30/9/2015 hoàn thành 100% kế hoạch mua nợ xấu thanh toán bằng TPĐB được NHNN giao theo đúng Chỉ thị 02 và đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống về dưới 3%. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ trên, VAMC tiếp tục thực hiện bán nợ theo đúng quy định pháp luật như: phối hợp TCTD đi thu hồi nợ, tiếp tục cơ cấu lại các khoản nợ nếu như khoản nợ có đủ điều kiện, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả, xem xét miễn giảm lãi…

VAMC đặt mục tiêu đến hết 31/12/2015, tổng giá trị thu hồi nợ trong năm 2015 gồm cả bán nợ, bán tài sản đảm bảo đạt tối thiểu 10 nghìn tỷ đồng. Tiến tới, VAMC mở rộng hoạt động nghiệp vụ chuyển nợ thành vốn góp đối với DN có khả năng hồi phục hiệu quả.

Với tốc độ triển khai của VAMC như hiện nay, dù có phải vất vả khó khăn nhưng chúng tôi vẫn sẽ đảm bảo được khối lượng công việc và khả năng đưa tỷ lệ nợ xấu toàn ngành về dưới 3% là hoàn toàn khả thi. Vấn đề quan trọng là các TCTD phải nhìn nhận được điều này và phối kết hợp chặt chẽ với VAMC, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của NHNN trong việc phân loại nợ. Các TCTD phải đưa tỷ lệ nợ xấu của mình về dưới 3% chứ đây không phải chỉ là trách nhiệm của VAMC. Nhưng VAMC cam kết phối hợp, có trách nhiệm cao nhất đối với các TCTD.

Khi nợ xấu của toàn ngành cũng như các TCTD đã về dưới mức 3%, nhiệm vụ mua nợ xấu được giảm bớt, VAMC có nhiều thời gian xây dựng và triển khai phương án xử lý những khoản nợ đã mua bằng TPĐB.

Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng phương án mua bán nợ theo giá thị trường và triển khai thí điểm trong năm 2015 có thể mua ít nhất 500 – 700 tỷ đồng để tạo động lực sang năm 2016 triển khai mạnh mẽ hoạt động này hơn. Hiện, VAMC đề xuất NHNN thực hiện điều chuyển vốn điều lệ 1.500 tỷ đồng để chúng tôi có điều kiện thực hiện việc mua nợ theo giá thị trường.

Xin cảm ơn ông!

 

Từ đầu năm đến 14/7/2015 đã có 39 TCTD bán nợ cho VAMC. Theo kế hoạch năm 2015, các TCTD phải bán hơn 82 nghìn tỷ đồng nợ gốc. Đến thời điểm này, số nợ xấu gốc đã bán cho VAMC là hơn 50 nghìn tỷ đồng.

Từ 1/1/2015 đến 1/7/2015, VAMC đã phối hợp với các TCTD thu hồi được 3.980 tỷ đồng bao gồm thu từ bán nợ, bán tài sản đảm bảo, và đã thanh toán TPĐB, chuyển trả cho các TCTD 1.996 tỷ đồng.

 

Theo Thanh Huyền

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên