MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hạ lãi suất vay dài hạn: Còn chờ dự án tốt

23-04-2014 - 14:06 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, các khoản doanh thu trong NH thời gian qua bị treo rất nhiều, khiến cho lợi nhuận của NH giảm.

Cho vay ngắn để chủ động xoay xở

Ông Đinh Văn Phương, chủ một cơ sở sản xuất đồ gỗ xuất khẩu ở TP. Hồ Chí Minh cho biết, gần đây các ngân hàng công bố rất nhiều gói lãi suất ưu đãi nhưng DN chưa thể xây dựng một kế hoạch sản xuất kinh doanh mới. “Lãi suất cho vay vốn ở một số NH đã giảm 0,5%/năm đối với những kỳ hạn dưới 6 tháng, trong khi lãi suất cho vay trung dài hạn vẫn giậm chân tại chỗ”, ông Phương nói.

Lãnh đạo các NHTM cho rằng, họ chưa thể giảm ngay lãi suất cho vay trung dài hạn xuống nhanh được do nhiều khoản tiền gửi thời gian qua NH vẫn đang phải trả lãi cao và chưa tái tục hợp đồng để trả lãi suất mới. Mỗi khi có nhu cầu sử dụng vốn vào đầu tư tín dụng, NH phải cân đối theo kỳ hạn tiền vay nên không thể có một mặt bằng lãi suất cho vay chung cho tất cả các dự án. Trần lãi suất huy động giảm từ 7%/năm xuống 6%/năm đối với kỳ hạn dưới 6 tháng sẽ tác động làm giảm lãi suất huy động kỳ hạn dài. Tuy nhiên, vẫn cần thêm thời gian cho NH huy động khoản tín dụng mới này để bình quân giá vốn đầu vào thì mới có thể kéo lãi suất cho vay trung dài hạn xuống.

Một số DN khác lại cho rằng, trong khi lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 12 tháng trong các ngân hàng thời gian trước từ mức 8,7%/năm giảm xuống mức 7,5%/năm, lãi suất cho vay trung dài hạn mà các NH thông báo với DN vẫn phổ biến ở mức 12-13%/năm là chưa có tác dụng hỗ trợ DN. “Chỉ có một vài DN có phương án đầu tư đến nơi rồi, nhu cầu vốn quá cấp thiết phải chấp nhận mức lãi suất này, nhưng không nhiều khoản vay được giải ngân”, một DN khác cho biết.

Vốn tín dụng khó ra một phần vì sức hấp thụ của DN nói riêng và nền kinh tế nói chung còn yếu. Chủ tịch một NHTMCP tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngân hàng ông từ đầu năm đến nay, có tháng, cả Hội sở tập trung lại để nâng lên đặt xuống khoảng hơn chục hồ sơ đề nghị vay vốn, nhưng cũng rất khó tìm ra một hồ sơ có thể yên tâm khi quyết định cho vay hoặc giải ngân. Phó tổng giám đốc NHTMCP Đông Á - bà Nguyễn Thị Ngọc Vân cho biết, dù Ban lãnh đạo NH này đã ra sức cơ cấu lại nợ, giãn nợ và giảm lãi suất, kể cả cho vay mới khi DN chưa trả được nợ cũ ở một số thời điểm với mong muốn tăng tín dụng, nhưng không dễ.

An toàn là hàng đầu

Nhưng nguyên nhân chính khiến cho lãi suất trung dài hạn còn cao do nhiều NH sợ rủi ro kỳ hạn, nếu những năm tiếp theo lãi suất “bật lên” thì NH khó xoay xở. Trong khi cho vay ngắn hạn tốc độ vòng quay vốn nhanh, giám sát mục đích sử dụng dòng vốn vay tương đối thuận tiện hiện vẫn được nhiều NH ưa chuộng. Vì vậy, mặt bằng lãi suất cho vay lĩnh vực tín dụng thu mua lúa gạo, chăn nuôi, chế biến lần lượt có mức lãi suất cho vay 7%/năm, 8%/năm (giảm 1-2% so với đầu năm 2014) kỳ vọng sẽ tạo đà cho tín dụng tăng trưởng.

Theo ông Phương, một NH vừa chào DN chúng tôi nguồn tín dụng có thời hạn 12 tháng với lãi suất 13%/năm, thậm chí có NH còn chào lãi suất cho vay đến 16%/năm. “Chúng tôi đang mong mỏi lãi suất cho vay trung dài hạn giảm, một hợp đồng ký kết với đối tác DN rất khó hoàn thành trong vòng 1-3 tháng. Muốn trình được phương án đầu tư mới để NH cho vay phải có thời gian nhưng với lãi suất 13%/năm hiện rất khó để tái đầu tư” – ông Phương cho biết.

Tổng giám đốc NHTMCP Nam Á (NamA Bank) Trần Ngô Phúc Vũ cho rằng, hiện lãi vay không còn là áp lực lớn đối với doanh nghiệp, quan trọng hơn là đầu ra của sản phẩm. Song, lãi vay vẫn là một trong những chi phí mà khách hàng luôn phải tính toán trong hoạt động khi sử dụng vốn. Chính vì vậy, dù lãi suất đầu vào có giảm, nhưng NH luôn phải tính toán để đưa ra mức lãi suất hợp lý nhất.

Ngoài ra, trên thực tế, các NH cũng đang phải chịu áp lực giải quyết nợ xấu… nên việc kéo giảm lãi suất kỳ hạn dài xuống thấp trong thời điểm hiện nay chưa thể làm ngay. Một lãnh đạo SHB chia sẻ, các NH đều muốn tiếp cận những hợp đồng vay vốn đầu tư khả thi, nên việc cạnh tranh giữa các NH đối với những phương án sản xuất này không tránh khỏi. Ví như thời gian qua nhiều NH săn đón những DN đầu tư thủy điện, điều chỉnh lãi suất cho vay liên tục để phù hợp với dự án.

“Có những hợp đồng dù cạnh tranh thế nào cũng không thể thắng toàn bộ giá trị đầu tư mà phải chia sẻ cung ứng vốn và dịch vụ NH với những NH khác. Để hạn chế rủi ro phát sinh cho những hợp đồng tín dụng đầu tư kéo dài đến 10 năm, NH phải tính toán chi phí lãi suất đảm bảo an toàn” – đại diện SHB cho biết.

Theo một lãnh đạo NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, con số nợ xấu các NH công bố có xu hướng ngày càng giảm nhưng thực tế phần lớn là nợ xấu đã được cơ cấu lại thành nợ trong hạn. Vậy, bản chất nợ xấu chưa có nhiều thay đổi, dù đã được xử lý thành nợ trong hạn thì tiền lãi vẫn không có để thu. Chính vì vậy mà các khoản doanh thu trong NH thời gian qua bị treo rất nhiều, khiến cho lợi nhuận của NH giảm. Đây là nguyên nhân chính buộc các NH tiếp tục phải giữ lãi suất cho vay trung dài hạn ở mức cao dù lãi suất đầu vào đã giảm.

Theo vị lãnh đạo NHNN, nguyên lý chênh lệch lãi suất huy động và cho vay ở mức 3% hiện đã không còn phù hợp do chi phí hoạt động NH hiện nay đã rất cao do môi trường cạnh tranh ngày càng khắc nghiệt hơn. Hiện các NH đang cân đối theo mức lãi suất bình quân của dòng tiền, nợ xấu và lượng vốn nằm trong NH cùng với khả năng sinh lời của dự án xin vay…để quyết định mức lãi suất tín dụng trung và dài hạn phù hợp.

loanlt

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên