MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Không còn nhiều dư địa để giảm thêm lãi suất cho vay

01-08-2015 - 21:50 PM | Tài chính - ngân hàng

Theo nhận định của bà Phan Thị Thanh Bình, Giám đốc khối thị trường tài chính, Ngân hàng ANZ Việt Nam, thị trường tiền tệ từ nay đến cuối năm nhiều khả năng ở trạng thái ổn định và do nhiều yếu tố nên không có nhiều dư địa giảm thêm lãi suất cho vay.

Không giống như các năm trước, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm nay đã đạt trên 6%. Bà đánh giá thế nào về bức tranh tín dụng khởi sắc này?

Tăng trưởng tín dụng tăng thể hiện nhu cầu về vốn của nền kinh tế tăng và cho thấy dấu hiệu của nền kinh tế đang phục hồi.

Tăng trưởng tín dụng cải thiện cũng thể hiện khả năng đáp ứng về vốn của nền kinh tế qua hệ thống ngân hàng được cải thiện, thể hiện niềm tin của ngân hàng vào “sức khỏe” của nền kinh tế và các doanh nghiệp đang tăng trở lại.

Mức tăng trưởng tín dụng hiện nay của cả hệ thống được coi là khá hợp lý để phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ và Quốc hội đã đặt ra. Tuy nhiên, hiện có một số ngân hàng đặt mục tiêu tín dụng khá cao, có thể tạo áp lực về chất lượng tín dụng và cạnh tranh không lành mạnh và về mặt lâu dài có thể không có lợi cho nền kinh tế.

Một số chuyên gia và doanh nghiệp trong nước cho rằng, với lạm phát thấp hiện nay (dự báo cả năm chỉ dưới 3%, hay như dự báo của ANZ chỉ trong khoảng 2%) thì cần giảm thêm lãi suất cho vay để hỗ trợ các DN và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực tế trên thị trường ngân hàng gần đây, lãi suất huy động cả các kỳ hạn ngắn và dài đều có xu hướng tăng lên. Vậy quan điểm của bà, dư địa giảm lãi suất cho vay có hay không?

Lãi suất trên thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có cung cầu về vốn, các yếu tố về kinh tế vĩ mô như lạm phát, thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách và các chính sách của NHNN về lãi suất, tỷ giá.

Sự phục hồi của nền kinh tế đang giúp nhu cầu về vốn tăng lên. Bên cạnh đó, với đặc điểm của thị trường tài chính Việt Nam, nhu cầu về vốn được đáp ứng chủ yếu thông qua hệ thống ngân hàng. Các ngân hàng sẽ phải đảm bảo huy động đủ nguồn để đáp ứng nhu cầu về vốn, và do đó việc tăng nhẹ lãi suất trong thời gian qua là điều bình thường.

Với mức lạm phát thấp như hiện nay, người gửi tiền có mức lãi suất tiền gửi thực dương. Tuy nhiên, với sự phục hồi của nền kinh tế, lợi nhuận từ các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản tăng lên và sẽ cạnh tranh trực tiếp với kênh đầu tư thông qua tiền gửi thông thường. Yêu cầu về mức lãi suất thực dương cho người gửi tiền do đó cũng có thể tăng lên.

Hơn nữa, với mức thâm hụt thương mại và thâm hụt ngân sách gia tăng, áp lực về tỷ giá có thể cũng ảnh hưởng đến kỳ vọng lãi suất và chi phí vốn thực tế. Nên theo tôi, dư địa để giảm lãi suất cho vay trong thời điểm hiện nay không còn nhiều.

Nhìn nhận của bà về diễn biến thị trường tiền tệ từ giờ đến cuối năm?

Thị trường tiền tệ nhiều khả năng vẫn khá ổn định dựa trên kỳ vọng về sự ổn định của chính sách tỷ giá, lãi suất và tăng trưởng khá ổn định của nền kinh tế.

Vậy còn vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng cho đến nay theo bà thế nào?

Có thể nói Chính phủ đã thành công trong vấn đề tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam xét theo yếu tố về lượng. Số lượng các ngân hàng giảm theo đúng lộ trình đề ra. Nhiều chính sách, quy định mới ra đời tạo hành lang pháp lý chặt chẽ hơn cho các ngân hàng hoạt động.

Thời gian tới, Chính phủ và NHNN cần tập trung phát triển về chất của hệ thống ngân hàng. Trong đó, hướng vào nâng cao chất lượng, quy mô, tính minh bạch và an toàn của hệ thống, nâng cao quản trị rủi ro, đạo đức nghề nghiệp của nhân viên ngân hàng cũng như chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đảm bảo sự phát triển bền vững của hệ thống ngân hàng.

Xin cảm ơn bà.

Đỗ Lê

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên