MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Kỳ vọng lãi suất giảm: Chuyện khó!

01-05-2015 - 06:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Mới đây, Ngân hàng HSBC đưa ra nhận định lãi suất của Việt Nam có thể giảm trong quý 2/2015. NHNN cũng kỳ vọng giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn thêm 1 – 1,5% bằng biện pháp thị trường. Tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc giảm lãi suất là rất khó.

Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), lãi suất liên ngân hàng đã tăng khá nhanh vào giữa tháng 4 do nhu cầu vốn ngắn hạn tăng mạnh ở một số ngân hàng. Nhu cầu vốn tăng lên một phần do tín dụng 3 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá - đã đạt xấp xỉ 1,25% so với cuối 2014 trong khi cùng kỳ năm trước giảm 0,57%. Giữa tháng 4, lãi suất qua đêm dao động quanh 4,6%/năm, kỳ hạn 1 tuần khoảng 4,7%/năm và lãi suất 1 tháng khoảng 4,73%/năm.

Bên cạnh đó, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 34 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 53 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC, đáng chú ý vốn điều lệ của VAMC tăng từ 500 tỷ lên 2.000 tỷ đồng. Công ty này đã hoạt động từ tháng 7/2013 và đến nay mua được khoảng 135.000 tỷ đồng nợ xấu qua phát hành trái phiếu đặc biệt cho các ngân hàng. Nghị định 34 cho phép VAMC phát hành trái phiếu để mua nợ theo giá thị trường và được sử dụng để tham gia trên thị trường mở và tái cấp vốn của NHNN, tạo điều kiện cho hoạt động mua bán nợ thuận lợi hơn trong thời gian tới.

MBS cũng trích dẫn thông tin từ Cục quản lý giá cho thấy giá nguyên liệu trên thế giới đang có dấu hiệu phục hồi sau thời gian liên tục giảm có thể tác động gây sức ép lên mặt bằng giá trong nước, nhất là các mặt hàng nhập khẩu. Ngoài ra, giá cả hàng hóa, dịch vụ trong nước chịu tác động theo độ trễ của việc điều hành tăng giá xăng dầu và điều chỉnh giá điện từ tháng 3 cũng như nhu cầu tiêu dùng, đi lại ăn uống có thể tăng do yếu tố mùa vụ (thời tiết chuyển mùa nóng, nghỉ lễ dài dịp 30/4) có thể tác động làm tăng CPI trong những tháng tới.

Hội tụ những yếu tố kể trên, MBS cho rằng khi CPI kỳ vọng tăng lên, cầu tín dụng ngày càng cao và tăng trưởng kinh tế được cải thiện đáng kể thì lãi suất sẽ không giảm thêm trong thời gian tới.

Đồng tình với quan điểm này, Tổng giám đốc của ngân hàng N. cho rằng với chỉ tiêu CPI cả năm ở mức 5%, tăng trưởng tín dụng 13 – 15% thì lãi suất sẽ không thể giảm mà còn chịu áp lực tăng theo CPI. “NHNN nói vậy, thị trường muốn vậy, ngân hàng cũng muốn vậy, nhưng giảm lãi suất là điều rất rất khó, đâu phải muốn là được. Hoạt động ngân hàng hiện nay vẫn phụ thuộc lớn vào thu nhập từ lãi, nếu thu không đủ bù chi thì ngân hàng lại “chết””, ông nói.

Phó Tổng giám đốc Ngân hàng An Bình cũng lưu ý, việc quyết định có giảm lãi suất hay không còn phụ thuộc vào nguồn tiền huy động. “Ngân hàng không thể tự có tiền để muốn cho vay bao nhiêu cũng được. Chúng tôi phải cân nhắc kỹ sao cho mức lãi suất có thể chấp nhận được cho cả hai phía cho vay và đi vay”.

Số liệu của NHNN cho thấy, hiện lãi suất huy động tiền đồng phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn phổ biến ở mức 9-10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 7-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Lãi suất huy động USD phổ biến bằng mức trần do NHNN quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi của dân cư. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 3-6,7%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 3-5,5%/năm và từ 5,5-6,7%/năm đối với trung, dài hạn.

 

Ngọc Toàn

Nguyễn Hằng

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên