MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất cho vay trung, dài hạn khó giảm sâu

13-12-2014 - 19:51 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xem xét điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn đang được hậu thuẫn bởi mức lạm phát tăng thấp kỷ lục.

Tại Nghị quyết số 89/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11.2014, Thủ tướng yêu cầu NHNN nghiên cứu, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

Trước đó, vào cuối tháng 10, NHNN đã điều chỉnh giảm lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VNĐ, USD của cá nhân, lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VNĐ đối với các lĩnh vực ưu tiên. Đồng thời, NHNN kêu gọi các ngân hàng thương mại nhà nước điều chỉnh giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống mức tối đa 10%/năm; tiếp tục yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay (kể cả các khoản cho vay cũ) về mức dưới 13%/năm. Đến nay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay bằng VNĐ đã giảm 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013.

Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay hiện nay được cho là vẫn còn cao. Trừ một số doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi thì các doanh nghiệp không thuộc diện ưu đãi như doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn đang phải vay vốn với lãi suất khá cao, đáng nói là số doanh nghiệp này lại chiếm tới 90%.

Hơn nữa, theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, ngân hàng, trong bối cảnh lạm phát thấp như hiện nay, việc Chính phủ yêu cầu giảm lãi suất cho vay là hợp lý. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 11 giảm 0,27% so với tháng 10. Với kết quả này, lạm phát so với cùng kỳ năm ngoái hiện mới chỉ tăng 2,6% và so với cuối tháng 12.2013 mới tăng 2,08%. Gần một tháng nữa là hết năm, giả sử CPI tăng khoảng 0,5% trong tháng 12 – điều khó xảy ra khi giá xăng dầu đang tiếp tục giảm mạnh - thì lạm phát năm nay so với năm trước cũng sẽ chưa đến 3%.

Trong khi đó, lạm phát luôn là một trong những nhân tố đầu vào quan trọng, chi phối chính sách điều hành lãi suất của NHNN, đặc biệt là lãi suất tiền gửi. Vừa qua, một số ngân hàng lớn đã chủ động giảm lãi suất tiền gửi xuống mức khá sâu.

Vietcombank hôm 18.11 đã tiếp tục giảm lãi suất cho các kỳ hạn ngắn thêm 0,1-0,3%/năm. Lãi suất tiết kiệm cho tiền gửi kỳ hạn một tháng tại ngân hàng này hiện chỉ còn 4%/năm, mức thấp nhất trên thị trường hiện nay.

Từ 27.11, mức lãi suất huy động VNĐ đối với khách hàng cá nhân có kỳ hạn dưới 36 tháng của VietinBank cao nhất chỉ là 6%/năm. Lãnh đạo Vietinbank cho biết, việc giảm lãi suất huy động sẽ tạo điều kiện hạ thấp lãi suất cho vay nhằm chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí vốn, khôi phục và phát triển sản xuất kinh doanh trong những tháng cuối năm 2014 khi nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp tăng cao.

Với bối cảnh lạm phát cho cả năm nay xoay quanh mức 3% nhiều khả năng xu hướng cắt giảm lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn sẽ chưa dừng lại. Và khi lãi suất tiền gửi đầu vào đã liên tục giảm trong một thời gian đủ dài, sẽ không còn nhiều lý do để các ngân hàng thương mại viện cớ để không điều chỉnh giảm lãi suất cho vay. Dù vậy, cũng phải thấy rằng, việc hạ lãi suất từ đầu năm tới nay tác động tới doanh nghiệp không nhiều. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thừa nhận khó giảm mạnh lãi suất cho vay trung, dài hạn vì rủi ro cao. Vốn trung, dài hạn chủ yếu dành cho khách hàng cá nhân vay mua nhà để ở, vay tiêu dùng, trả góp trong vài năm, thậm chí lên đến hàng chục năm nên lãi suất cho vay luôn được các ngân hàng áp dụng cao nhất.

>>> Chính phủ yêu cầu xem xét tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất

Theo Bình Sơn

hangnt

Đại biểu nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên