MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Mùa làm ăn cuối năm nhiều mối lo

01-10-2015 - 10:17 AM | Tài chính - ngân hàng

Doanh nghiệp vẫn chưa thể “thở phào” trong tính toán vay vốn làm ăn, bởi lãi suất đang trở nên quá cao so với mức lạm phát thực tế

Sáng thứ hai (28.9), ngân hàng Nhà nước ra thông cáo báo chí về quyết định điều chỉnh giảm mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đôla Mỹ của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hiệu lực từ 28.9. Theo đó, mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đôla Mỹ của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài) là 0%/năm. Mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi của cá nhân là 0,25%/năm.

Tín dụng đã thông?

Thông cáo nêu rõ mục tiêu ngăn chặn tình trạng găm giữ ngoại tệ nhằm góp phần thực hiện có hiệu quả các giải pháp về chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng trong những tháng cuối năm 2015.

Quyết định này liệu có xua tan mối lo lắng lãi suất huy động tiền đồng sẽ tăng sau việc điều chỉnh tỷ giá hồi cuối tháng 8, có thể dẫn đến lãi suất cho vay sẽ tăng theo?

Lo lắng này xuất phát từ nhận định nếu lãi suất tiền đồng không tăng, sẽ có dòng chuyển dịch từ nắm giữ tiền đồng sang nắm giữ USD. Căn cứ giá bán của VCB, đầu năm đến nay (31.12.2014 so 28.9.2015) tiền đồng đã mất giá 5,1% so với đôla Mỹ. Mức mất giá này khiến chênh lệch giữa lãi suất huy động VND và USD không còn ý nghĩa, nhất là khi có kỳ vọng giá đôla tăng. Hiện, mặt bằng lãi suất huy động bằng VND phổ biến ở mức 5,4 – 6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4 – 7,2%/năm. Đã biết trước khi có quyết định điều chỉnh lãi suất USD kế trên, lãi suất huy động USD: phổ biến bằng mức trần (cũ) do ngân hàng Nhà nước quy định là 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức và 0,75%/năm đối với tiền gửi của dân cư.

Lo lắng này càng trầm trọng khi vào mùa làm ăn cuối năm, doanh nghiệp sẽ phải tăng tốc vay vốn. Tuần trước, ông Nguyễn Tiến Đông, vụ trưởng vụ Tín dụng các ngành kinh tế, ngân hàng Nhà nước cho rằng, tăng trưởng tín dụng năm nay chắc chắn đạt 16,5%. Trong khi đó, tính đến hết tháng 8, tín dụng cả nước mới tăng 10,23% so với cuối năm 2014. Ngân hàng Nhà nước cũng từng cho biết tín dụng cả năm có thể lên mức 17% để hỗ trợ tăng trưởng. Năm 2015 đã hết 3/4 quỹ thời gian, nhưng vẫn còn dư địa hơn 1/3 chỉ tiêu tín dụng, và tín dụng có xu hướng tăng tốc cuối năm.

Kỳ thực thì từ cuối tháng 8, một số ngân hàng nhỏ đã tăng lãi suất huy động, được cho là để ngăn dòng chảy từ tiền đồng sang đôla Mỹ. Chưa thấy có động tịnh ở các ngân hàng lớn, và lãi suất cho vay cũng chưa tăng. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 – 7%/năm đối với ngắn hạn, lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 – 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 – 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 – 11%/năm đối với trung và dài hạn.

“Cục máu đông” nợ xấu hồi đầu tuần trước cũng đã được Thủ tướng thông báo giảm về mức 3%, từ mức 17% vào tháng 9.2012. Điều này có nghĩa dòng chảy tín dụng sẽ trở nên dễ dàng hơn.

Chưa thể thở phào

Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa thể “thở phào” trong tính toán vay vốn làm ăn, bởi lãi suất (đã nói ở trên) đang trở nên quá cao so với mức lạm phát thực tế (chỉ số giá tiêu dùng – CPI tháng 9.2015 giảm 0,21% so với tháng trước và chỉ tăng 0,4% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân chín tháng đầu năm 2015 cũng chỉ tăng 0,74% so với cùng kỳ năm 2014).

Nhiều doanh nghiệp đã nêu vấn đề lãi suất cho vay khoảng 10%/năm thì doanh nghiệp Việt Nam khó cạnh tranh khi lãi suất cho vay ở các nước chỉ 3 – 4%/năm. Tuy nhiên, một quan chức ngân hàng Nhà nước cho biết tại một hội thảo mới đây rằng chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra của các ngân hàng hiện nay chỉ ở mức 3%. Như vậy, rất khó để giảm lãi suất cho vay xuống nữa. Muốn giảm, phải giảm lãi suất huy động. Mà giảm lãi suất huy động, lại gặp vấn đề dịch chuyển từ tiền đồng sang USD. Một bài toán khó!

Mặt khác, CPI giảm hoặc tăng thấp có nhiều nguyên nhân, nhưng theo nhận định chuyên gia, nó là chỉ báo tin cậy của sức mua yếu, doanh nghiệp sẽ phải rất cẩn trọng trong việc tính toán cho mùa làm ăn cuối năm sắp tới. Ở thị trường nội địa thì gặp chuyện sức mua yếu, còn xuất khẩu?

Có điểm sáng về xuất khẩu đến từ khu vực FDI. Tuy nhiên, khu vực các doanh nghiệp trong nước vẫn nhiều khó khăn. Thử nhìn lĩnh vực nông nghiệp – nơi ít có FDI. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu nông lâm thuỷ sản giảm mạnh trong ba quý đầu năm: đạt 21,65 tỉ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm 2014. Giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chính giảm rất mạnh như càphê (-32%), cao su (-13,7%) và gạo (-15,7%). Những con số này cho biết thu nhập suy giảm của lĩnh vực, đặc biệt là ở nông thôn, dẫn đến sức mua yếu, không hỗ trợ tiêu dùng và sản xuất…

Giá xuất khẩu suy giảm, một giải pháp có thể là tiếp tục phá giá đồng tiên. Tuy nhiên, trong thông cáo báo chí ngày 21.9, ngân hàng Nhà nước đã khẳng định ổn định tỷ giá: “Tỷ giá đồng Việt Nam đã có dư địa đủ lớn để linh hoạt trước các diễn biến bất lợi trên thị trường trong và ngoài nước không chỉ từ nay đến cuối năm 2015, mà cả những tháng đầu năm 2016”.

Ngân hàng Nhà nước nói vậy, nhưng nhìn vào dữ liệu xuất nhập khẩu, dường như tỷ giá vẫn có lợi cho nhập khẩu hơn là xuất khẩu. Theo số liệu từ tổng cục Hải quan, nhập siêu trong trong tám tháng đầu năm 2015 là 3,76 tỉ USD. Riêng nhập siêu từ Trung Quốc là hơn 21,5 tỉ USD. Những con số này cho thấy thặng dư thương mại từ các thị trường khác không đủ bù đắp nhập siêu đến từ Trung Quốc, và nhập siêu chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Nhập siêu từ Trung Quốc tác động nhiều mặt đến kinh tế Việt Nam. Nếu như thời kỳ trước đây (giai đoạn 2007 – 2008) Việt Nam “nhập siêu lạm phát” khi kinh tế Trung Quốc tăng nóng kéo giá hàng hoá tăng, thì hiện nay mối lo “nhập siêu giảm phát” là thực tế khi kinh tế Trung Quốc trì trệ, giá cả hàng hoá giảm. Mà trong chu kỳ giảm phát thì sức mua yếu, hàng hoá khó bán, kinh doanh khó khăn.

 

Theo Thanh Trúc

Thế giới tiếp thị

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên