MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngân hàng ôm “giấc mơ” xử lý nợ xấu

05-01-2015 - 08:41 AM | Tài chính - ngân hàng

Hoàn thiện khung pháp lý để bán cho nước ngoài, thu hồi được nợ, bán đấu giá tài sản… đang là “giấc mơ” mà ngành ngân hàng hy vọng trở thành hiện thực trong năm 2015 khi Chính phủ quyết tâm đưa nợ xấu về 3%.

Hoàn thiện khung pháp lý để bán cho nước ngoài, thu hồi được nợ, bán đấu giá tài sản… đang là “giấc mơ” mà ngành ngân hàng hy vọng trở thành hiện thực trong năm 2015 khi Chính phủ quyết tâm đưa nợ xấu về 3%.

Theo Nghị Quyết của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổc chức tín dụng (TCTD) theo hướng: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu.

Hai năm theo tòa chỉ đòi được tiền vốn

Nói về khó khăn trong việc xử lý nợ xấu, ông Đặng Bảo Khánh, Tổng giám đốc SeABank, cho biết có trường hợp khách hàng không trả được nợ, ngân hàng đã đâm đơn kiện ra tòa. Theo tòa ròng rã, hết tòa sơ thẩm, tòa phúc thẩm cho đến khi có tòa tuyên án khách hàng phải trả nợ cho ngân hàng cả gốc lẫn lãi, nhưng rồi kết quả chỉ lấy được tiền vốn.

“Lấy được tiền vốn đã may, nhiều trường hợp, ngân hàng không thể thu hồi được vốn do khách hàng không trả hoặc không thể trả nổi”, ông Khánh chia sẻ.

Cùng nỗi bức xúc này, ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Vietinbank, cho rằng với khung pháp lý hiện nay thì việc thu hồi nợ rất khó khăn nếu như khách hàng không trả được nợ.

“Nhiều địa bàn khách hàng có tài sản nhưng không thu hồi được, như cho vay làng nghề vậy, dân có tiền cũng không trả, nên việc phát mại khó khăn, người dân không hợp tác. Hay như tại địa bàn Hải Phòng, có doanh nghiệp vẫn kinh doanh bình thường cũng không chịu trả nợ mặc dù cơ quan thi hành án vào cũng không làm gì được”, ông Thắng bức xúc.

Theo ông Thắng, việc xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước phải trực tiếp chủ trì phối hợp với các bộ ngành, như Bộ Tài chính, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để xử lý tài sản đảm bảo, hoàn thiện khung pháp lý để bán đầu giá tài sản, thu hồi nợ…
Ông Lê Công, Tổng giám đốc MB, cho rằng vấn đề nợ xấu là của cả nền kinh tế, chỉ mình ngành ngân hàng không làm được mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành và doanh nghiệp.

“Một mặt, các NHTM phải nỗ lực, thu hồi nợ xấu, trích lập dự phòng rủi ro, phối hợp với VAMC. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có các chính sách kinh tế tháo gỡ khó khăn cho các DN, hỗ trợ thị trường, đặc biệt là thị trường bất động sản, giúp môi trường kinh tế thuận lợi hơn, góp phần cho tăng trưởng kinh tế”, ông Lê Công phân tích.

Thực tế, việc xử lý nợ xấu đang bế tắc do các cơ chế pháp lý cần thiết để thúc đẩy quá trình xử lý nợ xấu chưa được xây dựng đầy đủ. Quyền tài sản, nhất là quyền sở hữu gắn với đất đai, chưa được phân định rõ ràng, dẫn tới việc đưa cơ chế thị trường vào quá trình định giá và xác định người mua gặp nhiều vướng mắc.

Bởi vậy, các TCTD vẫn chưa thể bán được nợ xấu cho chủ thể khác. Thời gian xử lý tài sản đảm bảo thông qua con đường xử lý qua tòa mất quá nhiều thời gian nhưng vẫn rủi ro cho ngân hàng.

Khuyến khích nước ngoài chi tiền

Với diễn biến của nợ xấu cũng như mục tiêu đưa nợ xấu về 3% trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước đang tỏ ra sốt ruột và đốc thúc quá trình hình thành thị trường mua bán nợ xấu trong quý đầu của năm 2015.

Theo đó, trong năm 2015, Ngân hàng Nhà nước dự kiến sẽ đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại các TCTD theo hướng: hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ, khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua, bán nợ xấu.

Tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực, phát huy vai trò của VAMC, trong đó thực hiện việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường; tăng cường thanh tra, giám sát về nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định pháp luật về phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro.

Theo Viện Nghiên cứu Chính sách - VEPR (Đại học Quốc gia), để nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào xử lý nợ xấu thì cơ chế pháp lý cần thiết cho sự vận hành của một thị trường mua bán công cụ nợ phải được gấp rút xây dựng, bao gồm xác định rõ ràng quyền tài sản gắn với đất đai, thay đổi quy định pháp luật liên quan đến phát mại, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để tăng thanh khoản cho mua bán nợ xấu thì cần phải hình thành được một thị trường mua bán nợ, mà ở đó, người bán nợ có thể tìm được người mua và mặc cả giá, quyền sở hữu tài sản, đất đai. Và người nước ngoài chỉ chi tiền mua khoản nợ xấu khi mà họ được đảm bảo những quyền như tài sản đi kèm được chuyển quyền sở hữu sang tên họ và họ được quyền sử dụng nó một cách hợp pháp.

Theo ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cần phải tạo lập các quyền hạn nhất định để VAMC có thể hoạt động được một cách hiệu quả như là khả năng giải quyết tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu, cũng như xây dựng thị trường nợ.

“Đồng thời các khoản nợ xấu cần phải có một khuôn khổ pháp luật để các NHTM khi gặp phải nợ xấu có được quyền được định giá thông qua các cơ quan nhà nước để phát mãi, thu hồi nợ chứ không phải trải qua quá trình tố tụng mất thời gian”, ông Phước bình luận.

Dù vậy, ông Phước năm 2015 sẽ đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3%. Điều này thể hiện quyết tâm của Chính phủ.

“Tôi cho rằng, mục tiêu này cũng có cơ sở khi mà nền kinh tế nước ta đã có những bước phục hồi mạnh mẽ: Tăng trưởng năm nay đạt trên 5,9%, lạm phát lại thấp, một số chỉ tiêu khác cũng rất tốt như xuất khẩu, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại hối tăng, lãi suất giảm…

Nếu đà phục hồi này được duy trì cùng với việc thực hiện tốt tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công và tiếp tục thay đổi môi trường đầu tư thì mục tiêu giảm nợ xấu xuống mức 3% là hoàn toàn khả thi”, ông Phước phân tích.

Theo Trần Giang

hangnt

Diễn đàn đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên