MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng lớn “kẹt” với quota tín dụng

20-08-2015 - 08:47 AM | Tài chính - ngân hàng

Nhiều ngân hàng có thể sẽ không được cho vay, hoặc chỉ cho vay được rất ít trong những tháng còn lại của năm do đã dùng hết quota tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp hồi đầu năm, hoặc vừa được nới vào đầu tháng 7 vừa qua.

BIDV, SHB, NamABank, MB, ACB, Sacombank… đang rơi vào tình thế “kẹt” với tín dụng do quota còn lại trong những tháng cuối năm chỉ còn từ 1 - 3%, thậm chí có một vài ngân hàng chót tiêu quá hạn mức được cấp cho cả năm trong vòng 6 tháng. Nếu không được NHNN nới quota, những tháng còn lại của năm của những ngân hàng này sẽ rất vất vả, bởi thu tiền đáo hạn về mới có room.

 

Vẫn chưa tiêu hết , nhưng SHB cũng đang rơi vào tình thế khó xử khi 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng tín dụng đạt 13,9%, trong khi mức quota được cấp cho cả năm là 15%. 6 tháng còn lại, SHB chỉ còn 1,1%. Nếu không được nới tăng trưởng tín dụng, lợi nhuận của SHB sẽ bị ảnh hưởng, hoặc ngân hàng này sẽ phải thu hồi nợ cũ thì mới được tiếp tục cho vay.

Năm ngoái, ngân hàng này được NHNN cấp phép tăng trưởng tín dụng là 36%. Trong khi năm nay lại thấp hơn 1 nửa chỉ tiêu năm ngoái khiến ngân hàng này gặp không ít khó khăn.

BIDV, MB, ACB cũng rơi vào tình huống tương tự. 6 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của BIDV đạt 518.252 tỷ đồng, tăng 16,2% so với cuối năm 2014. Được biết, đầu năm, hầu hết các ngân hàng đều được cấp quota tín dụng là 13%, có lẽ BIDV cũng không ngoại lệ. Hơn nữa, theo kế hoạch ĐHĐCĐ, BIDV dự kiến tăng trưởng tín dụng cả năm 2015 là 16%, tuy nhiên, mới nửa năm đã tiêu hết.

Có lẽ, ngân hàng này sẽ xin NHNN cấp thêm quota tín dụng. Nếu không, để có thể tăng trưởng tín dụng mới, BIDV sẽ phải chờ thu hồi nợ cũ. BIDV cũng là ngân hàng có tỷ lệ cho vay trung và dài hạn trên 50%.

Nếu không được nới tăng trưởng tín dụng, BIDV sẽ bị ảnh hưởng tới kế hoạch lợi nhuận. Không chỉ vậy, nợ xấu cũng là vấn đề không nhỏ của ngân hàng này. 6 tháng đầu năm nợ xấu của ngân hàng này chiếm 2,74%/tổng dư nợ. Trong khi tại thời điểm đầu năm tỷ lệ này chỉ ở mức 2,03%.

MB cũng không nằm trong danh sách được nới quota tín dụng hồi tháng 7 vừa qua, tuy nhiên, 6 tháng đầu năm đã tiêu hết 10%. Có thể MB sẽ phải xin NHNN nới room tăng trưởng tín dụng, nếu không, với 3% còn lại cho 6 tháng cuối năm thì quá chật hẹp.

Cùng cảnh với MB, ACB không được nới room và cũng đã tiêu hết 10,34% trong 6 tháng đầu năm. Sacombank cũng đã tiêu 9,91% tăng trưởng tín dụng. Với mức 3% còn lại có quá chật hẹp với 2 ngân hàng này.

Điều đáng nói, dư nợ của trung và dài hạn của Sacombank chiếm 70% so với tổng dư nợ, do vậy, nếu có thu hồi nợ để cho vay mới thì ngân hàng này cũng gặp không ít khó khăn. Cách duy nhất là Sacombank nộp đơn xin nới room tín dụng.

Nếu không được nới room, những ngân hàng này sẽ đối mặt với việc không đạt được chỉ tiêu lợi nhuận đề ra. Hơn nữa, nếu tăng trưởng tín dụng chậm lại, nguy cơ nợ xấu tăng trở lại.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng đang cho thấy sự tăng lên của nợ xấu. Ví như Sacombank, tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,21% trên tổng dư nợ, tăng nhẹ so với tỷ lệ 1,18% hồi đầu năm.

Báo cáo 6 tháng đầu năm của nhiều ngân hàng cũng cho thấy, nguồn thu chính đóng góp vào lợi nhuận của các ngân hàng là tín dụng. Do vậy, nếu không được cho vay, lợi nhuận của ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng.

Một chuyên gia tài chính cũng cho rằng việc nhiều ngân hàng lớn không thể mạnh tay cho vay trong những tháng cuối năm sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới doanh nghiệp. Vì nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường cao vào quý cuối của năm, đặc biệt là tháng cuối cùng của năm. Tín dụng tăng theo ngày.

Vị này cho rằng việc nới room tín dụng đối với NHNN có lẽ không quá khó khăn, vấn đề là các ngân hàng có đáp bảo được thanh khoản và cho vay đúng đối tượng ưu tiên không.

Vấn đề tỷ giá hiện đang là mối bận tâm của NHNN, do vậy, cơ quan này đang có xu hướng siết lại dòng tiền dư thừa nhằm tránh tình trạng đầu cơ USD. Điều này cũng sẽ tác động tới quyết định nới room tín dụng của cơ quan này đối với từng trường hợp cụ thể.

 

 

Theo Trần Giang

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên