MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều thử thách đang chờ tân Thống đốc

26-02-2016 - 11:08 AM | Tài chính - ngân hàng

Có nhiều lý do khiến thị trường đang ngóng đợi xem tân Thống đốc là ai...

Tại Đại hội Đảng lần thứ 12, lần đầu tiên trong lịch sử, người đứng đầu ngành ngân hàng là Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình đã trúng cử vào Bộ Chính trị.

Cho dù không khỏi có những phỏng đoán, thông tin chính thức về người kế nhiệm ông Bình sẽ chỉ có sau khi tổ chức phân công cho ông nhiệm vụ mới.

Nhiệm kỳ đáng nhớ

Ông Nguyễn Văn Bình bắt đầu ngồi “ghế nóng” vào thời điểm hệ thống ngân hàng ở tình trạng báo động, nợ xấu lên 17%, thanh khoản khủng hoảng, các ngân hàng ở trong trạng thái “ăn đong”, lãi suất cao vút. Thời điểm đó, không ít ý kiến bi quan cho rằng hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ có hiện tượng đổ vỡ.

Tuy vậy, với nhiều giải pháp đồng bộ được Ngân hàng Nhà nước đưa ra, trong đó có việc thực hiện một loạt thương vụ hợp nhất, sáp nhập những ngân hàng yếu kém, mua ngân hàng 0 đồng... hệ thống ngân hàng đã được thanh lọc, đi vào hoạt động ổn định.

Trong nhiệm kỳ 5 năm của mình, tái cơ cấu và nâng cao chất lượng hoạt động, năng lực cho hệ thống ngân hàng là công việc được Thống đốc Nguyễn Văn Bình đẩy mạnh, khi lần lượt các Thông tư 02, Thông tư 09, Thông tư 36 - với những yêu cầu cao hơn cho hệ thống ngân hàng - ra đời.

Ông Bình cũng chỉ đạo từ tháng 2/2016 chính thức thí điểm thực hiện phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn của Basel II đối với 10 ngân hàng (BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB). Đến năm 2018, sẽ mở rộng áp dụng Basel II với các ngân hàng thương mại khác trong nước.

Lãi suất từ mức cao vút, hơn 20%/năm, nay đã giảm xuống còn 7 - 9%/năm với lãi suất cho vay ngắn hạn, 9 - 11%/năm với lãi suất cho vay dài hạn. Hệ thống ngân hàng từ chỗ “ăn đong” thanh khoản, dưới thời ông Bình đã ổn định và trở nên dồi dào.

Xử lý nợ xấu cũng được đánh giá cao trong thời Thống đốc Bình. Từ mức nợ xấu 17,2% trong tháng 9/2012, đến cuối năm 2015, nợ xấu đã xuống dưới 2,9%.

Tỷ giá cũng là một thành công của Thống đốc Bình. Với giải pháp đồng bộ, Ngân hàng Nhà nước đã góp phần giảm được tình trạng đô la hóa, nâng cao được vị thế tiền đồng.

Cùng với nhiều quy định khác, điều không thể phủ nhận là hoạt động ngân hàng dưới thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình đã minh bạch hơn, hoạt động thực chất hơn. Tình trạng vốn ảo, lợi nhuận ảo đã bị hạn chế bởi những quy định cụ thể về nguồn gốc vốn góp, trích lập dự phòng đầy đủ.

Thử thách đang chờ

Có nhiều lý do khiến thị trường đang ngóng đợi xem tân Thống đốc là ai.

Trong nhiệm kỳ mới của tân Thống đốc, liệu mục tiêu giảm số lượng ngân hàng xuống còn 15 - 17 ngân hàng có được tiếp tục thực hiện? Những ngân hàng yếu kém có được giải quyết bằng giải pháp sáp nhập, hợp nhất hay sẽ cho phá sản?

Cho dù đã giảm đáng kể, lãi suất vẫn được xem đang là gánh nặng của doanh nghiệp, khi lãi suất cho vay so với các nước trong khu vực vẫn ở mức cao, khiến doanh nghiệp trong nước gặp nhiều khó khăn khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài. Đây là một thách thức nữa đối với tân Thống đốc.

Về nợ xấu, nhiều chuyên gia cho rằng quy mô nợ xấu vẫn còn lớn, và nhiệm vụ này cần phải được giải quyết triệt để trong nhiệm kỳ mới của tân Thống đốc.

2016 cũng được dự báo sẽ là năm đầy thách thức của tỷ giá trước xu hướng tăng của USD, liên tục biến động của Nhân dân tệ. Giữ ổn định được tỷ giá như người tiền nhiệm sẽ là công việc cam go đối với bất cứ ai kế nhiệm ông Bình.

Trả lời báo giới hồi đầu năm nay, TS. Nguyễn Đức Hưởng, Phó Chủ tịch Ngân hàng LienVietPostBank từng nêu một quan điểm đáng chú ý về sự thay đổi nhân sự lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước.

"Ngân hàng Nhà nước là một tổ chức trực tiếp chịu sự điều hành của Chính phủ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chịu sự giám sát của Quốc hội và nhân dân, chứ không phải là một doanh nghiệp đơn thuần để có thể áp dụng thay đổi kiểu tân lãnh đạo - tân chính sách một cách không bài bản và khoa học", ông Hưởng nói.

"Giả sử, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có thay đổi vị trí công tác, thì với kết quả chinh phục ngoạn mục những ngọn núi thử thách đối với nền kinh tế thông qua việc điều hành chính sách tiền tệ (lạm phát, lãi suất, tỷ giá, vàng, tái cơ cấu, nợ xấu…), tạo được dấu ấn và niềm tin đối với xã hội, ở vị trí mới chắc chắn sẽ cao hơn và càng gắn chặt với đường lối điều hành chính sách tiền tệ. Trong đó, có chính sách tỷ giá trên cơ sở thông suốt hơn sự chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ và Quốc hội...".

“Cho nên, sự nhất quán trong chỉ đạo điều hành sẽ theo hướng tốt lên, có lợi cho nền kinh tế, doanh nghiệp và niềm tin của nhân dân hơn nữa”, ông Hưởng nhấn mạnh.

Theo Trần Giang

Bizlive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên