MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nợ xấu dưới 3%: Khả thi nhưng đầy thách thức

17-01-2015 - 08:43 AM | Tài chính - ngân hàng

Nợ xấu đã được "bắt bệnh" và đang được "chữa bệnh" kịp thời, tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề mà các TCTD cần phải bắt tay ngay vào để xử lý.

Theo Nghị quyết 01/NQ-CP, Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, gắn cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) theo hướng hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho thị trường mua, bán, xử lý nợ, tài sản đảm bảo, trách nhiệm của người đi vay và quyền hạn của chủ nợ.

Mục tiêu đưa nợ xấu về dưới 3% là có cơ sở bởi nếu nhìn vào con số thống kê, chúng ta thấy: Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, tính đến thời điểm cuối tháng 11/2014, nợ xấu theo báo cáo của các TCTD là 167.861 tỷ đồng tương đương khoảng 3,8%. NHNN dự kiến, cuối tháng 1/2015 sẽ chính thức có số liệu cuối cùng về tỷ lệ nợ xấu của năm 2014.

Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 12/2014 sẽ giảm bởi vì tháng 12/2014 các TCTD bán nợ xấu rất mạnh cho VAMC và thực hiện xử lý dự phòng rủi ro theo quy định. Từ ngày 1/1 đến ngày 31/12/2014, VAMC đã duyệt mua khoảng 98.000 tỷ đồng nợ xấu, trong đó tháng 12/2014 là khoảng 36.000 tỷ đồng.

VAMC không chỉ vượt chỉ tiêu mua nợ mà kết quả thu hồi nợ, bán tài sản, bán nợ cũng vượt kế hoạch đặt ra. Theo đó, mục tiêu đặt ra đầu năm thu hồi khoảng 2.500 tỷ đồng nợ. Tuy nhiên, tính đến nay, VAMC đã thu hồi được 4.161 tỷ đồng, chưa tính đến khoản đấu giá thành công món nợ của Agribank hơn 300 tỷ đồng đang chờ chuyển tiền về.

Và để thực hiện mục tiêu nợ xấu đến hết 2015 về dưới 3% trong năm 2015 VAMC sẽ mua khoảng từ 70.000 - 100.000 tỷ đồng và bán nợ tăng gấp đôi so với mức đã đạt được của năm 2014, tức là khoảng 8.000 -10.000 tỷ đồng. So với kết quả đạt được của năm 2014, các dự báo này hoàn toàn có thể thực hiện được trong năm 2015.

Trong thời gian qua, NHNN đã có hàng loạt các biện pháp quyết liệt để chỉ đạo xử lý nợ xấu, như quy định các NHTM chỉ được chia cổ tức khi đã trích lập đầy đủ các khoản dự phòng rủi ro. Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ xử lý nợ xấu cho nền kinh tế, VAMC đã ra đời như một trong các công cụ tối ưu cho việc xử lý nợ xấu mà không sử dụng nguồn tiền từ ngân sách. Với sự quyết liệt của NHNN, những động thái chủ động, tích cực của các NHTM, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã có những dấu hiệu lạc quan hơn. Vai trò dẫn dắt và định hướng thị trường của NHNN đã phát huy tác dụng tích cực.

Hệ thống tín dụng sau một thời gian dài mang trong mình những tồn tại, khó khăn, nay đã hoạt động an toàn, tránh được nguy cơ đổ vỡ. Bản thân các NHTM, sau khi tham gia vào quá trình tái cấu trúc và xử lý nợ xấu - đã khỏe mạnh hơn. Điển hình như ngân hàng SHB sau khi sáp nhập Habubank vào đã lớn mạnh lên trông thấy về nhiều chỉ tiêu. PVcomBank đang nỗ lực sau khi đi lên từ công ty tài chính PVFC sáp nhập ngân hàng Westernbank. NCB cũng đang chuyển mình sau khi đổi tên từ Navibank.

Với trường hợp HDBank, để tăng quy mô và năng lực trên thị trường, ngân hàng này đã chủ động tiến hành tái cấu trúc thông qua việc tự nguyện nhận sáp nhập DaiABank- tổ chức tín dụng không thuộc diện yếu kém vào HDBank để tạo ra một ngân hàng HDBank sau sáp nhập có quy mô lớn hơn về vốn tài sản, mạng lưới hoạt động và hiệu quả hơn về năng lực quản trị điều hành. Nợ xấu của ngân hàng sau sáp nhập cũng là một vấn đề mà HDBank đã xử lý thành công. Tại thời điểm sáp nhập, nợ xấu của HDBank khoảng 4,8%. Đến nay, tỷ lệ này là dưới 3%. Trong năm 2014, HDBank đã bán được gần 1500 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Với sự quyết liệt của cả hệ thống, nền kinh tế vĩ mô đã ổn định với những điểm sáng đầy hy vọng. Dòng vốn đã luân chuyển vào nền kinh tế với chất lượng tín dụng cao. Doanh nghiệp và người dân đã được vay vốn với lãi suất thấp hấp dẫn, đa số dưới 10%/năm, thậm chí theo NHNN, những doanh nghiệp có phương án sản xuất kinh doanh tốt còn được vay vốn chỉ 6 – 7%/năm. Nhờ vậy, đến thời điểm ngày 22/12/2014, tín dụng đối với nền kinh tế tăng 12,62%.

Nợ xấu đã được "bắt bệnh" và đang được "chữa bệnh" kịp thời. Cả nền kinh tế đang hưởng lợi từ sự vào cuộc quyết liệt của ngành ngân hàng, các Bộ ngành có liên quan. Với điểm mạnh là khả năng thanh khoản dồi dào, một nguồn vốn lớn từ các NHTM đang chờ những doanh nghiệp tốt đến gõ cửa. Và nếu các doanh nghiệp đẩy mạnh tái cấu trúc mạnh mẽ hơn nữa, nền kinh tế chắc chắn sẽ có những chuyến biến tích cực hơn.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng của các TCTD vẫn còn nhiều thách thức, theo tác giả, sau đây là một số vấn đề cơ bản mà các TCTD đang gặp phải và cần sớm xử lý nếu các TCTD kỳ vọng đạt được tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành dưới 3% trong năm 2015:

-Thông tin về khách hàng vừa thiếu, vừa không chuẩn xác: Điều này gây không ít khó khăn cho ngân hàng trong việc thiết lập quan hệ tín dụng. Ở Việt Nam, trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không ít doanh nghiệp có báo cáo tài chính không chuẩn xác, lại không qua kiểm toán. Ngay cả đối với các doanh nghiệp lớn được kiểm toán thì sự chậm trễ trong công bố báo cáo tài chính cũng như chất lượng kiểm toán chưa cao cũng gây nhiều khó khăn cho các ngân hàng. Vì thế, việc dựa vào một số thông tin đầu vào để cấp tín dụng, đã dẫn đến một số khoản vay vừa ra khỏi ngân hàng đã khó có khả năng thu hồi. Đặc biệt, khi ngân hàng và doanh nghiệp lại có mối quan hệ “mật thiết”, phụ thuộc lẫn nhau (sở hữu chéo) thì nguồn lực dễ bị phân bổ sai lệch, bất hợp lý, cho vay bất chấp các quy định về an toàn vốn, nợ xấu tất yếu sẽ tăng lên.

-Hoạt động thâu tóm, mua bán, sáp nhập, các công ty sân sau, sở hữu chéo trong ngân hàng đã tạo ra những vòng luẩn quẩn của dòng tiền: Đây cũng là những hoạt động tiềm ẩn nhiều nợ xấu nhưng rất khó chỉ ra để xử lý, khi tính minh bạch và giải trình còn hạn chế. Nợ xấu đang chạy lòng vòng giữa ngân hàng và các doanh nghiệp có quan hệ mật thiết. Nếu thế, nợ xấu sẽ ngày một phình to và càng khó xác định, lãi suất sẽ bị đẩy lên cao, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh càng khó tiếp cận được vốn.

-Nợ xấu còn có nguyên nhân sâu xa từ đạo đức nghề nghiệp của một số cán bộ ngân hàng và khách hàng: hoạt động kinh doanh ngân hàng dựa trên sự tin cậy, mức độ tín nhiệm và đạo đức nghề nghiệp không chỉ cần thiết mà còn mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà một số cán bộ ngân hàng đã cấu kết với khách hàng để che giấu sự thật, gian lận, cố ý làm trái quy định của NHNN, của NHTM. Mặc dù chưa có số liệu công bố nhưng trong tổng số nợ xấu đó, một tỷ lệ không nhỏ nảy sinh từ vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

-Đấu giá tài sản đảm bảo: như trường hợp gần đây nhất, một khoản nợ của Agribank phải đấu giá tới 7 lần mới thành công, kéo dài một năm; còn như để VAMC đấu giá thì nhanh nhất cũng mất 4 tháng cho 1 tài sản đảm bảo. Qua thực tiễn xử lý, những khoản nợ nếu đạt được đồng thuận cao giữa chủ nợ và bên nợ sẽ xử lý rất nhanh, kể cả quy mô nợ tới hàng nghìn tỷ đồng.

Cơ chế pháp lý cần thiết cho sự vận hành của một thị trường mua bán công cụ nợ: cần được gấp rút xây dựng, bao gồm xác định rõ ràng minh bạch quyền tài sản gắn với đất đai, thay đổi quy định pháp luật liên quan đến phát mãi tài sản, mua bán tài sản thế chấp hoặc công trình, dự án liên quan đến các khoản nợ xấu.

Hệ thống pháp lý là một trong những vấn đề cấp thiết để hình thành thị trường mua bán nợ xấu. Chẳng hạn, một khoản nợ có công chứng giao dịch đảm bảo rồi, đăng ký đầy đủ thủ tục pháp lý và ngân hàng là người luôn giữ giấy tờ sở hữu chính. Thế nhưng khi cần phải xử lý, thu hồi nợ thì ngân hàng gần như không có bất cứ quyền gì mà hoàn toàn phụ thuộc vào bên chủ tài sản. Nếu họ không hợp tác, ngân hàng sẽ khó thu giữ được tài sản, không phát mãi được và phải nhờ đến cơ quan pháp luật. Song điều đáng nói ở đây, khi đưa ra tòa án chỉ một vụ việc bình thường không có gì phức tạp, mâu thuẫn nhưng thủ tục , quy trình xử lý rất phức tạp, rườm rà. Điều này sẽ làm cho nợ xấu ngày càng trầm trọng. Vì lẽ đó, đáng lẽ với những khoản vay có giấy tờ đầy đủ rồi sẽ phải xử lý nhanh trong vòng vài tháng nhưng chúng ta phải luôn mất vài năm mới xong.

Để hình thành thị trường mua bán nợ xấu theo đúng nghĩa, và để thu hút đông đảo các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm tới khoản nợ xấu của các TCTD thì điều quan trọng nhất là giá cả hàng hoá, và khung pháp lý đảm bảo tính minh bạch thuận lợi trong giao dịch . Nếu các điều kiện này được đảm bảo, việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường sẽ tự khắc hình thành. Khi đó, VAMC không cần tăng vốn cũng sẽ hoàn thành “sứ mệnh” của mình.

Sau cùng, theo các phân tích ở trên, tác giả nhận thấy rằng mục tiêu mà NHNN đưa ra với tỷ lệ nợ xấu dưới 3% đến cuối năm 2015 là khả thi, tuy nhiên phía trước vẫn còn nhiều thách thức và rất cần có sự nỗ lực của cả hệ thống các TCTD, các Bộ ngành trong cả nước cũng như sự đồng lòng của các doanh nghiệp trong quan hệ tín dụng với các TCTD và giải quyết nợ xấu.

>>> Chưa xử lý được nợ xấu thì tín dụng đến doanh nghiệp còn khó khăn

TS. Bùi Quang Tín

CTV Hàng hóa

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên