MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nới room nhưng không “nở nồi”

15-07-2015 - 22:53 PM | Tài chính - ngân hàng

Các chuyên gia tài chính cho rằng, động thái tăng thêm hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng (TTTD) cho một số NH hôm 8/7 sẽ không vượt quá chỉ tiêu định hướng.

Tăng trưởng tín dụng cả năm 15,3%

Đầu năm 2015 mục tiêu TTTD toàn hệ thống NH dự kiến 13-15%, nhưng NHNN cũng đặt vấn đề có thể điều chỉnh chỉ tiêu toàn ngành lên 17% để thúc đẩy kinh tế.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh, đợt nới hạn mức TTTD cho một số NH đợt này nếu tăng hết thì mức TTTD toàn hệ thống năm nay cũng chỉ vào khoảng 15,3%. Những NH có năng lực tài chính lành mạnh và hoạt động cho vay tốt trong 6 tháng đầu năm đều được chọn nới room TTTD. Tỷ lệ nới hạn mức TTTD dựa trên cơ sở quy mô tín dụng và mạng lưới hoạt động của từng NH, không phải cào bằng một mức.

Chẳng hạn, NHTMCP Nam Á (NamA Bank) điều chỉnh mức tăng từ 11% lên 25% cho cả năm nay, nhưng tổng dư nợ của NH này tính đến cuối năm 2014 vào khoảng hơn 16.000 tỷ đồng, nên mức vốn tăng thêm khoảng 4.500 tỷ đồng. NHTMCP Bảo Việt cũng có tổng dư nợ gần bằng với NamA Bank được nới room TTTD cao nhất trong đợt này là 36%. Một số NH khác được nới hạn mức tăng trưởng như: TPBank và SeA Bank có mức tăng lên 35%, LienVietPost Bank 25%, Vietcombank và VietinBank có mức tăng lên 16%...

Cũng cần lưu ý 1% tăng trưởng của những NHTMCP Nhà nước cao hơn cả chục phần trăm tăng thêm của một NHTMCP quy mô nhỏ, đặc biệt những khoản vay dài hạn của khối NH này là dư nợ bằng ngoại tệ. Trong đó phải kể đến Vietcombank, tính đến 30/6 NH có mức TTTD 6,52% so với cuối năm 2014 cao hơn bình quân chung toàn ngành NH. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm vừa qua của Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành Chủ tịch NH này cho biết, tỷ trọng dư nợ cho vay trung dài hạn tăng từ mức 36% tăng lên 40% sẽ là một áp lực cho thanh khoản của NH.

NH rụt rè tăng lãi suất

Thực tế, từ đầu tháng 6/2015 một số NHTMCP ở TP. Hồ Chí Minh đã rục rịch tăng lãi suất huy động tiền đồng ở các kỳ hạn ngắn và những chi nhánh NHTMCP Nhà nước cũng nâng nhẹ từ 0,1-0,3% lãi suất tiết kiệm ở các kỳ hạn từ 9 tháng trở lên để đón đầu cho vay vào thời điểm những tháng cuối năm 2015. NH rụt rè tăng lãi suất đầu vào, do không nâng thêm lãi suất đầu ra trong điều kiện sức mua trên thị trường chưa khỏe mạnh hoàn toàn nên khả năng tiêu thụ vốn vẫn còn là một ẩn số phía trước.

Hiện nay, đối với người có thu nhập ổn định, nếu lương thưởng trả qua tài khoản NH ở mức trên 20 triệu đồng, NH sẽ cho vay từ 15 – 25 năm để mua nhà. Các NH cho vay cũng nhìn trước ngó sau, nếu là cán bộ công chức thì phải dưới 40 tuổi mới có thể vay dài hạn để giảm mức trả nợ vốn gốc và lãi vay theo tháng, những người lao động tự do thì thời hạn vay không quá 15 năm. Lãi suất cho vay mua nhà ở một số NH hiện ngang bằng với lãi suất huy động bình quân các kỳ hạn 9 tháng trở lên.

Chẳng hạn: Vietcombank cho cá nhân vay lấy căn nhà làm tài sản đảm bảo có lãi suất quanh mức 7%/năm, nếu chi trả lương qua NH này lãi vay giảm còn 6,9%/năm. Bên cạnh đó, VIB cũng cho vay mua nhà với lãi suất cạnh tranh hơn 6,69%/năm trong 12 tháng đầu, những năm sau lãi vay tính lãi suất huy động 12 tháng cộng thêm 3,99%/năm.

Trong khi đó các NH cũng đua nhau đưa ra các gói lãi suất cho vay ngắn hạn đối với DN cần vốn lưu động sản xuất kinh doanh. Nhất là 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, DNNVV, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Những NH như LienVietPost Bank có thế mạnh mạng lưới cho vay vào nông nghiệp nông thôn, khu vực này không chỉ cho vay cây con mà còn mở rộng tín dụng vào các lĩnh vực thương mại dịch vụ như cho vay nhà trọ công nhân, đường giao thông nông thôn, hậu cầu nghề cá…

Hoặc như VietinBank đang có gói tín dụng tiêu dùng, hộ gia đình và DN siêu nhỏ với lãi suất 4,99%/năm đến 7%/năm. Một số NH nhỏ đang được NHNN hỗ trợ tái cơ cấu bằng cơ chế chính sách để có những gói vay lãi suất thấp hơn trần lãi suất huy động; những gói vốn mồi này như một giải pháp tiếp sức cho những NH yếu lấy lại đà tăng trưởng để theo kịp NH bạn trên thị trường.

Hầu hết các gói tín dụng lãi suất siêu thấp trên thị trường hiện nay đều nhắm vào các khoản vay ngắn hạn đối với DN, riêng cá nhân mua nhà để ở được ưu tiên lãi vay thấp dài hạn. Tuy nhiên các NH cũng nhắm hết khả năng sử dụng vốn, các khoản vay ngắn hạn của DN hết chu kỳ sản xuất kinh doanh tiền hàng trở về sẽ tất toán khoản nợ. Với cá nhân vay có mức thu nhập ổn định cộng với mức tăng lương theo năm thời gian qua thì người mua nhà thường chỉ 5 năm đã thu vén trả xong nợ nần. Nhất là các gói tín dụng lãi suất thấp có hạn mức cụ thể thì NH giải ngân hết sẽ đóng chương trình.

Nới TTTD, không có nghĩa là các NH sẽ dốc hầu bao ra cho vay rộng rãi. Mỗi NH trong bình quân giá vốn huy động, sẽ cho ra một gói lãi suất thấp thu hút những khách hàng tốt. Theo đó, cá nhân vay vốn mua nhà ở và DN đầu tư công nghệ mới… hiện đang có nhiều cơ hội để tiếp cận lãi vay thấp trong NH.

 

Theo Ngọc Châu

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên