Nông dân đi vay vốn: Ngân hàng ra đủ thứ điều kiện
Thời gian qua, có nhiều chính sách ưu đãi vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nông dân than phiền họ không thể chạm đến được. Đa số nông dân vẫn phải vay lãi suất cao từ các ngân hàng thương mại…
Từ ngày 1/8, bảy lĩnh vực trong hoạt động sản xuất kinh doanh nông nghiệp được vay vốn ưu đãi. Đây là một trong những nội dung quan trọng của nghị định 55 (thay thế nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Nông dân sẽ được vay vốn lãi suất thấp?
Thời gian qua, có nhiều chính sách ưu đãi vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nhưng nông dân than phiền họ không thể chạm đến được. Đa số nông dân vẫn phải vay lãi suất cao từ các ngân hàng thương mại…
Ngân hàng ra đủ thứ điều kiện
Ông Nguyễn Ngọc Khoa sống bằng nghề chăn nuôi gà đẻ trứng ngót 20 năm nay. Vốn liếng “đổ” vào trại gà không dưới 50 tỉ đồng và 70% phải vay ngân hàng. Theo quy định, ông Khoa thuộc đối tượng được vay gói tín dụng ưu đãi dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ấy vậy mà, khi đề cập đến vấn đề này, ông Khoa chỉ cười trừ và tỏ vẻ ngao ngán. Ông nói: các năm trước tui cũng nhiều lần mày mò tìm đến ngân hàng đề nghị vay vốn lãi suất ưu đãi, đi đến đâu họ cũng đưa ra yêu cầu này nọ rất khó thực hiện. Những yêu cầu này nọ được ông Khoa liệt kê ra kín cả tờ giấy A4, xem qua thì vẫn là những thủ tục “biết rồi khổ lắm nói mãi”, dự án kinh doanh khả thi, tài sản thế chấp, phương án trả nợ…
Không chỉ ông Khoa, hầu hết các chủ trang trại chăn nuôi ở khu vực miền Đông đều nói “anh em trong nghề” không ai vay được nguồn vốn rẻ… Ông Nguyễn Khánh, một người chăn nuôi khác nói gia đình ông vẫn đang trả lãi 9,5 – 10,5%/năm cho hai khoản vay đầu tư xây trại gà, trại heo từ hơn năm nay. Nhiều lần, nghe đồng nghiệp giới thiệu nghị định này, nghị định nọ quy định các chính sách tín dụng ưu đãi cho nông dân, ông Khánh cũng đã lên ngân hàng, nhưng đi đến đâu cũng chỉ nhận được câu trả lời “bác muốn vay phải có dự án, phương án kinh doanh, có tài sản thế chấp!”
Nông dân đều ít nhiều có tài sản thế chấp là căn nhà, mảnh đất, chiếc xe máy nhưng tài sản này không thể đủ giá trị thế chấp vay số tiền hàng tỉ, thậm chí là chục tỉ đồng để làm ăn lớn. Một trại gà công suất 10.000 – 15.000 con, chưa kể tiền đất cũng cần ít nhất 2 tỉ đồng đầu tư. Và khi họ tìm đến ngân hàng liền dính vào mớ bòng bong “con gà có trước hay quả trứng có trước”. Nghĩa là phải có tiền xây trại thì mới đem trại đi thế chấp vay vốn được!
Ông Nguyễn Văn Ngọc, phó chủ tịch hiệp hội Gia cầm miền Đông, nói lâu nay anh em trong hội phải xoay xở đủ đường mới có thể vay vốn trung và dài hạn theo lãi suất thương mại, chứ ít khi tiếp cận được vốn rẻ như chính sách đề cập. Dẫn chứng nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12.4.2010, ông Ngọc cho biết nhiều lần hiệp hội tổ chức họp triển khai nội dung vay vốn này cho hội viên, nhưng lần nào cũng nhận được câu trả lời từ phía họ là “không chạm đến được”. Đa số hội viên đều than phiền các chính sách tiếp cận rất hà khắc, cũng có trường hợp đạt được điều kiện của ngân hàng nhưng tỷ lệ vay chỉ được 20% so với nhu cầu; vốn vay không phải là trung hay dài hạn mà là ngắn hạn.
“Tiền đầu tư trang trại phải ít nhất năm bảy năm mới khấu hao hết, trong khi ngân hàng chỉ cho vay ngắn hạn sáu tháng đáo hạn thì nông dân làm sao mà dám vay!”, ông Ngọc nói. Cũng vì không thể tiếp cận được nguồn vốn hỗ trợ lãi suất ưu đãi, nên khoảng 1.500 trang trại chăn nuôi gà ở các tỉnh miền Đông vẫn phải trả lãi từ 9,5 – 10,5% cho khoản vay gần 3.000 tỉ đồng của các ngân hàng thương mại trên địa bàn.
Thực tế, nghị định 55 sắp có hiệu lực cũng không có nhiều điểm mới hơn so với trước đây. Mỗi dự án của các tổ chức cá nhân, HTX, trang trại, sản xuất thuỷ sản chỉ được vay tối đa 3 tỉ đồng, số tiền không thấm vào đâu so với nhu cầu dự án sản xuất hàng hoá lớn hiện nay. Nghị định cũng phân rõ trách nhiệm ngân hàng phải chịu trách nhiệm đồng vốn cho vay. Như vậy có nghĩa các ràng buộc hà khắc khó được nới lỏng.
Lãi suất vay 7% nhưng… không được cầm tiền
Đầu năm 2015, theo gợi ý của ngân hàng, ông Nguyễn Ngọc Khoa chuyển mô hình hộ kinh doanh cá thể lên công ty để được vay gói hỗ trợ lãi suất 7% dành cho tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực nông nghiệp. Lập công ty, ông Khoa bảo lúc đó ngân hàng mới “nắm đường cán” bởi vì công ty phải minh bạch sổ sách, có hoá đơn chứng từ rõ ràng. Theo yêu cầu của ngân hàng, ông Khoa đem thế chấp tài sản là trang trại, đất, nhà cửa, xe ôtô… được định giá 42 tỉ đồng, sau đó ngân hàng chấp nhận cho giải ngân gói tín dụng ngắn hạn 7%/năm để mua nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Hàng tháng, ông Khoa có trách nhiệm gửi tất cả hoá đơn chứng từ đầu vào cho ngân hàng, căn cứ vào đó ngân hàng rót tiền trực tiếp cho nhà cung ứng.
“Vòng xoay tiền mua nguyên liệu hết khoảng 5 – 6 tỉ đồng mỗi tháng. Hôm nay mua bắp, mua bã đậu nành, cám gạo… của công ty nào, tui phải có nghĩa vụ gom hoá đơn rồi gửi lên ngân hàng. Đến tháng cộng lại hết bao nhiêu tui phải trả bớt một phần cả lãi lẫn gốc cho. Sáu tháng lại đáo hạn!”, ông Khoa nói.
Cách giải ngân “không trao tiền trực tiếp cho người vay” là giải pháp khôn ngoan của nhà băng, giúp họ quản lý tốt dòng tiền tung ra thị trường. Phương án vay này đã có một số chủ trang trại tiếp cận được, lãi suất phổ biến ở mức khoảng 7%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung thị trường. Ông Nguyễn Văn Ngọc cho biết bản thân ông cũng vay được gói hỗ trợ lãi suất ưu đãi 7%/năm, nhưng để vay được phải có một quá trình làm ăn uy tín với ngân hàng. Nghĩa là các “khổ chủ” phải có lý lịch vay vốn hoàn toàn trong sạch, nếu “dính” bất cứ “tì vết” nào, như nợ xấu, trả nợ không đúng hạn thì ngân hàng sẽ không cho vay.
Tuy nhiên, vay tiền theo dạng “không được cầm tiền”, theo ông Ngọc, cũng có nhiều phiền phức. Trước hết là chỉ được vay vốn lưu động, ngắn hạn sáu tháng trong khi người chăn nuôi cần dài hạn, số lượng lớn. Bên cạnh đó, người vay phải đáp ứng đầy đủ chứng từ, áp lực trả nợ gốc và lãi suất rất lớn do thời gian đáo hạn nhanh.
Có thời điểm nguyên liệu trên thị trường rẻ thì người chăn nuôi vẫn phải mua qua công ty để lấy hoá đơn đầu vào. Muốn mua gom tích trữ cũng không được vì ngân hàng không giao tiền mặt.
“Nói chung là có quá nhiều rắc rối chứ không dễ ăn đâu!”, ông Ngọc tâm sự.
Thế giới tiếp thị