MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lê Xuân Nghĩa: VAMC sẽ chính thức ra đời vào cuối tháng 5

14-05-2013 - 19:36 PM | Tài chính - ngân hàng

Việc xử lý nợ xấu như thế này sẽ “đánh mạnh” vào các NHTM, thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro 20%

Chiều nay (ngày 14/5) CTCP chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS) đã tổ chức hội thảo Triển vọng kinh tế năm 2013, tham dự với tư cách là diễn giả Ts Lê Xuân Nghĩa - Thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ của Thủ tướng cho biết, hiện việc thành lập Công ty quản lý tài sản (VAMC) đang được chuẩn bị các bước cuối cùng, dự kiến cuối tháng 5 công ty này sẽ chính thức ra đời.

Theo ông Nghĩa, công ty này ra đời sẽ phải trên một số nguyên tắc nhất định:

Thứ nhất, VAMC phải nằm dưới sự quản lý của NHNN chứ không phải Bộ Tài chính vì nguồn vốn để xử lý nợ xấu sẽ không được dùng tiền ngân sách.

Thứ hai, Công ty giải quyết nợ xấu này là duy nhất để tập trung giải quyết chứ không nằm ở nhiều bộ, ngành.

Thứ ba, Các NHTM sẽ phải bán nợ xấu bắt buộc nếu không bán NHNN sẽ thanh tra toàn diện. Tuy nhiên cần có quy định về mức nợ đối với DN từ bao nhiêu trở lên phải bán, của tư nhân từ bao nhiêu trở lên phải bán lại cho VAMC.

Thứ tư, Các NHTM sẽ bán lại nợ xấu theo giá trị sổ sách ở thời điểm hiện tại chứ không “đào bới” thêm để các NHTM không còn cớ để trì hoãn. Nợ xấu phải được giải quyết càng nhanh càng tốt, để lâu tổn thất sẽ càng nhiều.

Thứ năm, Tài sản gửi lại NHTM quản lý. Tất cả danh mục chuyển hết về cho VAMC nhưng tài khoản thực thì để NHTM quản lý và thu phí, tránh thành lập một đơn vị quản lý vì không có kinh nghiệm và gây tốn kém.

Thứ sáu, Ngân hàng sẽ nhận trái phiếu đặc biệt do NHNN phát hành và được phép cầm cố trái phiếu này để vay tiền mặt trên thị trường mở.

Thứ bảy, ngân hàng thương mại giữ trái phiếu VAMC sẽ phải trích lập dự phòng 20% mỗi năm.

Thứ tám, khi VAMC bán tài sản, công ty quản lý tài sản sẽ giữ lại 15% và 85% chuyển về cho ngân hàng thương mại, đồng thời ngân hàng thương mại phải chuyển lại trái phiếu cho NHNN.

Theo ông Nghĩa, việc xử lý nợ xấu như thế này sẽ “đánh mạnh” vào các NHTM, thông qua việc trích lập dự phòng rủi ro. Trong trường hợp VAMC không bán được tài sản đảm bảo thì trong 5 năm ngân hàng thương mại cũng đã trích lập đủ 100% dự phòng rủi ro.

Trả lời câu hỏi: Mức trích lập dự phòng cao như thế liệu các NHTM nhỏ có “gánh” nổi không? Ông Nghĩa cho rằng, theo tính toán một NHTM nhỏ “sức chịu đựng” sẽ là 17%, tuy nhiên việc quyết định chọn mức 20% là thể hiện thái độ phải gây sức ép lớn lên đối với những NHTM này vì nợ xấu ở những NH này chủ yếu là do các ông chủ nhà băng này gây ra.

Tuy nhiên, cách làm này có 2 rủi ro: Lạm phát quay trở lại không?nợ xấu đó có bán được không?

Ông Nghĩa cho rằng, NHNN có thể cho NHTM vay nhiều hay ít tùy thuộc vào mức lạm phát. Nếu NH nào khó khăn quá thì NHNN phải giảm ở những NH thừa vốn khả dụng;

Còn với câu hỏi nợ đó có bán được không?, ông Nghĩa cho rằng có một số hình thức để giải quyết vấn đề này, chẳng hạn như:

- Công ty nào tốt, hoạt động bình thường thì sẽ chuyển nợ thành cổ phần của VAMC, trả lại tài sản thế chấp, ngồi vào hội đồng quản trị để quản lý nhiều công ty.

- Bán đấu giá: Cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia, quy định không cho phép người nước ngoài sở hữu mà chỉ được thuê dài hạn, thủ tục phải nhanh tránh tình trạng trình rồi khi ra được giấy phép mất mấy năm

- Xóa nợ áp dụng cho những hộ nông dân bị nợ xấu do thiên tai, dịch họa.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên