MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Phát hành 170 nghìn tỷ đồng TPCP và nỗi lo huy động – trả nợ

24-10-2013 - 13:10 PM | Tài chính - ngân hàng

Để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và trả nợ của NSNN chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.

Theo Báo cáo Thẩm tra về phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ giai đoạn 2014 – 2016 thì đa số ý kiến đều đồng ý với đề nghị của Chính phủ phát hành bổ sung 170.000 tỷ đồng vốn TPCP giai đoạn 2014 - 2016 và đồng tình với nhận định của Chính phủ nợ công vẫn nằm trong giới hạn cho phép (dưới 65% GDP).

Tuy nhiên, Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù nợ công chưa vượt giới hạn được Quốc hội cho phép nhưng trên thực tế khả năng huy động và trả nợ rất khó khăn, đòi hỏi Chính phủ phải có những giải pháp tích cực để xử lý.

Cụ thể, cơ quan này cho rằng: Khối lượng huy động vốn TPCP để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội hàng năm rất lớn, mức huy động vốn TPCP trong 3 năm tới bình quân  khoảng trên 400.000 tỷ đồng/năm, bằng khoảng 8-9% GDP, bao gồm huy động để bù đắp bội chi, đảo nợ, phát hành trái phiếu để đầu tư.

Trong khi việc huy động trong nước chủ yếu là vay ngắn hạn và trung hạn chiếm tới 80%, vay dài hạn chỉ chiếm 20%, theo đó, tần suất, mức trả nợ sẽ rất cao.

Mặt khác, việc huy động hoàn toàn phụ thuộc vào các định chế tài chính như ngân hàng thương mại chiếm 86%, các định chế tài chính khác như công ty bảo hiểm, chứng khoán chiếm 12%, có thể sẽ dẫn đến việc dòng tiền chỉ tập trung vào TPCP mà thu hẹp đầu tư vào sản xuất.

Bên cạnh đó, Ủy ban TCNS cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng trả nợ sẽ rất khó khăn.

Do vậy, cơ quan này khuyến cáo Chính phủ cần đánh giá khả năng trả nợ đến năm 2015 - 2016 có vượt các quy định về các tỷ lệ tại Quyết định số 689/QĐ-TTg ngày 04/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ: “Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ” và theo thông lệ quốc tế thì số nợ phải trả hàng năm không nên vượt quá 30% so với số thu ngân sách hàng năm.

Đồng thời, Chính phủ cần tính toán bố trí đủ nguồn để trả nợ các khoản đến hạn - Ủy ban TCNS đề nghị.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến trong Ủy ban TCNS đề nghị, để bảo đảm an toàn nợ công, phù hợp với khả năng huy động và khả năng trả nợ của NSNN và không để ảnh hưởng đến các nhiệm vụ chi khác, chỉ nên phát hành bổ sung vốn TPCP ở mức 120.000 tỷ đồng.

Khánh Linh

hanhle

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên