MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Rủi ro đến từ những quy định vô lý

03-07-2015 - 11:37 AM | Tài chính - ngân hàng

Thay đổi trong nhìn nhận về bốn điểm quan trọng tại Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi phát đi tín hiệu đáng mừng.

Điều đáng mừng là khi thảo luận Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) tại diễn đàn Quốc hội vừa qua, nhiều đại biểu đã có cái nhìn rất sâu sắc, toàn diện về hoạt động NH, đồng thời nêu hàng loạt những bất cập có thể tác động tiêu cực…

Điều chỉnh hợp đồng khi hoàn cảnh thay đổi

Đây là nội dung được quy định tại Điều 435, Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi). Theo đó, hợp đồng có thể được sửa đổi hoặc hủy bỏ khi hoàn cảnh các bên dựa vào đó để giao kết đã thay đổi cơ bản. Tòa án có quyền ra quyết định khi một trong các bên yêu cầu giải quyết. Đây là một trong những nội dung nếu được đưa vào luật sẽ tác động rất bất lợi và rất rủi ro cho hoạt động NH và đã không nhận được sự đồng tình của rất nhiều đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) cho rằng, hợp đồng được ký kết trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, tự do ý chí, tự do thỏa thuận. Khi ký kết, các bên buộc phải tự dự liệu các tình huống bất lợi xảy ra. Không chỉ vậy, có những hợp đồng mẫu do cơ quan nhà nước ban hành kèm theo văn bản quy phạm pháp luật cũng bắt buộc phải dự liệu các tình huống này.

Thêm nữa, Khoản 1, Điều 435 quy định: “Hoàn cảnh được coi là thay đổi cơ bản khi hoàn cảnh đó thay đổi đến mức nếu như các bên biết trước thì hợp đồng đã không được giao kết hoặc được giao kết nhưng với nội dung hoàn toàn khác”. Nhưng căn cứ vào chuẩn mực nào để xác định hoàn cảnh đã thay đổi cơ bản rất khó định lượng hoặc định tính, và dễ tạo ra một hệ lụy là một bên ký kết hợp đồng lợi dụng để trục lợi, sau đó cho rằng hoàn cảnh đã thay đổi cơ bản, khi có tranh chấp xảy ra mà bên bị nhầm lẫn phải chịu rất nặng nề.

Hơn nữa, việc điều chỉnh hợp đồng do các bên đương sự tự giải quyết chứ không phải tòa án, tòa chỉ giải quyết khi có tranh chấp xảy ra theo yêu cầu. Do vậy, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu lại cho phù hợp với thực tế để tránh chồng chéo, luẩn quẩn hoặc không quy định trong Điều 435 ở Dự thảo này.

Nhiều quy định vin vào lãi suất cơ bản

Điều 483, Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định trường hợp các bên có thỏa thuận về lãi suất theo thỏa thuận không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố, trừ trường hợp luật có quy định khác. Trường hợp lãi suất theo thỏa thuận vượt quá lãi suất giới hạn được quy định ở khoản này thì lãi suất vượt quá không có hiệu lực.

Không đồng tình với quy định này, đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) cho rằng, nên quy định mức lãi suất trần cụ thể trong Bộ luật Dân sự. Đồng thời, quy định nguyên tắc thẩm quyền thay đổi mức lãi suất cụ thể khi cần thiết, bởi vì lãi suất cơ bản chỉ là mức lãi suất chung. Với mục đích để điều hành chính sách tiền tệ, không mang tính chất thị trường, không được chia thành các mức lãi suất khác nhau để áp dụng cho các thời hạn khác nhau, vì vậy, chủ thể tham gia giao dịch khó có thể biết lãi suất cơ bản do NHNN công bố có phù hợp với loại vay tương ứng hay không.

Vì thế, sử dụng lãi suất cơ bản để điều chỉnh quan hệ dân sự là không phù hợp, gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia giao dịch dân sự. Cần có cách tính như nhiều quốc gia, sử dụng lãi suất trung bình ở một số NH lớn quan trọng hiện nay.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP. Hồ Chí Minh) thì đề nghị Điều 483, Dự thảo cần thay thế lãi suất cơ bản bằng lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố, vừa hợp với luật hiện hành và phù hợp với thực tiễn phát sinh hiện nay.

Thế chấp đất và tài sản trên đất riêng rẽ

Đây cũng là một trong những nội dung khiến rất nhiều đại biểu băn khoăn. Khoản 2, Điều 338 Dự thảo quy định: “Trường hợp chỉ thế chấp quyền sử dụng đất mà không thế chấp tài sản gắn liền với đất và người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì khi xử lý quyền sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Quyền và nghĩa vụ giữa bên thế chấp và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được chuyển giao cho người mua, người nhận chuyển quyền sử dụng đất”.

Đại biểu Nguyễn Trọng Trường (Bắc Ninh) khẳng định, việc quy định như vậy là không hợp lý, gây thiệt hại cho bên nhận thế chấp. Bởi lẽ, khi đến hạn trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký, bên thế chấp quyền sử dụng đất không có khả năng thanh toán hợp đồng, phía NH yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử lý quyền sử dụng đất, thế chấp để NH thu hồi nợ, nhưng trên đất có tài sản của người khác thì gần như không thu hồi được nợ, vì chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng đất theo như thỏa thuận giữa người sử dụng đất và chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất. Trường hợp này không thể chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác được khi chủ sở hữu tài sản trên đất vẫn tiếp tục được sử dụng đất.

Trường hợp có chuyển nhượng thì chắc chắn sẽ không có ai dám nhận chuyển nhượng phần đất này khi họ không có quyền sử dụng, vì chủ sở hữu tài sản trên đất vẫn sử dụng phần đất này.

“Vật quyền” đã lạc hậu

Trong Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi, Ban soạn thảo đã đưa vào các khái niệm mới như “vật quyền”, “vật quyền khác”, “trái quyền”... Không đồng tình với nội dung này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, "vật quyền" có từ thời Cộng hòa La Mã ứng với những vật có trong thời đó. Sau hơn 2000 năm, văn minh nhân loại đã sáng tạo ra những vật mới là tài sản của con người mà thời Cộng hòa La Mã không có, như cổ tức, trái phiếu, chứng khoán, quyền ưu tiên, quyền tương lai, quyền đối với tài sản cầm cố, thế chấp...

Với những tài sản này, khái niệm "vật quyền" với đặc trưng là quyền sở hữu tuyệt đối đã tỏ ra vô dụng. Điều đó chứng minh khái niệm "vật quyền" đã lạc hậu.

 

Theo Dương Công Chiến

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên