MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tái cơ cấu ngân hàng: Đích đến đã rất gần

05-08-2015 - 10:53 AM | Tài chính - ngân hàng

Hệ thống các TCTD có thể đã sạch, gọn hơn ở bề mặt, nhưng phần “lõi” bên trong vẫn còn cần phải chỉnh sửa bổ sung.

Tăng cả chất lẫn lượng

Tái cơ cấu hệ thống các NHTM là một trong những nội dung quan trọng của quá trình tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam đã được xác định rõ trong Quyết định 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đề án 254 nêu rõ, trong giai đoạn 2011 - 2015, tập trung lành mạnh hóa tình trạng tài chính và củng cố năng lực hoạt động của các TCTD, nhất là cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động của các TCTD.

Cùng với đó, trật tự, kỷ cương và nguyên tắc thị trường trong hoạt động NH cũng phải được nâng cao. Để đạt được mục tiêu trên, rất nhiều giải pháp tái cơ cấu đã được đưa ra tại Đề án này. Đó là khuyến khích việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD theo nguyên tắc tự nguyện, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và các quyền, nghĩa vụ kinh tế của các bên có liên quan theo quy định của pháp luật.

Một số TCTD có mức độ rủi ro, nguy cơ mất an toàn cao sẽ được áp dụng các biện pháp xử lý đặc biệt theo quy định của pháp luật… để bảo đảm an toàn, ổn định của hệ thống.

Sau gần 4 năm triển khai, theo đánh giá của TS. Trần Hoàng Ngân – Đại biểu Quốc hội - Hiệu trưởng Trường Đại học Marketing TP. Hồ Chí Minh, trong 3 lĩnh vực trụ cột phải tái cơ cấu của nền kinh tế thì tái cơ cấu NH đã đạt được thành công cả về chất và lượng đúng theo kịch bản ban đầu.

Về mặt lượng, quá trình tái cơ cấu đạt mục tiêu là hợp nhất sáp nhập, mua lại các NH yếu kém. Trước khi tái cơ cấu, hệ thống có 42 NHTM (chỉ tính riêng khối quốc doanh và cổ phần). Sau những thương vụ sáp nhập đã và đang định hình, con số này dự kiến chỉ còn 34 NHTM vào cuối năm nay.

Số lượng NH giảm nhưng niềm tin của người dân vào chính sách của NHNN ngày càng được củng cố và nâng cao. Vì vậy, dù có tới 3 NH bị NHNN mua lại với giá 0 đồng, nhưng đã không diễn ra hiện tượng người dân rút tiền ồ ạt. Về mặt chất, tái cơ cấu đã góp phần nâng cao chất lượng quản trị của hệ thống NH. Hiệu quả kinh doanh của các NH cũng đã có sự chuyển dịch khi chất lượng tài sản Có, tài sản Nợ đều được cải thiện. Dư nợ tín dụng tăng trở lại, kèm theo đó chất lượng tín dụng tốt hơn, nợ xấu đã được khoanh vùng giải quyết.

“Cơ cấu lại hệ thống NH chỉ thành công khi gắn kết với việc cơ cấu lại từng NHTM, từ vốn điều lệ đến tài sản Có và tài sản Nợ. Và thực tế, hệ thống NH đã đạt được nhiều kết quả trong công cuộc đại phẫu của mình” - một chuyên gia NH đánh giá.

Còn hơn 4 tháng nữa để thực hiện Đề án 254, nhưng một thành viên Hội đồng tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia cho rằng, khi kết thúc đề án này, hệ thống NH sẽ đạt thành công trên cả hai phương diện. Thứ nhất, ở vai trò quản lý Nhà nước, là cơ quan quản lý Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, quản lý an toàn hệ thống… NHNN đã làm rất tốt. Thứ hai, với những giải pháp tái cơ cấu quyết liệt, hệ thống NHTM đạt được chất lượng tốt, an toàn, hiệu quả kinh doanh bắt đầu hồi phục.

Số lượng NH: Để thị trường lên tiếng

Mặc dù số lượng NH giảm nhưng thực tế quy mô vẫn tăng, đáp ứng được nhu cầu vốn, hỗ trợ hoạt động tín dụng, thanh toán, đầu tư cho nền kinh tế. Thời gian qua, không chỉ các NH trong diện tái cơ cấu bắt buộc phải tăng vốn điều lệ để tăng khả năng tài chính, mà ngay cả những NH đang hoạt động tốt cũng ráo riết thực hiện kế hoạch này.

Cụ thể, MB vừa tăng vốn lên 16 nghìn tỷ đồng. Trước đó SHB đã tăng vốn từ mức 8.865 tỷ đồng lên10.486 tỷ đồng. VPBank cũng tăng vốn từ 7.324 tỷ đồng lên mức 8.458 tỷ đồng… Còn các NH lớn sau khi sáp nhập vốn điều lệ tăng lên đáng kể. Như, khi nhập PGBank vào, VietinBank có vốn điều lệ hơn 40.200 tỷ đồng, tiếp tục củng cố ngôi vị đầu bảng về vốn điều lệ trong hệ thống các NH Việt Nam. Còn BIDV sau khi hoàn thành sáp nhập MHB, số vốn điều lệ NH này tăng thêm 3.369 tỷ đồng đạt 31.481 tỷ đồng.

Theo TS. Ngân, tuy số lượng NH giảm đi nhưng có thể thấy rõ chất lượng của các NH đã tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thời gian tới, vẫn cần tiếp tục giảm bớt bởi hiện nay số lượng NH Việt Nam vẫn còn nhiều. “Rất khó để định lượng các NH Việt Nam đang nhiều hay ít” là quan điểm của TS. Võ Trí Thành.

Cắt lát vấn đề thế nào là quá nhiều hay quá ít, TS. Thành nói: nếu các NH, nhất là NH nhỏ đều yếu kém cả về quản trị, vốn liếng thì phải thu hẹp thông qua sáp nhập như cách NHNN xử lý thời gian vừa qua là cần thiết, để giảm thiểu rủi ro. Nhưng nếu xét dưới góc độ tiềm năng, so sánh giữa số lượng người có tài khoản ngân hàng với dân số Việt Nam hiện nay thì số lượng NH đang hoạt động cũng không phải quá nhiều. Hoặc trong quá trình hội nhập thì Việt Nam cần có nhiều NH mạnh để đủ sức “chơi” với khu vực, thế giới.

Để có câu trả lời chính xác là chúng ta đang có nhiều hay ít NH, theo ông Thành phải dựa trên sự vận động của thị trường chứ không chỉ đơn giản áp đặt là được. “Cơ chế sàng lọc và đào thải đó phải “tự nhiên”, chứ không phải bằng sự “thúc ép” có tính mệnh lệnh, kiểu hành chính. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp để ngăn chặn rủi ro hệ thống thì không tránh khỏi sự ép buộc của cơ quan quản lý. Và sự can thiệp vừa qua của NHNN là rất hợp lý”, TS. Thành bày tỏ quan điểm.

Sự vận động thị trường quyết định số lượng NH cũng là nhận định của TS. Trần Hoàng Ngân. Sau cuộc “đại phẫu” vừa qua, theo TS. Ngân, số lượng NHTM đang tồn tại và phát triển trên thị trường NH Việt Nam ở mức vừa phải. Đến một lúc nào đó, có thể chúng ta thấy thiếu, nhưng cũng có thời điểm lại thấy thừa. Điều này, do sự vận động thị trường quyết định. Còn vấn đề quan trọng đối với hệ thống NH Việt Nam không phải thừa hay thiếu, ít hay nhiều mà là kiểm soát bộ máy hoạt động làm sao hiệu quả, an toàn.

Dù đạt được nhiều thành công, nhưng tái cơ cấu của hệ thống NH không phải sẽ chấm dứt khi thời hạn thực hiện Đề án 254 kết thúc. Mà theo các chuyên gia, đây là hoạt động thường xuyên, liên tục để đảm bảo duy trì sự ổn định, lành mạnh hóa năng lực tài chính của các NH, tạo lập được một hệ thống NH an toàn, lành mạnh, hiệu quả và góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước.

“Hệ thống các TCTD có thể đã sạch, gọn hơn ở bề mặt, nhưng phần “lõi” bên trong vẫn còn cần phải chỉnh sửa bổ sung như: đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao quản trị NH theo các chuẩn mực quốc tế Basel để có thể tồn tại và phát triển, nhất là tăng khả năng cạnh tranh khi ngành NH bước ra đấu trường quốc tế”, một chuyên gia NH lưu ý.

 

Theo Hà Thành

Thời báo ngân hàng

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên