Tài sản này có thể mở tung cửa tiến vào thị trường tiền gửi dân cư 3 triệu tỷ!
Đặc điểm tương tự gửi tiết kiệm, nhưng trả lãi cao hơn.
Nội dung chính:
-Nhà đầu tư cá nhân khát lãi suất đang «phá thế độc quyền» của ngân hàng trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp;
- Thời cơ đã tới, cung cầu gặp được nhau hay không còn chờ cơ chế
Thị trường trái phiếu là một trong những trụ cột của thị trường tài chính, với vai trò là cầu nối cung cấp nguồn vốn trung, dài hạn cho chính phủ, các doanh nghiệp, và thậm chí là cả cá nhân. Thế nhưng ở Việt Nam, trong một thời gian dài, trái phiếu gần như chỉ là cuộc chơi riêng của các ông lớn ngân hàng, một số công ty bảo hiểm và nhà đầu tư tổ chức. Thậm chí, công cụ này đôi lúc bị lạm dụng để thực hiện những «tiểu xảo lách luật» nhờ sự nhập nhèm trong giới hạn giữa cấp tín dụng và đầu tư chứng khoán theo các quy định cũ.
Tuy nhiên, bài học từ những quốc gia phát triển đã cho thấy, trên con đường đi đến một hệ thống tài chính hoàn chỉnh và hiệu quả thì tất yếu cần có một thị trường trái phiếu minh bạch, thu hút được đông đảo công chúng đầu tư tham gia.
Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, Việt Nam là quốc gia có thị trường trái phiếu tăng trưởng nhanh nhất về mặt quy mô trong khu vực, lên đến trên 30%/năm tính từ năm 2012. Tuy nhiên, khi xem xét lại thì nguyên nhân của sự đột phá này, các nhà phân tích cho rằng, chủ yếu đến từ việc các ngân hàng thương mại, nhóm nắm giữ tới 80% lượng trái phiếu chính phủ, chuyển từ cho doanh nghiệp vay vốn sang đầu tư trái phiếu chính phủ trong quá trình tái cơ cấu hệ thống. Nghĩa là, về cơ bản, thị trường vẫn chưa có sự thay đổi về chất, ít nhất là trên khía cạnh nền tảng nhà đầu tư, và trái phiếu vẫn là thứ gì đó xa vời với phần lớn công chúng.
Khi nhìn sang trái phiếu doanh nghiệp, người ta thậm chí còn bi quan hơn: nhà đầu tư phổ thông chỉ có thể tìm thấy một vài mã trái phiếu của BIDV được niêm yết trên HOSE được phát hành từ 10 năm trước, còn lại là một vài mẩu tin về việc doanh nghiệp A, B nào đó vừa phát hành thành công một đợt trái phiếu do công ty chứng khoán X hoặc ngân hàng Y tư vấn. May thay, trong hội nghị thường niên vừa được tổ chức tháng 1/2016 vừa qua, Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam lần đầu tiên đã công bố cơ sở dữ liệu về trái phiếu doanh nghiệp trên website của hiệp hội - một bước tiến nhỏ đánh dấu chặng đường dài để minh bạch hóa thị trường trái phiếu.
Tuy nhiên, bất chấp những vấn đề của thị trường trái phiếu Việt Nam, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng thời điểm hiện nay đã chín muồi cho việc đưa sản phẩm này đến gần hơn với nhà đầu tư phổ thông, bởi lẽ :
Thứ nhất, trong bối cảnh lãi suất đang duy trì ở vùng đáy, các kênh đầu tư khác như cổ phiếu, bất động sản có rủi ro cao thì thị trường vốn đã để lộ một khoảng trống ở phân khúc sản phẩm đầu tư có độ rủi ro thấp hơn so với cổ phiếu và lợi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm thông thường. Trái phiếu chính là công cụ phù hợp để bù lấp sự thiếu hụt này.
Thứ hai, nguồn cung vốn trung-dài hạn cho nền kinh tế cần có sự bổ sung khi dự thảo sửa đổi thông tư 36 được NHNN công bố quy định tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn của các ngân hàng hạ từ 60% xuống 40%.
Và thứ ba, trên thị trường đã xuất hiện lớp nhà đầu tư có kiến thức vững vàng, nền tảng vốn đủ mạnh và sẵn sàng đóng vai trò tiên phong với những sản phẩm tài chính mới – chủ yếu là các nhà đầu tư thuộc thế hệ 7x-8x.
Nắm bắt được xu hướng tất yếu này, một số công ty chứng khoán năng động trên thị trường đã đưa ra những sản phẩm dành riêng cho nhà đầu tư cá nhân dưới dạng trái phiếu bán lẻ hoặc công cụ khác có bảo đảm bằng danh mục trái phiếu cơ sở. Nhiều nhà đầu tư cá nhân cho biết họ khá hài lòng với mức lãi suất lên đến 10%/năm khi đầu tư vào trái phiếu của một công ty bất động sản hàng đầu Việt Nam thông qua hình thức chia lẻ lô trái phiếu để bán của công ty chứng khoán T. Trong khi đó, một công ty chứng khoán lớn khác cũng bắt đầu triển khai một cách hạn chế sản phẩm cho phép nhà đầu tư cá nhân mua bán trái phiếu chính phủ với mức ký quỹ nhất định.
Tuy nhiên, những công cụ này vẫn chưa thể đưa thị trường trái phiếu tiếp cận với số đông nhà đầu tư cá nhân, bởi lẽ:
Một là, nền tảng giao dịch của các sản phẩm này chưa được thuận tiện, phần lớn dưới dạng hợp đồng ký kết cho từng giao dịch với các điều khoản được thương thảo trực tiếp. Hệ quả là nhà đầu tư không thể mua đi bán lại các hợp đồng trên.
Hai là, nhà đầu tư gặp có thể gặp rắc rối về mặt pháp lý vì các công ty chứng khoán thường không thực hiện giao dịch mua bán trực tiếp trái phiếu với nhà đầu tư, mà sử dụng một hợp đồng cấu trúc dạng phái sinh có tài sản cơ sở là trái phiếu để tránh phát sinh các khoản thuế, phí và thủ tục phức tạp khi chuyển nhượng. Khoản thuế chuyển nhượng lên đến 0,1%/giao dịch bán cũng tương đối đáng kể nếu nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy.
Ba là, nhà đầu tư phải chịu thuế thu nhập cá nhân cho khoản lãi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp (trong khi gửi tiết kiệm và đầu tư trái phiếu chính phủ được miễn thuế). Trong bối cảnh các ngân hàng đang cạnh tranh từng 0,1% lãi suất huy động, nhà đầu tư có thể mất nguyên 1% lãi suất vì thuế nếu đầu tư vào sản phẩm trả lãi 10% kể trên.
Tất cả những hạn chế này có thể khắc phục được một cách dễ dàng nếu nhà quản lý và các tổ chức phát hành có sự quan tâm và đầu tư đúng mức để định hướng phát triển thị trường theo quỹ đạo chính thống. Nếu điều này xảy ra sớm thì rất có thể trong tương lai không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến một thị trường trái phiếu mở cửa sôi động cho tất cả tầng lớp nhà đầu tư.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 11/2015, tổng số tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đạt hơn 2,9 triệu tỷ đồng, tăng 13,58% so với cuối năm 2014. Và con số này đã tăng liên tục trong 4 năm qua, từ gần 2,2 triệu tỷ đồng hồi năm 2012.