Tăng vốn: Chọn mặt, gửi tiền
Sau thời gian im lìm với quá trình tái cấu trúc, nhiều NH đã bắt đầu khởi động lại kế hoạch tăng vốn kể từ năm 2015. Điều này cũng phù hợp với việc giá các cổ phiếu NH trên thị trường chứng khoán liên tục tăng. Tuy nhiên, NH có hoàn thành kế hoạch tăng vốn hay không còn tùy thuộc vào từng NH.
- 10-08-2015Ngân hàng ồ ạt tăng vốn: Ám ảnh tình trạng vốn ảo
- 09-08-2015BacABank: Lãnh đạo thoát "vượt rào sở hữu" nhờ tăng vốn
- 08-08-2015Vietinbank tăng vốn lên 49.000 tỷ đồng bằng cách nào?
- 07-08-2015Ngân hàng "sốt sắng" tăng vốn, vì sao?
Lên kế hoạch tăng vốn
Mới đây, NHTMCP Quân đội (MB) đã được NHNN chấp thuận cho tăng vốn điều lệ từ 11.594 tỷ đồng lên 16.000 tỷ đồng, tức tăng 38%. Theo phương án MB sẽ tăng vốn làm 3 đợt. Điểm đáng chú ý trong việc tăng vốn của MB là việc phát hành riêng lẻ 390,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông, đối tác chiến lược trong nước, nhưng tỷ lệ phát hành cho cổ đông hiện hữu và đối tác chiến lược không được công bố.
Trước đó có thông tin cho rằng NH sẽ bán 10% cho Tổng công ty Đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Thời gian dự kiến là trước cuối năm nay và có thể diễn ra làm nhiều đợt. Hiện nay MB là 1 trong 2 NH duy nhất cùng ACB có sở hữu nước ngoài ở mức tối đa 30%. Trong đó 20% “khóa” cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài. Do đó, thị trường đặc biệt quan tâm đến việc tăng vốn qua phát hành cho cổ đông chiến lược thời gian tới của MB.
Bên cạnh việc phát hành cổ phiếu, hình thức sáp nhập hiện nay là con đường ngắn nhất giúp nhiều NH nhanh chóng tăng vốn và mở rộng mạng lưới. Đơn cử như sau khi sáp nhập SouthernBank, vốn điều lệ của Sacombank tăng lên 18.853 tỷ đồng, hay vốn điều lệ của MaritimeBank tăng lên 11.750 tỷ đồng sau khi sáp nhập MDB vào.
Không chỉ MB, hiện nay nhiều NH đang lên kế hoạch tăng vốn điều lệ bằng nhiều hình thức khác nhau. BIDV là NH vừa thực hiện sáp nhập MHB vào vừa tăng vốn điều lệ thêm 3.369 tỷ đồng thông qua việc hoán đổi tỷ lệ 1:1.
Bên cạnh đó, NH còn phát hành hơn 270,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá bán dự kiến 10.000 đồng/cổ phần. Theo đó, dự kiến vốn điều lệ của BIDV cuối năm 2015 là 34.173 tỷ đồng, tức tăng thêm 6.061 tỷ đồng trong năm nay. BIDV là NH có hoạt động ổn định với lợi nhuận tăng trưởng tốt hàng năm nên việc tăng vốn được đánh giá cần thiết để đảm bảo sự tăng trưởng trong tương lai.
Mới đây, bà Lê Thị Hoa, Thành viên HĐQT Vietcombank (VCB), cũng chia sẻ về kỳ vọng tăng vốn của NH bằng nhiều hình thức khác nhau để hướng tới mục tiêu đạt 55 tỷ USD tổng tài sản và 4,5 tỷ USD vốn chủ sở hữu đến năm 2020.
Bên cạnh việc chào bán cho cổ đông chiến lược, cổ đông hiện hữu, VCB dự kiến từ năm 2016 sẽ đề xuất trả cổ tức bằng cổ phiếu và nếu được chấp thuận mỗi năm NH sẽ tăng thêm vốn khoảng 10%. Một thành viên khác trong nhóm NH có vốn nhà nước là VietinBank cũng tham vọng tăng vốn từ 37.234 tỷ đồng lên 49.000 tỷ đồng trong năm nay.
Chủ tịch HĐQT VietinBank, ông Nguyễn Văn Thắng, cho biết việc tăng vốn có ý nghĩa quan trọng giúp VietinBank nâng cao năng lực tài chính để mở rộng kế hoạch kinh doanh, đưa VietinBank có quy mô vốn tương đương với các NH trung bình ở khu vực.
Không chỉ nhóm các NH lớn có nhiều lợi thế dẫn đầu, lợi nhuận ổn định mới có kế hoạch tăng vốn, các NH tầm trung cũng có kế hoạch tăng vốn bằng nhiều hình thức khác nhau trong bối cảnh phải tái cấu trúc. Chẳng hạn SHB cho biết đã nộp hồ sơ lên Ủy ban Chứng khoán về việc phát hành hơn 62 triệu cổ phiếu thưởng để tăng vốn từ 8.865 tỷ đồng lên 9.486 tỷ đồng.
Ngoài ra, NH còn tăng thêm 1.000 tỷ đồng từ việc sáp nhập với Công ty Tài chính Vinaconex-Viettel (VVF) theo tỷ lệ 1:1. Nếu các đợt phát hành thành công, SHB sẽ tăng vốn điều lệ thêm 18%. Tại đại hội cổ đông trễ vừa qua của DongABank đã thông qua phương án tăng vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng lên 6.000 tỷ đồng trong năm 2015 và kỳ vọng tăng lên 10.000 tỷ đồng trong thời gian tới.
Có dễ thông?
Theo công bố từ NamABank, trong đợt phát hành tăng vốn từ 3.000 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng của NH chỉ thu được vỏn vẹn hơn 21 tỷ đồng. Trong 3 tháng kể từ ngày 27-4 đến ngày 27-7-2015, NamABank chỉ phân phối được 2,11 triệu cổ phiếu cho cổ đông, chiếm 2,12% trong tổng số 100 triệu cổ phiếu phát hành. Kết quả phát hành không như kỳ vọng của NamAbank cũng dễ đoán định bởi thị giá của cổ phiếu NH này trên thị trường OTC ở khoảng 7.000 đồng/cổ phiếu, trong khi giá NamABank chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.
Trường hợp khác là NH DongABank dự kiến chào bán 100 triệu cổ phiếu cho Tập đoàn Kido để tăng vốn lên 6.000 tỷ đồng. Mặc dù cổ đông của DongABank đã thông qua, nhưng đến nay với những tuyên bố chưa rõ ràng từ phía Kido xem ra kế hoạch phát hành này vẫn chưa có gì chắc chắn.
Tuy nhiên, theo giới phân tích giá phát hành ở mức 10.000 đồng/cổ phiếu có vẻ đắt so với giá cổ phiếu đang rao bán ở thị trường tự do của NH dưới 5.000 đồng/cổ phiếu. Hơn nữa, giá cổ phiếu DongABank cũng không mấy hấp dẫn khi năm 2014 lợi nhuận trước thuế của NH chỉ đạt 35 tỷ đồng, bằng 7% kế hoạch cả năm.
Từ đầu năm đến nay, giá cổ phiếu của nhóm NH đang niêm yết tăng khá mạnh, có những NH như Vietcombank tăng hơn 56%, VietinBank tăng hơn 70%, ACB tăng hơn 55%, MB tăng hơn 20%, đặc biệt như BIDV đã tăng gấp đôi lên hơn 24.000 đồng/cổ phiếu.
Việc tăng mạnh giá cổ phiếu NH có thể do nhà đầu tư đã thay đổi suy nghĩ về nhóm cổ phiếu NH đầy rủi ro của 2 năm trước, thay vào đó là kỳ vọng vào bức tranh tái cấu trúc NH và việc xử lý nợ xấu sẽ sáng sủa hơn. Nổi bật như Vietcombank còn thu hút được sự mua vào của các tổ chức nước ngoài.
Dù sức hấp dẫn của cổ phiếu NH là có thật, đặc biệt khi dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có thể đổ mạnh vào Việt Nam. Song có lẽ việc các NH có dễ dàng trong việc tăng vốn hay không còn tùy thuộc vào từng NH cụ thể, cũng như đối tác chiến lược họ mong muốn phát hành.
Sài Gòn Đầu tư Tài chính