Tín dụng tăng, lợi nhuận khả quan?
Tín dụng tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2015 và NHNN không còn phải thúc giục các nhà băng thúc đẩy tín dụng. Theo đó nhiều khả năng lợi nhuận của ngành NH được dự báo sẽ tích cực hơn. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu nợ xấu có hút hết lợi nhuận của NH hay không?
Tín dụng tăng tốc
Theo thông tin từ NHNN, tính đến ngày 15-6, tín dụng cho nền kinh tế tăng 5,78% so với cuối năm 2014 và tăng 18,98% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức khá cao so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn từ năm 2012-2014. Trước đó, trong 4 tháng đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng khoảng 3,69% và lên đến 4,26% tính đến gần cuối tháng 5, nhưng đến giữa tháng 6-2015 đã tăng thêm 1,5 điểm phần trăm, lên 5,78%.
Như vậy, tín dụng đã tăng rất nhanh trong những tháng gần đây. Đặc biệt, tại Hà Nội tín dụng trong 6 tháng tăng tới 9%, đây là mức cao so với mức tãng trung bình cả nước khá nhiều.
Một điểm khác biệt khá lớn giữa năm nay và những năm trước, đó là tăng trưởng huy động thấp hơn tăng trưởng tín dụng khá nhiều. Cụ thể, theo số liệu của NHNN đến ngày 15-6, huy động vốn tăng 4,37% so với cuối năm 2014, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,88%.
Bên cạnh đó, thời gian gần đây lãi suất huy động của một số NH điều chỉnh theo hướng tăng. Theo các chuyên gia, nguyên nhân có thể do các NH cần nhiều vốn hơn để cho vay. Tuy nhiên mới đây NHNN vẫn khẳng định thanh khoản của hệ thống ổn định và có dư thừa.
Ngược lại với việc tín dụng tăng khá mạnh, tổng tài sản của hệ thống NH lại giảm. Cụ thể, số liệu của NHNN cho thấy tổng tài sản có của toàn hệ thống tính đến cuối tháng 4-2015 giảm 1,09% so với đầu năm, tương đương 71.000 tỷ đồng so với cuối năm ngoái và còn ở mức 6,44 triệu tỷ đồng.
Dù vậy, vốn điều lệ NH tăng 0,73% lên 438.828 tỷ đồng. Vốn tự có của toàn hệ thống đến cuối tháng 4-2015 đạt 530.800 tỷ đồng, tăng 7,02% so với cuối năm ngoái. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu của toàn hệ thống tiếp tục giữ ở mức 13,62%, cao hơn nhiều mức quy định 9%. Song song đó, việc vốn tự có của hệ thống NH tăng lên cũng phản ánh đúng tình hình kết quả kinh doanh của các NH trong những tháng đầu năm đã được báo cáo tích cực. Cụ thể, nhiều NH đã báo lãi quý I-2015 có sự tăng trưởng tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận sáng sủa?
Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, khác với các năm trước, 2015 tăng trưởng tín dụng đã có dấu hiệu khả quan ngay từ những tháng đầu năm. Với đà tăng trưởng này NHNN có thể điều chỉnh tăng chỉ tiêu này lên 17% để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. “Năm nay, tăng trưởng tín dụng không phải kêu gọi các TCTD phấn đấu, kêu gọi họ tìm khách hàng để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng, mà còn phải cắt bớt” - Thống đốc NHNN nhận định.
Thống kê cho thấy quý I-2015 tăng trưởng tín dụng của một số NH khá cao. Chẳng hạn Techcombank tăng 10,5%, VPbank và OCB tăng 8%, SHB tăng 7,5%, NamAbank tăng 5,29%... Bên cạnh đó, biên lợi nhuận của nhiều NH cũng tăng mạnh so với trước đó. Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận NH tăng mạnh trong quý I. Hiện tại, lãi suất huy động đang có chiều hướng tăng nhẹ trở lại vì nhu cầu vốn của NH tăng.
Chắc chắn điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chi phí vốn của NH. Tuy nhiên theo lãnh đạo một NH lớn tại TPHCM, vào thời điểm này hầu hết NH đều tìm cách để tiết giảm chi phí. Việc này có thể bù đắp được việc phải tăng lãi suất huy động để hút vốn.
Mặc dù vậy, yếu tố ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của NH hiện nay không phải là việc tăng lãi suất mà chính là nợ xấu. Theo Thống đốc NHNN, trong 6 tháng cuối năm 2015, các NHTM phải tập trung xử lý nợ xấu, trong đó phải thực hiện phân loại nợ xấu đúng quy định, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ, tích cực bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC)… phấn đấu đến hết quý III-2015 tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn dưới 3%.
Thực tế, những lo ngại trên không phải không có cơ sở khi tỷ lệ nợ xấu và chi phí dự phòng nợ xấu của hầu hết NH đã tăng mạnh trong quý I-2015.
Thí dụ, chỉ riêng trong quý I-2015 chi phí dự phòng của BIDV lên đến 978 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ; VietinBank lên đến 1.510 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ; Vietcombank 1.517 tỷ đồng, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Mức dự phòng có thể tiếp tục tăng mạnh trong những quý tiếp theo khi các NH buộc phải phân loại nợ theo đúng quy định. Chỉ riêng khoản dự phòng cho khoảng 200.000 tỷ đồng nợ xấu bán cho VAMC có thể lên đến 30.000 tỷ đồng.
Như vậy, việc tín dụng tăng khá mạnh khiến bức tranh lợi nhuận của NH trở nên sáng sủa hơn. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại với việc buộc phải trung thực hơn với con số nợ xấu, cũng sẽ làm cho kỳ vọng về lợi nhuận NH bị ảnh hưởng. Nhiều khả năng các NH tiếp tục phải cân đối mức lợi nhuận nào để phù hợp với mục tiêu của mình và bối cảnh chung của nền kinh tế.
Sài Gòn đầu tư