MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TS Lê Xuân Nghĩa: Hiệu ứng kỹ thuật của VAMC sẽ ảnh hưởng mạnh đến các ngân hàng yếu kém

08-06-2013 - 08:31 AM | Tài chính - ngân hàng

Điều này đến nay các ngân hàng nhỏ có lẽ vẫn chưa nhận ra.

Tại hội thảo "Nợ xấu, lãi suất và tác động đến TTCK Việt Nam" diễn ra chiều ngày 7/6 do Công ty TNHH Chứng khoán ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) tổ chức, tiến sỹ Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính quốc gia Việt Nam đã giúp nhà đầu tư hiểu thêm về cơ cấu xử lý nợ của Công ty xử lý nợ VAMC cũng như "số phận" của các ngân hàng thương mại có nợ xấu lớn sau khi VAMC ra đời.

Phá băng tín dụng không đơn giản

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, việc phá băng tín dụng không hề đơn giản, nỗ lực phá băng tín dụng không phải nước nào cũng thành công, một số nước như Nhật bản, Ireland, Tây Ban Nha đều gặp thất bại. Ngoài vấn đề tài chính, còn là vấn đề lòng tin và chính trị nên việc phá băng tín dụng không hề đơn giản.

Một cường quốc như nước Mỹ cũng phải duy trì lãi suất rất thấp trong một thời gian dài, bơm ra khoảng 4.000 tỷ USD mua tài sản độc hại - thực chất là xử lý nợ xấu (chủ yếu là trái phiếu thế chấp BĐS) cộng với việc bơm ra vài trăm tỷ USD cứu các hãng lớn; cho phá sản 800 ngân hàng nhỏ cũng như vượt qua vách đá tài khóa. Đến tháng 4 vừa qua Mỹ mới tuyên bố tảng băng tín dụng bắt đầu tan, điều này cho thấy việc phá băng tín dụng không hề đơn giản và mất rất nhiều công cuộc.

Ông Nghĩa cho rằng Việt Nam là nước "bé", ảnh hưởng của tín dụng với tăng trưởng kinh tế lớn cộng với những ảnh hưởng của khu vực ngân hàng chưa đến mức trầm trọng như của Mỹ nên ông Nghĩa hy vọng chúng ta phá băng tín dụng trong thời gian ngắn hơn. Ông Nghĩa nhấn mạnh việc phá băng tín dụng không chỉ dựa vào việc giảm lãi suất mà ngoài ra còn xử lý nợ xấu, vấn đề tiếp cận vốn và xử lý ngân hàng yếu kém.

Ngân hàng "xấu" vẫn chết

Khi VAMC ra đời (dự kiến 9/7 sẽ chính thức đi vào hoạt động), theo ông Nghĩa, khung pháp lý của VAMC còn rộng hơn ngân hàng đầu tư, và dự kiến sau khi hoàn tất "sứ mệnh" giải cứu nợ xấu thì VAMC sẽ đi vào hoạt động như một ngân hàng đầu tư thực thụ.

Theo ông Nghĩa, nếu chuyển nợ của ngân hàng sang VAMC thì nợ và tài sản của doanh nghiệp sẽ chuyển sang VAMC theo. Để cho doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng thì VAMC có thể bảo lãnh, hoặc đầu tư vào doanh nghiệp và trả toàn bộ tài sản thế chấp cho doanh nghiệp để doanh nghiệp vay vốn ngân hàng, ngoài ra VAMC có thể tài trợ trực tiếp vốn lưu động cho doanh nghiệp...

Tuy nhiên vấn đề ở đây, là trong việc xử lý ngân hàng yếu kém, kể cả khi VAMC ra đời vẫn sẽ có những áp lực lớn lên các ngân hàng nhỏ, mà theo ông Nghĩa, thời điểm này các ngân hàng nhỏ vẫn "chưa nhận ra".

Ông Nghĩa cho rằng, trong quá trình xử lý nợ xấu, trái phiếu Chính phủ được đưa vào nội bảng và trở thành tài sản tài chính, tài sản này sẽ phải trích lập dự phòng 20% trong năm đầu tiên và các năm tiếp theo sẽ trích lập theo hướng giảm dần, điều này đồng nghĩa với việc chi phí họat động của các ngân hàng tăng lên, đặc biệt với các ngân hàng có nợ xấu lớn. Điều này khiến các ngân hàng "xấu" có thể bị lỗ nặng, âm vốn, và khiến các ngân hàng này phải tăng lãi suất.

Nhưng ở thời điểm này, các ngân hàng lớn vẫn duy trì được lãi suất thấp nên ngân hàng nhỏ không thể đơn phương tăng lãi suất được và do đó theo ông Nghĩa, các ngân hàng yếu kém sẽ "chết không còn cách nào khác" và hiệu ứng kỹ thuật của VAMC ảnh hưởng rất mạnh đến ngân hàng yếu kém.

Phương thức xử lý nợ xấu của Việt Nam kết hợp nhiều phương pháp của thế giới

Về việc xử lý nợ xấu, hội đồng đã nghiên cứu tất cả cách thức xử lý nợ xấu trên thế giới, và ông Nghĩa cho rằng thế giới xử lý nợ xấu khác chúng ta. Có 3 kịch bản áp dụng theo phưong thức của thế giới như sau:

Cách thứ nhất, nợ xấu không được can thiệp, nợ xấu "tự" xử lý trong 7-10 năm, như vậy tín dụng về cơ bản vẫn đóng băng, BĐS vẫn đóng băng, tăng trưởng kinh tế sẽ từ 3-4%/năm.

Cách thứ hai, Chính phủ can thiệp bằng tiền tệ, có 3 nguồn là dự trữ bắt buộc, ngoại tệ hoặc tái cấp vốn, dự kiến 3 con đường này thì Chính phủ xử lý nợ xấu trong vòng từ 3-5 năm. Tín dụng có thể đạt được tốc độ tăng trưởng 12-14%, và tín dụng sẽ “tan từ từ” và tăng trưởng kinh tế sẽ từ 6-6,8%.

Phương án thứ 3, xử lý nợ xấu toàn bằng tiền ngân sách, một là bán tài sản nhà nước (theo ông Nghĩa chúng ta chỉ cần bán một phần nhỏ thôi cũng thu được vài trăm ngàn tỷ đồng, ví dụ như bán phần vốn nhà nước tại Vinamilk, Vinalines, Vinaphone, Mobifone, tổng công ty cao su...), cách thứ hai là vay nợ nuớc ngoài và cách ba là phát hành trái phiếu Chính phủ. Tất cả nguồn tiền này đêu là "tiền tươi thóc thật" nên có thể xử lý nợ xấu rất nhanh trong vòng 2-3 năm, đạt tăng trưởng tín dụng từ 14-17% và băng tín dụng sẽ tan, tăng trưởng kinh tế đạt 8%.

Đó là các tình huống chính sách.

Tuy nhiên cho đến thời điểm hiện tại duy nhất Hàn Quốc xử lý theo cách thứ ba, các nước không cho dùng tiền của dân vì thế trên thế giới tất cả các nước đều sử dụng phưong pháp kết hợp (mix), lấy tiền xử lý nợ xấu một chút từ ngân sách, một chút từ tiền tệ và chúng ta cũng sử dụng cách như vậy.

Mô hình VAMC khác thế giới duy nhất là các nước mua theo giá thị trường còn nước ta mua theo giá sổ sách. Theo ông Nghĩa, nếu mua theo giá thị trường sẽ dẫn đến tình trạng các NHTM mặc cả với VAMC về từng món thì đến quá trình này sẽ bị kéo dài rất lâu. Việc sử dụng giá trị sổ sách sẽ khiến toàn bộ nợ xấu được "gạt" sang VAMC.

Theo ông Nghĩa, năm 2013 Chính phủ giao cho nhiệm vụ cho VAMC phải xử lý tối thiểu 40% nợ xấu và tối đa 70% nợ xấu, và chỉ tiêu này đang tạo áp lực rất lớn cho VAMC.

Phương Mai

phuongmai

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên