MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tuần đầu xử bầu Kiên: Chưa xác định rõ về kinh doanh trái phép của các công ty

25-05-2014 - 11:24 AM | Tài chính - ngân hàng

Đại diện cơ quan quản lý khi được hỏi về các vấn đề như giấy phép kinh doanh của các công ty bầu Kiên, về hoạt động kinh doanh vàng, về hoạt động ngân hàng hầu hết đều né trách nhiệm hoặc nói không biết.

Vụ án sơ thẩm xét xử bầu Kiên và đồng phạm đã đi được 1/3 chặng đường. Trong 5 phiên vừa qua, tòa đã xét hỏi các bị cáo và người liên quan về các tội danh của bầu Kiên và các bị cáo khác liên quan đến: kinh doanh trái phép, ủy thác đầu tư, bán cổ phiếu thép Hòa Phát đã thế chấp cho ngân hàng, về việc mua cổ phiếu ACB, ủy thác cho nhân viên ACB gửi tiền ở Vietinbank và bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt hơn 718 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong các phiên tòa, khi được hỏi các bị cáo đều trả lời rõ ràng, rành mạch các vấn đề tòa nêu, riêng Nguyễn Đức Kiên còn trích dẫn các quy định, các điều luật liên quan để tự bào chữa và xin chỉ ra các thiếu sót của cơ quan điều tra.

Trong khi đó đại diện cơ quan quản lý khi được hỏi về các vấn đề như kinh doanh trái phép của các công ty bầu Kiên, về hoạt động kinh doanh vàng, về hoạt động ngân hàng thì đều né tránh trả lời, cơ quan này nói thẩm quyền thuộc cơ quan kia hoặc không tìm được nơi chuyển trách nhiệm thì …xin trả lời sau.

Các cơ quan chuyền nhau trách nhiệm trả lời

Phiên tòa ngày 21/5 và sáng 22/5, hội đồng xét xử hỏi về hoạt động kinh doanh trái phép của bầu Kiên. Theo tài liệu của cơ quan tố tụng, từ ngày 15/5/2007- 03/8/2012, Nguyễn Đức Kiên đã thông qua 6 công ty để thực hiện hành vi kinh doanh trái phép của mình, với tổng số tiền lên đến hơn 21 nghìn tỷ đồng.

Tài liệu điều tra cho thấy, giấy phép kinh doanh được các cơ quan chức năng cấp cho 6 công ty của bầu Kiên đều có ngành nghề kinh doanh nổi trội là kinh doanh vàng và các lĩnh vực khác như xây dựng dân dụng công nghiệp, xây dựng nhà ở, kho bãi đỗ xe, kinh doanh vàng bạc đá quý, (không bao gồm xuất khẩu vàng nguyên liệu); nghiên cứu, phân tích thị trường, quản lý tài sản hữu hình, vô hình của doanh nghiệp…

Tuy nhiên trong tất cả các ngành nghề kinh doanh mà Kiên đăng ký kinh doanh với cơ quan nhà nước không có ngành nghề kinh doanh tài chính.

Cơ quan tố tụng buộc tội rằng, lợi dụng giấy phép kinh doanh này, Kiên đã vận dụng trơn tru bộ máy của các công ty để thực hiện vấn đề kinh doanh tài chính không đúng với giấy phép kinh doanh, thao túng ngân hàng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách tiền tệ của nhà nước.

Các cơ quan được triệu tập trong ngày 21 và 22/5 để làm rõ hành vi kinh doanh trái phép nhưng hầu hết đều né tránh trách nhiệm trả lời.

Chiều 21/5, tòa hỏi ý kiến Chuyên viên phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh có mặt tại tòa, ông này cho biết theo Điều 9 Luật Doanh nghiệp (DN): “DN chỉ được phép kinh doanh trong ngành nghề đã đăng ký”. Còn việc góp vốn đầu tư vào DN khác là việc bình thường. Chỉ khi nào hoạt động đầu tư cổ phiếu là ngành nghề kinh doanh thì phải đăng ký kinh doanh.

Hỏi Sở kế hoạch đầu tư Hà Nội, Phó trưởng phòng Đăng ký Kinh doanh của Sở kế hoạch Đầu tư Hà Nội trả lời: kinh doanh và đầu tư là quyền của doanh nghiệp. DN được kinh doanh các ngành mà pháp luật không cấm nhưng phải hiện thực hóa quyền này bằng việc đăng ký ngành nghề kinh doanh. Đồng thời DN có nghĩa vụ hoạt động theo đúng ngành đã đăng ký.

Theo quan điểm của ông này, câu hỏi việc góp vốn đầu tư của các công ty của ông Kiên có phải là một ngành nghề hay không thì thuộc trách nhiệm của Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ tài chính, việc phân mã ngành nghề xin hỏi Tổng cục thống kê.

Hỏi Bộ Kế hoạch Đầu tư, vụ tài chính của Bộ KHĐT trả lời: Hoạt động mua bán cổ phiếu của doanh nghiệp được xếp vào mã ngành 6490. Việc xếp mã ngành như vậy là để phục vụ cho công tác thống kê, còn để phục vụ cho hoạt động kinh doanh thì … theo một văn bản khác, xin hỏi đại diện cục đăng ký kinh doanh!

Hỏi Phòng đăng ký kinh doanh Bộ KHĐT, Phó phòng Đăng ký kinh doanh của Bộ KHĐT trả lời: Công văn về việc đầu tư góp vốn kinh doanh cổ phần là do phòng vị này soạn thảo. Tại công văn số 2484, khi nhận được phân công của lãnh đạo Bộ, Phòng có văn bản hỏi Tổng cục thống kê và xếp mã hoạt động này. Việc xếp mã này chỉ có tác dụng trong công tác thống kê. Việc xác định hoạt động này có phải là ngành nghề kinh doanh không sẽ xác định việc DN có phải đăng ký kinh doanh không. Nhưng vị đại diện xin phép không trả lời về câu hỏi này vì không thuộc thẩm quyền mà thuộc các cơ quan chuyên ngành thuộc Bộ Tài chính.

Người ủy quyền của Tổng cục trưởng tổng cục thống kê trả lời: Theo quy định tại điều 7 NĐ43/2010/NĐCP về đăng ký DN thì việc mã hóa ngành nghề kinh doanh chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê. Hoạt động mua bán cổ phiếu đã được xác định mã ngành và gửi cho tòa. Tổng cục thống kê chỉ có chức năng xác định “mã ngành kinh doanh” mà không có chức năng xác định “mã ngành kinh tế”! Điều này thuộc chức năng của cơ quan khác.

Về hoạt động kinh doanh vàng, phân biệt kinh doanh giá vàng và trạng thái vàng, Đại diện NHNN trả lời, việc phân biệt kinh doanh giá vàng và kinh doanh trạng thái vàng là rất phức tạp, NHNN cũng chỉ có chức năng quản lý quy định về kinh doanh vàng vật chất và kinh doanh vàng trên tài khoản nước ngoài, và vị này không đủ căn cứ để nêu quan điểm về điều này. 

Hoạt động ngân hàng, đại diện NHNN không biết, không nhớ, xin không trả lời

Mới đây nhất, sáng ngày 24/5, đại diện NHNN được mời đến tòa để trả lời về các hoạt động của ngân hàng theo Luật TCTD bổ sung 2004 và Luật TCTD 2010. Tại phiên tòa, các câu trả lời của vị đại diện này đều là không biết, không nhớ hoặc xin không trả lời.

Chẳng hạn, luật sư hỏi: Việc người dân đi gửi tiền có phải là hoạt động của ngân hàng không? Và có phải người dân phải được phép của NHNN mới được đi gửi tiền không?

Câu hỏi mà hầu như ai nghe cũng biết chắc chắn câu trả lời, nhưng đại diện của NHNN – cơ quan quản lý cao nhất trong ngành ngân hàng lại trả lời không biết. “Về khái niệm này tôi xin không trả lời, tôi không nhớ. Tôi không thuộc bộ phận quản lý lĩnh vực này”, vị đại diện nói.

Luật sư hỏi tiếp, việc người dân đi mở tài khoản, đem tiền đến nộp ngân hàng thì có liên quan đến hoạt động ngân hàng không? Cũng nhận được câu trả lời tương tự là “tôi xin phép không trả lời”.

“Việc mở tài khoản và sử dụng tài khoản, có bao nhiêu loại tài khoản, có gì khác nhau không? Vị đại diện trả lời “Tôi không nhớ hết”.

“Trách nhiệm quản lý tài khoản và trách nhiệm quản lý tài sản khác nhau như thế nào, NHNN có nắm được không? Có quy định là người dân quản lý tài sản (tiền) đã gửi vào NH không? Đại diện NHNN “ca lại điệp khúc” tôi chưa trả lời được, sẽ về hỏi rồi trả lời sau.

Tất cả các câu hỏi sau đó của luật sư về sự phân biệt các loại tài khoản, đại diện NHNN đều xin không trả lời.

Nhiều người theo dõi tòa cho biết, trước các câu hỏi của luật sư về vấn đề đơn giản là hoạt động của ngân hàng nhưng đại diện Ngân hàng Nhà nước lại đều trả lời không biết, không nhớ hoặc về xem lại khiến người nghe không khỏi thất vọng.

Còn các vấn đề về kinh doanh trái phép của công ty bầu Kiên cũng chưa được các cơ quan liên quan trả lời rõ ràng. Tại tòa ngày 21/5, bầu Kiên đã có đề nghị triệu tập đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại (VCCI) và mời bà Phạm Chi Lan làm nhân chứng trả lời vì các cơ quan mà tòa hỏi đều không đủ thẩm quyền trả lời các vấn đề của ông. Cho đến hết ngày 24/5 vẫn chưa có đại diện của VCCI tham dự tòa.


Xem thêm:

NGÀY XÉT XỬ THỨ 5

- Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên sáng 24/5


NGÀY XÉT XỬ THỨ 4

- Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên chiều 23/5

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Bầu Kiên sáng 23/5


NGÀY XÉT XỬ THỨ 3

Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 22/5


NGÀY XÉT XỬ THỨ 2

-Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên chiều 21/5

-Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 21/5

-Nội dung phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ bầu Kiên sáng 20/5


- TOÀN CẢNH VỤ BẦU KIÊN





Nguyễn Hằng

hangnt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên