"Việt Nam nên thực thi chính sách điều chỉnh tỷ giá ở mức 2-3%"
Chính sách tỷ giá luôn chịu những tác động của các yếu tố bên ngoài, nhất là những biến động về tỷ giá và lãi suất của các nền kinh tế lớn trên thế giới.
-
Trong năm tới, cả yếu tố chi phí đẩy lẫn cầu kéo có thể không lớn.
-
Tôi nghĩ khi đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2022 là 6-6,5%, Chính phủ và Quốc hội đã khá thận trọng, thực tế khả năng tăng trưởng trên 7% là hoàn toàn có thể
Việt Nam cần có chính sách điều hành tỷ giá như thế nào để giảm thiểu những tác động tiêu cực, đồng thời có lợi nhất cho thị trường là một bài toán khó với các nhà hoạch định chính sách.
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, Phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Viện phó Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính, Bộ Tài chính.
- Thưa ông, trong mối liên hệ với kinh tế thế giới, Việt Nam chịu tác động như thế nào từ những biến động về tỷ giá, lãi suất của các nền kinh tế lớn trên thế giới như khả năng điều chỉnh lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hay phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Về tác động của tỷ giá, khi đồng tiền của các nền kinh tế trên thế giới mất giá so với đồng đôla Mỹ, hàng hóa của nền kinh tế đó trên thị trường sẽ rẻ hơn và người mua sẽ mua hàng hóa của họ nhiều hơn. Điều này sẽ có tác động tiêu cực tới kinh tế Việt Nam trong trường hợp Việt Nam vẫn gắn chặt tỷ giá với USD.
Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng là không quá lớn. Cạnh tranh về hàng hóa trên thế giới thông qua tỷ giá là có, nhưng không phải là áp đảo.
Cụ thể, hàng hóa Việt Nam cạnh tranh về tỷ giá chỉ là một phần, nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu phụ thuộc vào tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.
Khi tăng trưởng kinh tế mạnh hơn, mức thu nhập cao hơn và người tiêu dùng nhiều hơn. Đây là lý do tại sao suốt hai thập kỷ qua, Việt Nam luôn xuất khẩu trên 10% vì xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu dựa vào phân công lao động quốc tế và tăng trưởng kinh tế.
- Khi Việt Nam chủ động điều chỉnh tỷ giá thì sẽ tác động như thế nào tới thị trường thưa ông?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Nếu Việt Nam tự điều chỉnh tỷ giá sẽ có những tác động trong trung hạn. Khi đó, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam không tăng ngay lập tức. Ví dụ, nếu Việt Nam điều chỉnh tỷ giá khoảng 10% để bán thêm được 10% hàng hóa thì doanh thu không đổi.
Tuy nhiên, chi phí sản xuất thêm 10% hàng hóa sẽ không tăng. Khi nhà nước điều chỉnh tỷ giá, các doanh nghiệp vẫn giữ nguyên giá bán hàng hóa bằng USD nhưng doanh thu bằng VND sẽ cao hơn làm lợi nhuận từ xuất khẩu nhiều hơn.
Như vậy, lợi nhuận khu vực xuất khẩu tăng sẽ làm dịch chuyển cơ cấu ngành nghề và đó mới là yếu tố tác động chính. Các khu vực khác của nền kinh tế sẽ chuyển sang phục vụ xuất khẩu vì khu vực này mang lại lợi nhuận cao hơn.
Chính vì vậy, khi các nền kinh tế điều chỉnh tỷ giá, Việt Nam không nên giữ nguyên tỷ giá, mà cần có sự điều chỉnh. Nhưng Việt Nam nên điều chỉnh ở mức độ đều đều, theo nhiều năm, mỗi năm từ 1-2%. Nếu điều chỉnh tỷ giá quá mạnh sẽ có tác động tiêu cực tới kinh tế. Điều này do tâm lý và kỳ vọng của người dân về phá giá rất mạnh.
Tâm lý của người dân có tính “đám đông” luôn kỳ vọng về sự phá giá cao hơn. Điều này sẽ làm người dân chuyển từ VND sang USD, sẽ làm thiếu hụt VND và khiến lãi suất tăng. Bên cạnh đó, điều này còn làm cản trở các mục tiêu khác của doanh nghiệp như chi phí về vay vốn tăng lên…
- Vậy theo ông, Việt Nam nên thực thi chính sách tỷ giá như thế nào cho phù hợp?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Theo tôi, Việt Nam nên thực thi chính sách điều chỉnh tỷ giá ở mức 2-3%/năm là tối ưu. Mức điều chỉnh tỷ giá 5% như thời gian vừa qua là hơi nhiều. Mặc dù trong thời gian qua việc điều chỉnh trên đã có sự tính toán của Ngân hàng Nhà nước. Bởi Ngân hàng Nhà nước tính toán sau khi phá giá mạnh những người nắm giữ USD sẽ chốt lời và chuyển sang VND vì họ nghĩ rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ không phá giá nữa.
Thực tế cho thấy, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tỷ giá, khiến giá USD giảm, tuy nhiên sau đó đã tăng trở lại. Người dân thấy vậy lại mua USD để gửi và lượng tiền gửi USD lại tăng mạnh.
Về trung và dài hạn, cán cân thương mại của Việt Nam có năm âm hoặc dương nhưng chỉ dao động một vài tỷ USD. Còn cán cân thanh toán cơ bản vẫn dương do FDI và lượng kiều hối tương đối nhiều.
Chính vì vậy, khả năng giữ ổn định tỷ giá trong dài hạn của Việt Nam là hoàn toàn có thể làm được. Nhà nước vừa rồi đã có những thông điệp, trong trung hạn Việt Nam vẫn có tiềm lực ngoại tệ để ổn định tỷ giá. Và theo tôi, Việt Nam nên không điều chỉnh tỷ giá quá 3% để ổn định tình hình.
- Ông có cho rằng việc tác động của các yếu tố bên ngoài sẽ có tác động đến kinh tế, vậy nếu Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất, Việt Nam cần có chính sách gì để làm chủ tình thế?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Tác động từ bên ngoài có hai dòng tác động. Trước hết, tác động thông qua thị trường vốn, sự dịch chuyền luồng vốn. Khi tăng lãi suất, dòng tiền sẽ chảy vào nền kinh tế, nhưng điều này chỉ đúng với các thị trường phát triển. Đối với thị trường Việt Nam, do chưa liên thông nhiều với thị trường Mỹ nên không chịu nhiều tác động lớn.
Thứ hai là tác động về tâm lý và đây là vấn đề theo tôi cần đề phòng. Tâm lý của người dân, khi sợ thị trường rút vốn, người dân sẽ giữ USD.
Chính vì vậy, Ngân hàng Nhà nước cần chú ý tới lãi suất USD như thế nào. Nếu Ngân hàng Nhà nước cam kết không điều chỉnh tỷ giá, động cơ găm giữ USD của người dân sẽ không còn. Điều này làm tăng niềm tin của người dân khiến tỷ giá ổn định hơn. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cần có những động thái như sẵn sàng bán ngoại tệ để củng cố thêm niềm tin của người dân. Tất cả những điều trên có thể giúp hạn chế được những tác động tiêu cực của việc Fed tăng lãi suất.
Tóm lại, việc Fed tăng lãi suất chủ yếu tác động đến tâm lý và tâm lý của người dân như thế nào phụ thuộc vào nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước, những cam kết và sự tin cậy của Ngân hàng như thế nào.
- Ông có dự báo gì về việc Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ và ảnh hưởng tới Việt Nam?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Khó có thể dự đoán được yếu tố Trung Quốc và việc nước này phá giá đồng nhân dân tệ. Hiện nay, Trung Quốc cũng đang gặp mâu thuẫn trong điều chỉnh tỷ giá giữa mục đích thúc đẩy xuất khẩu phải phá giá và mục tiêu đưa đồng nhân dân tệ là đồng tiền mạnh thì không được phá giá. Tôi cho rằng, Trung Quốc sẽ vẫn giữ ổn định tỷ giá và cũng sẽ không tăng quá mạnh như thời gian qua. Tuy nhiên, tôi cần nhấn mạnh, Việt Nam cần xem xét các vấn đề trong nước nữa chứ không dựa theo chính sách tỷ giá của các nước.
- Ông có đánh giá như thế nào về chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua, nhất là thời điểm Ngân hàng Nhà nước có những điều chỉnh tỷ giá?
Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Chính sách điều hành của Ngân hàng Nhà nước thời gian qua rất thành công và đáng ghi nhận.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã hạn chế được tình trạng vàng hóa từ chỗ người dân thích vàng đến chỗ hạn chế được điều này mặc dù đây cũng do yếu tố thuận lợi do giá vàng thế giới lao dốc. Tuy nhiên, phải khẳng định, Ngân hàng Nhà nước đã có các chính sách tích cực như cấm giao dịch bằng vàng, độc quyền sản xuất vàng, thống nhất sử dụng vàng SJC (đã hạn chế được tình trạng buôn lậu vàng); không cho các ngân hàng huy động vàng… Đặc biệt, khi tình trạng nợ xấu xảy ra, Ngân hàng Nhà nước đã cam kết không để ngân hàng thương mại nào đổ vỡ.
Đặc biệt, trước những biến động của thị trường thế giới, Ngân hàng Nhà nước đã có những điều chỉnh kịp thời về tỷ giá và đã có tác dụng rõ nét. Sau khi điều chỉnh tỷ giá, tâm lý thị trường có căng thẳng, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có sự điều chỉnh kịp thời và có tác dụng rõ nét như giảm lãi suất USD, hạn chế các doanh nghiệp mua bán ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước cũng đưa ra những cam kết ổn định tỷ giá nên đã ổn định ngay được tình hình.
Tiềm lực dự trữ ngoại tệ sẵn sàng bán ra để can thiệp, giữ ổn định tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước theo đánh giá của tôi là có thể đảm bảo được. Chưa kể Ngân hàng Nhà nước còn có vai trò tích cực trong việc điều hành và kiềm chế lạm phát.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!