MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ thất thoát 966 tỉ đồng: thẩm vấn nguyên tổng giám đốc Agribank

04-11-2015 - 15:13 PM | Tài chính - ngân hàng

HĐXX triệu tập, thẩm vấn ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Tổng giám đốc Agribank VN để làm rõ có hay không việc bị cáo Hồ Đăng Trung được phép nâng quyết định đối với các khoản vay.

Sáng 4-11, sau khi tuyên bố quay lại phần xét hỏi vụ án làm thất thoát 966 tỉ đồng tại ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh 6 (Agribank CN6) để làm rõ vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của Agribank Việt Nam, HĐXX đã thẩm vấn ông Nguyễn Thế Bình, nguyên Tổng giám đốc Agribank Việt Nam và đại diện Agribank Việt Nam.

Tổng giám đốc không có quyền từ chối hay phê duyệt?

Bắt đầu phiên xét hỏi, thẩm phán Vũ Phi Long - chủ tọa phiên tòa đã đặt câu hỏi thẩm vấn đối với đại diện Agribank Việt Nam về việc nâng quyền phán quyết đối với các chi nhánh.

Theo đó, theo quy định của Agribank Việt Nam thì các chi nhánh của ngân hàng này không được cho vay quá 80 tỷ. Tuy nhiên, Agribank CN6 đã duyệt cho công ty của Dương Thanh Cường vay 700 tỷ đồng.

HĐXX cũng cho biết, việc hỏi thêm tình tiết này để làm rõ chuyện có hay không việc bị cáo Hồ Đăng Trung được phép nâng quyền phán quyết đối với các khoản vay.

Thẩm phán Long yêu cầu ông Nguyễn Thế Bình giải thích về các trường hợp cho vay vượt quyền phán quyết của giám đốc. Tuy nhiên, với câu hỏi này, ông Bình trả lời rằng chi nhánh của Agribank có quyền phán quyết đến 2.000 tỷ.

Riêng về việc nâng quyền phán quyết cho giám đốc chi nhánh, ông Bình khẳng định việc này do HĐQT quyết và ủy quyền cho người đại diện và hoàn toàn nằm trong quyền hạn của HĐQT của ngân hàng.

Theo ông Bình, ông làm giám đốc nhưng việc chi nhánh đưa tờ trình xin nâng hạn mức cho vay thì ông sẽ chuyển lên cho HĐQT, và bản thân Tổng giám đốc không có quyền phê duyệt mà hoàn toàn là quyền hạn của HĐQT.

HĐXX cũng hỏi ông Bình về việc trong suốt thời gian làm tổng giám đốc, có tờ trình nào được chi nhánh đưa lên mà ông không phê duyệt không, ông Bình nói không nhớ nhưng khẳng định “hầu như không có”.

Đồng thời ông Bình cũng khẳng định, đối với các tờ trình của chi nhánh, Tổng giám đốc của Agribank không có quyền hạn từ chối hay đồng ý mà phải chuyển lên cho HĐQT xem xét.

Cho vay hay không là việc của chi nhánh


Các bị cáo tại phiên tòa sáng 4-11 - Ảnh: Hoàng Điệp

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 4-11 - Ảnh: Hoàng Điệp

 

HĐXX cũng hỏi rằng việc Agribank Việt Nam cho nâng quyền phán quyết cho vay đối với chi nhánh, quy định như vậy có lỏng lẻo và dễ bị lạm dụng không? Ông Bình khẳng định việc ban hành quyết định là trong thời điểm cần thiết nào đó.

Thẩm phán Long cho rằng, theo cách trả lời của cả ông Bình và đại diện Agribank Việt Nam cho thấy, Agribank chi nhánh chỉ cần tờ trình với nội dung rất sơ sài thì Agribank Việt Nam sẽ trình tiếp cho HĐQT.

Ông Bình khẳng định đây là quy định của HĐQT. Việc nâng quyền phán quyết đối với các khoản vay thì Tổng giám đốc không có vai trò gì bởi trong công việc chỉ nhìn thì không thể biết được việc các chi nhánh trình lên như vậy là đúng hay không, việc thẩm định hồ sơ, năng lực của khách hàng hoàn toàn là trách nhiệm của Agribank các chi nhánh.

Liên quan đến trách nhiệm của Agribank Việt Nam trong việc nâng hạn mức cho vay, ông Bình khẳng định khi chi nhánh trình lên, nếu Tổng giám đốc không phê duyệt thì chi nhánh vẫn có quyền cho vay theo phán quyết của mình, hoặc có thể HĐQT đã phê duyệt thì Chi nhánh thẩm định lại thấy không đủ điều kiện thì không cho vay, chứ không phải HĐQT phán quyết thì sẽ cho vay.

“Việc nâng quyền phán quyết, giống như quyết định tuyển dụng, bổ nhiệm. Agribank chi nhánh có quyền sử dụng quyết định nâng quyền phán quyết, có thể cho vay hoặc không cho vay. Hoàn toàn là quyền của chi nhánh chứ không phải là quyết định bắt buộc đối với chi nhánh”, ông Bình nói.

Trong phần thẩm vấn của mình, luật sư Trương Thị Hòa (bảo vệ quyền lợi cho Agribank Việt Nam) đã hỏi đại diện Agribank Việt Nam và ông Nguyễn Thế Bình để làm rõ về việc số tiền 700 tỷ đồng mà ngân hàng này cho vay nằm trong khả năng vốn tự có của ngân hàng.

Theo quy định, ngân hàng có quyền cho vay đến 15% vốn tự có, khi đó Agribank có khoảng 20.000 tỷ đồng thì hạn mức cao nhất mà Agribank có thể cho vay lên tới 3.000 tỷ đồng. Vậy nên con số 700 tỷ là nằm trong khoảng mức cho phép chứ không vượt mức.

Sau phần xét hỏi thêm để làm rõ vai trò của Agribank, HĐXX cho biết tòa sẽ tuyên án vào lúc 15g ngày 5-11.

 

Theo Hoàng Điệp

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên