MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

5 điểm đáng chú ý từ toàn văn TPP

06-11-2015 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Con đường đi tới tự do thương mại còn rất dài, ngành công nghệ và "nền kinh tế kỹ thuật số" đã dành được chiến thắng...

Đúng 1 tháng sau khi đàm phán kết thúc, chiều hôm qua (5/11), 12 nước thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dẫn đầu bởi Nhật Bản và Mỹ đã công bố toàn văn hiệp định với hàng nghìn trang giấy liệt kê các điều khoản cụ thể.

Khối lượng tài liệu rất lớn cũng là điều dễ hiểu. Các nước thành viên TPP đóng góp tới 40% GDP toàn cầu, hơn nữa hiệp định này sẽ đưa ra một bộ quy tắc hoàn toàn mới điều hành mọi thứ, từ dòng chảy của dữ liệu đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.

Financial Times đưa ra 5 điểm nổi bật nhất được rút ra từ toàn văn TPP:

Con đường đi tới tự do thương mại còn rất dài

Khi các nước thành viên tham gia những cuộc đàm phán đầu tiên, họ cam kết sẽ xóa bỏ mọi rào cản thương mại. TPP sẽ xóa bỏ thuế phí đối với hàng nghìn mặt hàng – theo chính quyền ông Obama ước tính là 18.000, tuy nhiên sẽ phải mất hàng thập kỷ để thuế chính thức xuống 0%.

FT đánh giá đất nước bảo hộ lớn nhất trong TPP lại chính là Mỹ và ngành hưởng lợi nhiều nhất cũng là ngành ô tô của Mỹ. Hiện thuế đánh vào ô tô nhập khẩu từ Nhật Bản vào Mỹ là 2,5%, trong 15 năm tới sẽ giảm xuống còn 2,25% và phải mất 1 thập kỷ nữa để giảm xuống còn 0%. Trong khi đó, thuế đánh vào xe tải nhập khẩu từ Mỹ sẽ được duy trì trong 30 năm nữa.

Các nhà sản xuất socola sữa của Canada cũng bị bất lợi. Trong 30 năm tới, thuế đánh vào sản phẩm này là 4,3% cộng với 37,2 cent trên mỗi kg.

Chiến thắng giành cho ngành công nghệ và “nền kinh tế kỹ thuật số”

Thỏa thuận quy định các công ty có thể tự do truyền dữ liệu xuyên biên giới. Điều luật của TPP cũng cấm Chính phủ của các nước thành viên yêu cầu các công ty phải đặt máy chủ ở nước họ. Tuy nhiên, ngành dịch vụ tài chính không nằm trong các quy định về dữ liệu xuyên biên giới, Australia được miễn trừ về hồ sơ bệnh án. TPP cũng tạo ra một lỗ hổng lớn khi trao cho các Chính phủ quyền yêu cầu “phải đặt máy chủ ở nước sở tại” để “đạt được một số mục đích chính đáng về chính sách công”.

Dẫu vậy, chương về “đối xử và mở cửa thị trường cho hàng hóa” có điều khoản cấm các chính phủ đưa ra lệnh cấm đối với các sản phẩm mã hóa. Chương về quyền sở hữu trí tuệ yêu cầu các nước thành viên phải có luật cấm ăn cắp bí mật thương mại. Ngoài ra cũng có những yêu cầu về quản lý dữ liệu cá nhân và có cả điều khoản cấm các Chính phủ yêu cầu các công ty phần mềm tiết lộ mã nguồn để có thể hoạt động ở quốc gia đó.

Các nhà đầu tư nước ngoài được kiện các Chính phủ, nhưng TPP khiến quá trình trở nên phức tạp

TPP bị phản đối gay gắt vì cho phép các công ty nước ngoài thách thức các Chính phủ và quyết định của họ trước trọng tài. Có thêm cơ chế ISDS vào TPP, chương về đầu tư của hiệp định này bị cho là làm giảm tính dân chủ.

Đây vẫn còn là điều gây tranh cãi. Các hiệp hội doanh nghiệp cho rằng điều khoản ISDS là cần thiết để có thể bảo vệ nhà đầu tư nước ngoài khỏi tòa án trong nước và đây vốn dĩ đã là điều thường thấy trong hàng nghìn thỏa thuận đầu tư song phương. Trong khi đó những tiếng nói phản đối cho rằng thế giới đã thay đổi rất nhiều kể từ khi ISDS được bắt đầu áp dụng từ những năm 1960.

Tuy nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa rằng TPP sẽ siết chặt luật lệ. TPP lập nên một bộ quy tắc ứng xử và yêu cầu tất cả các vụ ISDS phải được xét xử công khai. Ngoài ra còn có những điều khoản nhằm hạn chế khả năng kiện Chính phủ của doanh nghiệp.

Các quy tắc mới cho nhóm doanh nghiệp nhà nước nhưng có những miễn trừ rất thú vị

Trong TPP có một chương dài 36 trang nêu chi tiết các quy định về “con đường” của các doanh nghiệp nhà nước trong kinh tế toàn cầu. Mục tiêu mà TPP hướng tới khá tham vọng: “TPP vượt lên trên các thỏa thuận trước đây về xử lý những bất thường mà các DNNN có thể gây ra cho thị trường. Đây là thỏa thuận tự do thương mại đầu tiên tìm cách giải quyết triệt để sự cạnh tranh giữa DNNN và các doanh nghiệp tư nhân trong môi trường thương mại và đầu tư quốc tế. Hầu hết các điều khoản trong chương DNNN đều mới mẻ, và chúng tôi hi vọng chúng sẽ mở ra con đường để giải quyết vấn đề này ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.

Tuy nhiên, một số DNNN đã được miễn trừ khỏi các quy định. Các quỹ đầu tư quốc gia như GIC và Temasek của Singapore cũng như Permodalan Nasional Berhad của Malaysia đều được miễn trừ. Quỹ Khazanah của Malaysia cũng được miễn trừ khỏi điều khoản tranh chấp trong 2 năm sau khi TPP có hiệu lực.

TPP vẫn không thể thắng được những chỉ trích

Trong nỗ lực phác họa TPP là hiệp định “tiến bộ nhất” từ trước đến nay, Tổng thống Barack Obama đã nhắc đi nhắc lại các điều khoản về lao động và môi trường. Đây là những điểm đặc biệt quan trọng đối với đảng Dân chủ với những người đã bỏ phiếu chống lại việc trao cho ông Obama quyền đàm phán nhanh.

Chương lao động có những yêu cầu khắt khe về lương tối thiểu và thành lập công đoàn. Chương môi trường bao gồm những cam kết về giải quyết tình trạng “đánh bắt quá mức”. Tuy nhiên TPP đã thiếu sót khi không đề cập đến thay đổi khí hậu, mà chỉ có một dòng nhỏ bé nêu rằng các nước TPP “nhận thức được việc chuyển đổi sang một nền kinh tế có lượng khí thải thấp cần tổng hợp nhiều hành động”. Các nhóm phản đối đã ngay lập tức vin vào sư thiếu sót này để chỉ trích TPP.

Thu Hương

FT

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên