MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Amata Thái Lan đón sóng TPP ở Việt Nam

11-11-2015 - 15:15 PM | Tài chính quốc tế

Amata có kế hoạch bán gần 20% cổ phần ở Amata Việt Nam bằng cách niêm yết trên sàn chứng khoán Thái Lan vào cuối năm nay. Số tiền huy động được sẽ được đầu tư vào một khu công nghiệp mới bên cạnh khu công nghiệp đang hoạt động ở Biên Hòa.

Amata, tập đoàn lớn nhất của Thái Lan hoạt động trong lĩnh vực điều hành các khu công nghiệp, đánh giá Việt Nam là điểm đến ngày càng hấp dẫn trong mắt các nhà sản xuất toàn cầu. Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương cùng với thỏa thuận thương mại tự do với Liên minh châu Âu vừa được ký kết là những nguyên nhân dẫn đến điều này.

Theo Nikkei, Amata có kế hoạch bán gần 20% cổ phần ở Amata Việt Nam, thông qua việc niêm yết cổ phiếu của Amata VN Public Company Limited  trên sàn chứng khoán Thái Lan vào cuối năm nay. Số tiền huy động được sẽ được đầu tư vào một khu công nghiệp thứ hai, bên cạnh khu công nghiệp đang hoạt động ở Biên Hòa.

Tính cả gián tiếp và trực tiếp, hiện Amata Amata VN Public Company Limited (AMTAV) đang kiểm soát gần 89% cổ phần của Amata Việt Nam. Sau vụ IPO, con số sẽ giảm xuống còn 72,61%. Hiện AMATAV đang có tổng vốn góp chủ sở hữu ở mức 384,32 triệu baht. Số vốn sẽ tăng lên 460 triệu baht (tương đương 12,83 triệu USD) sau khi IPO. Là liên doanh giữa AMATAV và Sonadezi, Amata Việt Nam đã phát triển một dự án khu công nghiệp rộng 700 hecta ở thành phố Biên Hòa.

“Việt Nam là ngôi sao đang lên, chúng tôi phải tận dụng cơ hội ở đây”, Somhatai Panichewa – Chủ tịch hội đồng đầu tư của Amata kiêm CEO của Amata Việt Nam – nói.

Bà Somhatai cho biết rất nhiều khách hàng sẵn có của Amata ở Thái Lan đang bước vào Việt Nam mà một phần nguyên nhân là do chi phí nhân công ở Thái Lan tăng lên. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân khác. “TPP và hiệp định tự do thương mại với EU là những thỏi nam châm mới”.

Theo dự kiến, dự án khu công nghệ cao kết hợp với khu đô thị dịch vụ cao cấp có tên gọi Thành phố Amata Long Thành sẽ mở cửa vào đầu năm 2017 – đúng thời điểm TPP và hiệp định EU được dự báo sẽ chính thức có hiệu lực. Khu công nghiệp này nằm gần cả thành phố Hồ Chí Minh và KCN Amata Biên Hòa. Tỉnh Đồng Nai đã cấp giấy phép đầu tư cho KCN rộng 410 hecta, đồng thời các khu dân cư và thương mại xung quanh đây cũng đang chờ giấy phép đầu tư. Đến năm 2025 tổng vốn đầu tư vào KCN này có thể lên đến 350 triệu USD.

Amata vào Việt Nam năm 1994, và Việt Nam vẫn là thị trường nước ngoài duy nhất của tập đoàn này. Mặc dù Amata tỏ ra rất quan tâm đến Myanmar, quá trình ở đây vẫn diễn ra chậm chạp vì nhiều nguyên nhân.

Theo bà Somhatai, hành lang kinh tế phía Nam của khu vực Mekong kết nối Campuchia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đang “bị mắc kẹt tại Thái Lan” với sự chậm trễ của dự án đặc khu kinh tế Dawei do Thái Lan đầu tư vào Myanmar. Với một khu công nghiệp và cả cảng nước sâu, dự án này sẽ mở rộng hành lang kinh tế vào Myanmar và tạo ra cửa ngõ vào Ấn Độ Dương.

“Campuchia và Lào là những thị trường quá nhỏ để đầu tư. Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, sau đó là Myanmar”, bà nói.

Tú Anh

Nikkei

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên