Apple cứng rắn với FBI, cúi đầu trước Trung Quốc?
Apple đang gây xôn xao dư luận khi chống lệnh của tòa án đòi tập đoàn này hỗ trợ Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) mở khóa một chiếc iPhone của kẻ khủng bố gây tắm máu tại California hồi tháng 12-2015.
- 07-02-2016Apple đóng phạt 347 triệu USD tiền trốn thuế tại Ý
- 06-01-2016Apple giảm đơn đặt hàng iPhone, Trung Quốc lo “sốt vó”
- 18-12-2015Apple hợp tác với công ty tín dụng lớn nhất Trung Quốc, mở đường cho Apple Pay
- 28-04-2015Apple có quý tăng trưởng ấn tượng nhờ thị trường Trung Quốc
Theo báo New York Times, FBI muốn truy cập các dữ liệu bên trong chiếc iPhone 5C của hung thủ Syed Farook, kẻ cùng vợ Tashfeen Malik xả súng bắn chết 14 người ở San Bernardino, California. Mục đích của FBI là xác định xem vợ chồng Farook có cấu kết với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay không. FBI không thể mở chiếc iPhone 5C của Farook vì nó cài mật khẩu.
Một tòa án ở California yêu cầu Apple vô hiệu hóa tính năng iPhone tự xóa dữ liệu bên trong sau khi người cầm điện thoại nhập mật khẩu không chính xác 10 lần. Nếu tính năng này bị vô hiệu hóa, FBI có thể dùng kỹ thuật “brute force” (đoán mật khẩu liên tục cho đến khi đăng nhập thành công) để mở khóa chiếc iPhone của Farook.
Sợ trở thành án lệ
Apple cần viết một phiên bản riêng của hệ điều hành iOS, cập nhật lên chiếc iPhone của Farook để giúp FBI làm được điều này. Tuy nhiên Apple đã lên tiếng phản đối yêu cầu của tòa án với lý do rằng đây có thể sẽ trở thành một án lệ để nhà chức trách Mỹ viện vào, buộc đại gia công nghệ Mỹ đáp ứng các yêu cầu tương tự trong tương lai.
Mới đây tổng giám đốc Apple Tim Cook công khai một bức thư giải thích quan điểm của hãng. Ông Cook khẳng định đòi hỏi của Chính phủ Mỹ đe dọa quyền riêng tư của các khách hàng Apple. Apple cũng lo ngại sản phẩm của hãng bị tin tặc tấn công. Phản ứng lại, FBI cho rằng chính quyền Mỹ có quyền yêu cầu các công ty hỗ trợ nhà chức trách điều tra.
Các cơ quan điều tra vẫn thường nhờ công ty viễn thông hỗ trợ nghe lén điện thoại nghi can tội phạm. Các công ty thẻ tín dụng vẫn luôn cung cấp thông tin giúp nhà chức trách theo dõi nghi can. Và việc yêu cầu một công ty viết phần mềm để hỗ trợ điều tra là chuyện đã từng có tiền lệ. FBI cũng nhấn mạnh rằng trong trường hợp này chỉ Apple mới có thể hỗ trợ điều tra hung thủ Farook.
Bởi iPhone được thiết kế để chỉ tiếp nhận cập nhật phần mềm từ Apple. Dự kiến Apple sẽ đâm đơn kháng cáo ra trước tòa trong vài ngày tới. Mới đây tổng giám đốc Google Sundar Pichai đã lên tiếng ủng hộ quan điểm của Apple.
Tuy nhiên trang web công nghệ Quartz nhận định trong khi tỏ ra cứng rắn với Chính phủ Mỹ, Apple “ngoan hiền” hơn rất nhiều khi đối mặt với chính quyền ở Trung Quốc.
Với Trung Quốc thì khác
Hồi tháng 1-2015, Nhân Dân Nhật Báo đưa tin Apple đã đồng ý để chính quyền Trung Quốc kiểm tra an ninh. Sau đó, tờ Tin Tức Bắc Kinh khẳng định sau khi ông Tim Cook đối thoại với các lãnh đạo Trung Quốc, Apple đã đồng ý để nhà chức trách Trung Quốc kiểm tra an ninh tất cả các thiết bị của Apple bán tại thị trường này.
Việc để chính quyền Trung Quốc kiểm tra an ninh các sản phẩm cũng đồng nghĩa với việc Apple phải chia sẻ những thông tin quan trọng cho Bắc Kinh, ví dụ như mã nguồn hệ điều hành. Trước đó ông Cook từng tuyên bố Trung Quốc sẽ trở thành thị trường lớn nhất của Apple. Và có vẻ như Apple chấp nhận cúi đầu trước đòi hỏi của chính quyền Bắc Kinh để giữ mối làm ăn tại thị trường khổng lồ này.
Một vấn đề nữa là trong khi báo chí xôn xao, Apple tỏ ra rất mập mờ, không phủ nhận mà cũng không xác nhận những thông tin trên, dù ở Mỹ tập đoàn này luôn tỏ ra cứng rắn và mạnh mẽ. Apple im lặng khi báo chí đặt câu hỏi về thông tin đồng ý cho Trung Quốc kiểm tra sản phẩm, rồi nhiều tuần sau mới nói rằng không thể đưa ra bất kỳ tuyên bố nào.
“Việc Apple im lặng trước đòi hỏi an ninh của Bắc Kinh nhưng lại công khai phản đối yêu cầu từ các chính phủ khác cho thấy hãng này áp dụng những tiêu chuẩn an ninh khác nhau ở các thị trường khác nhau” - Quartz nhận định.
Tuổi Trẻ