MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bảo tồn những giá trị châu Á

18-05-2015 - 13:00 PM | Tài chính quốc tế

Ở khu vực năng động nhất của kinh tế thế giới, các công ty gia đình là đỉnh cao của chủ nghĩa tư bản.

Sức mạnh của Ayala ở Philippines

Trung tâm kinh tế của Philippines là một phần của thủ đô Manila có tên gọi Makati. Khu này cũng có tên gọi khác là Ayala, đặt theo tên của tập đoàn hùng mạnh nhất Philippines. Trụ sở 35 tầng của Ayala nằm ở trung tâm Makati, trong vùng “tam giác Ayala” nằm ngay cạnh đại lộ Ayala. Ở khu này có sàn giao dịch chứng khoán Philippines cũng như trụ sở của các ngân hàng lớn nhất thế giới. Ở đây còn có bảo tàng Ayala nói về gia tộc này. Kể cả trụ sở của ngân hàng Bank of the Philippines Islands (BPI) – vốn là tòa nhà đối lập với tòa tháp Ayala Tower – cũng không thực sự là đối thủ của tập đoàn này: BPI là “cánh tay tài chính” của đế chế Ayala.

Ayala có 6 mảng kinh doanh chính: bất động sản (Ayala Land), ngân hàng, điện thoại di động, điện nước, trung tâm khách hàng và điện tử. Trong đó Ayala Land đã và đang theo đuổi tham vọng biến Philippines thành “giấc mơ Mỹ” của Đông Nam Á.

Đế chế Ayala được điều hành bởi gia tộc Ayala – Zobel trong suốt 181 năm qua. Gia tộc này khởi nghiệp từ nông nghiệp nhưng sau đó đã đa dạng hóa hoạt động sang mọi lĩnh vực, từ xây dựng đến điện thoại. Nhà Zobel trở nên chuyên nghiệp với 6 mảng kinh doanh đều đã lên sàn và được đặt trong tay các CEO lão luyện. Tuy nhiên gia tộc Ayala vẫn là “trái tim” của tập đoàn. Hai anh em thuộc đời thứ 6 là Jamie Augusto và Fernando điều hành công ty mẹ - công ty lập ra các chiến lược, trong khi 3 người trẻ hơn thuộc đời thứ 8 đang dốc sức để được thăng tiến.

Jamie Augusto muốn tập đoàn trở thành cỗ máy giúp Philippines hiện đại hóa. Ayala luôn dẫn đầu trong các mảng, từ xây dựng cơ sở hạ tầng cho tới các hoạt động từ thiện. Ayala Foundation là một trong những quỹ từ thiện lớn nhất ở Philippnes. Tuy nhiên trong mấy năm gần đây tập đoàn ngày càng tập trung nhiều hơn vào nỗ lực “xây dựng quốc gia”.

Jamie Augusto – người đã tốt nghiệp trường kinh doanh Harvard – cho biết hướng đi này chịu ảnh hưởng từ những nhà quản lý kiệt xuất. C.K.Prahalad khuyến khích các công ty “tìm kiếm kho báu ở đáy của kim tự tháp”, trong khi Micheal Porter khuyên họ coi trọng “những giá trị được chia sẻ”. Tập đoàn truyền thông của gia tộc hoạt động theo phương châm: bạn không thể xây dựng đế chế điện thoại di động mà không chú ý đến người nghèo.

Ayala Land đã xây dựng phần lớn các cở sở hạ tầng công cộng ở Makati như đường đi bộ và bãi đỗ xe. Năm 1997, khi Ayala thâu tóm Manila Water, những vòi nước ở đây không hoạt động. Ngày nay, chúng cung cấp một lượng nước khổng lồ cho hơn 8 triệu khách hàng. Công ty này luôn có tầm nhìn dài hạn và nỗ lực đa dạng hóa hoạt động. Tại một trong những dự án của Ayaland có tên là Nuvali không chỉ mọc lên các tòa nhà mà còn có trường học và nhà thờ dành cho công nhân của các nhà máy và trung tâm chăm sóc khách hàng của hãng.

Chủ nghĩa tư bản châu Á

Ở châu Á, những doanh nghiệp thành công nhất thường là các tập đoàn gia đình trị. Các công ty như Samsung và Hutchison Whampoa có vẻ giống với các công ty đại chúng khác, nhưng bạn sẽ nhanh chóng nhận ra đằng sau đó là cả một gia tộc. Trung Quốc là một trường hợp ngoại lệ, nơi những doanh nghiệp nhà nước vẫn đóng vai trò chủ đạo. Tuy nhiên kể cả ở Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản gia đình vẫn nở rộ ở những lĩnh vực mà nhà nước cho phép.

Những cái tên trong dòng tộc là một sự đảm bảo về lòng trung thành và chất lượng. Các mối gắn kết trong gia đình cho phép mở rộng hoạt động ở khu vực cũng như trên phạm vi toàn cầu. Một số gia đình như Tata gắn thêm những câu chuyện hấp dẫn về sự việc chống lại thực dân cũ. Người Ấn Độ thích kể câu chuyện Jamsetji xây dựng Taj Palace (khách sạn sang trọng nhất ở Mumbai) vì ông đã bị từ chối khi bước vào một khách sạn thuộc sở hữu của người châu Âu.

Vikram Bhalla, chuyên gia đến từ tập đoàn tư vấn BCG, chia các công ty gia đình ở châu Á thành 5 loại. Đầu tiên là các tập đoàn hoạt động trong nhiều lĩnh vực, khi công ty mẹ liên tiếp mở rộng hoạt động và cung cấp công ăn việc làm cho con cháu. Trong các gia đình này, con trai thường hoạt động trong các ngành “nặng” như xây dựng, còn con gái sẽ hoạt động trong các ngành nhẹ nhàng hơn như kinh doanh khách sạn. Ở dạng thứ hai, các gia đình sẽ chia tách để tránh xung đột. Quá trình này có thể trơn tru nhưng thường sẽ không tránh khỏi tình trạng hỗ loạn.

Trong dạng thứ ba, các gia đình chuyển giao công việc quản lý hàng nhau cho các CEO chuyên nghiệp và củng cố quyền lực thông qua các công ty mẹ. Ở trường hợp thứ tư, một số thành viên trong gia đình sẽ cùng quản lý một công ty. Ví dụ cho trường hợp này là Asian Paints, công ty được điều hành bởi ba anh em.

Đối với dạng cuối cùng, một công ty gia đình sẽ chuyển từ ngành này sang ngành khác nhưng vẫn tiếp tục sử dụng tên tuổi và các mối quan hệ cũ để tận dụng quyền lực trong các thương vụ kinh doanh. Nhà Piramal là một ví dụ tốt, Họ bắt đầu từ dệt may, sau đó chuyển sang y dược và cuối cùng chuyển sang cung cấp dịch vụ tài chính và big data.

So với phương Tây, thế hệ kế thừa của các công ty gia đình châu Á rất tôn trọng bậc cha chú, dù nhìn bên ngoài sẽ đem đến cảm giác họ đã hoàn toàn được “Tây hóa”. Ajay Piramal, Chủ tịch của tập đoàn Piramal, là người thường xuyên lui tới Davos. Vợ của ông là một bác sĩ và cũng hợp tác với ĐH Harvard. Hai người con đều học tập tại các trường phổ thông và đại học kinh tế hàng đầu thế giới. Tuy nhiên cả nhà Piramal (còn khoảng 40 người) vẫn cùng sống trong một mái nhà và thảo luận về các vấn đề từ kinh doanh tới cuộc sống thường ngày trong các bữa ăn.

Những giá trị lưu mãi muôn đời

Có lẽ nơi hoàn hảo nhất để học các bí mật của chủ nghĩa tư bản châu Á không phải là những bài báo kinh tế mà là những trang viết chuyện phiếm trong các tạp chí. Những công ty gia đình ở châu Á có cấu trúc rất phức tạp. Đế chế cờ bạc của Stanley Ho đã phải trải qua nhiều sóng gió sau những cuộc đấu đá giữa nhiều nhánh của dòng họ (bản thân ông cũng có tới 4 người vợ). Vì công ty này từng đóng góp tới 40% GDP của Macau, những cuộc cãi vã thu hút được rất nhiều sự chú ý của công chúng. Kể từ khi Wang Yung-ching qua đời năm 2008, tập đoàn nhựa Formosa của ông luôn là chủ đề tranh cãi nóng bỏng giữa 9 người con mà ông có với 3 bà vợ.

Khi những nhân vật gạo cội đã xây dựng nên chủ nghĩa tư bản châu Á sau chiến tranh thế giới thứ hai nghỉ hưu hoặc qua đời, châu Á sẽ chứng kiến một trong những cuộc chuyển giao của cải lớn nhất trong lịch sử.

Thế hệ sau sẽ phải phát huy được hai yếu tố nếu họ muốn thành công trong thế giới mới: của cải của cá nhân và đặc ân về giáo dục. Tuy nhiên, họ cũng phải gìn giữ những “giá trị châu Á” xưa cũ. Victor Chu, ông chủ của tập đoàn đầu tư First Eastern Investment Group, là một trong những thế hệ đang nổi lên. Ông có được danh tiếng ở Nhật Bản nhờ thành lập hãng hàng không giá rẻ Peach Aviation, nhưng tài năng thật sự của ông nằm ở những mối quan hệ. Ông đã giành cả cuộc đời để kết nối các công ty ở phương Đông và phương Tây với nhau.

Ví dụ xuất sắc nhất cho một cuộc chuyển giao thành công là tỷ phú giàu nhất châu Á Li Ka-shing. Ông nổi tiếng với khả năng thiết lập các tập đoàn độc quyền thông qua các giấy phép và xây dựng doanh nghiệp với tốc độ chóng mặt. Tuy nhiên, từ lâu ông đã trang bị cho tập đoàn của mình những điều tối cần thiết để bước vào một thế giới mới trong nhiều thập kỷ sau này. Con trai Victor được chọn làm người kế vị trong khi người còn lại là Richard được chuẩn bị sẵn một mảng kinh doanh hoàn toàn khác để tránh xung đột.

Thu Hương

Thu Hương

The Economist

Trở lên trên