MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Bắt bệnh" chính quyền địa phương Trung Quốc

30-07-2014 - 10:18 AM | Tài chính quốc tế

Lấy đất của nông dân và phụ thuộc quá nhiều vào vay nợ không phải là con đường hợp lý để tài trợ cho các chính quyền địa phương Trung Quốc.

Để giảm thiểu rủi ro, Trung Quốc phải đưa ra hàng loạt cải cách. Vấn đề nổi cộm nhất là nới lỏng kiểm soát đối với lãi suất ngân hàng, từ đó khiến người gửi tiền không còn muốn chuyển tiền sang những kênh rủi ro hơn. 

Có nhiều tín hiệu tích cực sau khi biện pháp này được áp dụng. Tuy vậy, trong nhiều cuộc thảo luận gần đây về thị trường tài chính, dường như mọi thứ vẫn dậm chân tại chỗ. Tháng 3 năm nay, thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đưa ra những phát biểu hé lộ khả năng thả nổi mức lãi suất trong 1-2 năm tới. Các ngân hàng dường như không hứng thú với thông báo này bởi càng tăng lãi suất lợi nhuận cận biên của họ sẽ càng bị giảm xuống. 

Cải cách cũng rất chậm chạp trong 2 lĩnh vực mang tính quyết định với chính quyền địa phương: cách thức huy động vốn cho các khoản chi bắt buộc và việc sở hữu đất nông nghiệp. Thay đổi trong hai mảng trên có ý nghĩa sống còn nếu muốn thực hiện thành công kế hoạch đô thị hóa "lấy con người làm trọng tâm". Những quan chức tham lam muốn lợi dụng quyền tịch thu đất phải bị trừng trị thích đáng.

Các chính quyền địa phương thiếu tiền để trang trải cho các khoản chi cần thiết là vấn đề do bản thân Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra. Năm 1994, Đảng tổ chức tại hệ thống thuế nhằm đẩy mạnh vai trò của chính quyền trung ương trong ngân sách. Tuy nhiên, chính sách này thất bại trong việc giảm bớt gánh nặng đối với các chính quyền địa phương - bộ phận chịu trách nhiệm chính đảm nhận các hoạt động tiêu tốn nhiều tiền của ngân sách như cung cấp dịch vụ giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Chính quyền trung ương rót vốn xuống các cấp địa phương (thông qua chính quyền cấp tỉnh) để trang trải những chi phí cơ bản, nhưng sự trợ cấp này chỉ như muối bỏ bể. Chính quyền địa phương chỉ nhận khoảng 1/2 số vốn của chính phủ nhưng phải đảm trách 80% chi tiêu công. 

Để bù đắp những thiếu hụt này, các quan chức địa phương quay sang đất nông nghiệp. Trong khi quyền sở hữu của người dân thành thị luôn đựợc củng cố từ cuối những năm 1990 nhờ chính sách tư nhân hóa nhà ở đô thị và hệ thống luật pháp cũng bảo vệ họ, quyền sở hữu của những ngừơi dân nông thôn vẫn còn rất dễ bị lạm dụng. Viện phát triển nông thôn Landesa - một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, đã thực hiện khảo sát ở 1791 ngôi làng và phát hiện số lượng các mảnh đất bị thu hồi đã tăng gấp ba lần từ năm 2007 đến năm 2011. Năm 2001, thu nhập liên quan đến đất đai chỉ đóng góp khoảng 1/6 thu ngân sách của các chính quyền địa phương nhưng con số này đã tăng lên 3/4 chỉ một thập kỷ sau đó.

Chi phí cung cấp phúc lợi thành thị cho người nhập cư là rất lớn. Trừ khi chính quyền địa phương có thể tìm ra phương pháp khác để tài trợ, họ vẫn phải giải quyết vấn đề theo phương thức truyền thống bằng cách thu hồi thêm nhiều đất đai. Chính quyền trung ương có thể giúp đỡ những liệu họ có thật sự đủ khả năng? Theo một báo cáo được công bố năm nay bởi Viện khoa học và xã hội Trung Quốc, chi phí cung cấp cho một công nhân nhập cư với đầy đủ phúc lợi thành thị lên tới 130.000 nhân dân tệ. Trong khi đó một nghiên cứu của chính phủ năm 2008 chỉ dừng ở mức 80.000 nhân dân tệ. 

Kam Wing Chan đến từ đại học Washington thì cho rằng thậm chí với chi phí 100.000 nhân dân tệ cho mỗi người nhập cư, chính phủ vẫn có thể chịu được. Chan tính toán rằng như vậy khoản chi sẽ tăng thêm khoảng 23.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 44% GDP của Trung Quốc năm 2012. Tuy nhiên, nếu quá trình này được thực hiện từ từ (khoảng 20 triệu người nhập cư mỗi năm), con số mỗi năm chỉ tương đương 3,8% GDP năm 2012. Tuy vậy, vì có những chi phí kéo dài cả một đời người, chi phí để chuyển 20 triệu người nhập cư sang "trạng thái thành thị đầy đủ" mỗi năm sẽ là 0,1% GDP năm 2013. Ông Chan còn nói thêm, con số này chỉ bằng 1/5 số tiền Trung Quốc chi để tổ chức thế vận hội Olympic 2008.ư

Liệu nông dân có quyền sở hữu đầy đủ đối với đất đai của mình? Thực hiện chính sách này sẽ gây nhiều khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc thu hồi đất, do đó lại càng cản trở việc tìm đủ nguồn tài chính để trang trải cho các khoản nợ lớn còn tồn đọng. Tuy nhiên, quan trọng nhất là điều này sẽ đưa quyền sử dụng đất vào tay người nông dân, thậm chí kết thúc việc các cán bộ cơ sở dùng quyền kiểm soát đất đai để trục lợi cho riêng mình. Tháng 11 năm ngoái, chính phủ đã cam kết cho phép đất nông thôn (mặc dù không dùng để canh tác) được mua bán trên thị trường cùng điều kiện như bất kỳ tài sản khác. Chính sách này cần thời gian để áp dụng trong thực tế, ví dụ như quyết định ai là chủ sở hữu của cái gì là một việc hết sức phức tạp ở nông thôn. Chính quyền địa phương sẽ không hứng thú giải quyết những việc không đem lại lợi ích cho họ.

Nhưng lần này, Trung Quốc buộc phải quyết tâm. Các dự án đô thị mới mở rộng tràn lan như hiện nay có thể đã mang lại hiệu quả ở Mỹ trong quá khứ - khi họ có những vùng đất rộng lớn chưa được khai phá (nhưng cũng đi kèm với các hậu quả lên môi trường và chất lượng cuộc sống). Ở Trung Quốc, nơi quá trình đô thị hóa đã buộc hơn 40 triệu nông dân rời khỏi mảnh đất của họ trong 3 thập kỷ qua với số tiền đền bù ít ỏi hoặc không có gì, điều này hoàn toàn phản tác dụng.

Thảo Phương

huongnt

Economist

Trở lên trên