MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đàm phán TPP còn vướng ở đâu?

01-08-2015 - 00:08 AM | Tài chính quốc tế

Trước khi cuộc họp ở Hawaii kết thúc, hãy cùng điểm lại những “nút thắt” của TPP. Có một số vấn đề chính nổi lên trong số hơn 100.000 “gạch đầu dòng” của TPP.

Các Bộ trưởng Thương mại của 12 quốc gia đang tụ họp ở một khách sạn nằm bên bãi biến ở Maui (Hawaii), tìm cách dỡ bỏ các rào cản thuế quan cũng như các vướng mắc về mặt chính trị để tiến tới một thỏa thuận kết nối các nước ở hai bên bờ Thái Bình Dương rộng lớn thành một khối thương mại vững chắc.

Đối với nước Mỹ, đây là cơ hội cuối cùng để hoàn tất trước khi cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 diễn ra. Tổng thống Obama luôn mong mỏi về một thỏa thuận sẽ bao phủ 40% nền kinh tế toàn cầu, không chỉ phá vỡ các rào cản thương mại và còn đem đến những quy chuẩn khắt khe hơn về lao động, môi trường và nhân quyền.

Sau 6 năm đàm phán, chiếc đồng hồ đang đếm ngược đối với chính quyền của ông Obama. Từ khi các bên chốt được các vấn đề chính trong tuần này, sẽ không có đủ thời gian để TPP được Quốc hội Mỹ thông qua vào trước cuối năm 2015.

Tuy nhiên, trước khi cuộc họp ở Hawaii kết thúc, hãy cùng điểm lại những “nút thắt” của TPP. Có một số vấn đề chính nổi lên trong số hơn 100.000 “gạch đầu dòng” của thỏa thuận này.

Công nghệ sinh học

Nằm trong chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật quy định các công ty dược sẽ có 12 năm duy trì quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm công nghệ sinh học – loại thuốc tách rời hoàn toàn khỏi các nguồn lực tự nhiên và thường được sản xuất bởi các công ty công nghệ sinh học hiện đại nhất.

Hầu hết các quốc gia muốn gia nhập TPP có thời gian bảo hộ ngắn hơn (thường từ 3 đến 7 năm), vì như vậy sẽ giúp giảm chi phí sản xuất trong khi sản phẩm được phân phối rộng hơn.

Thực phẩm Nhật Bản

Chính phủ Nhật rất mong TPP hoàn tất, nhưng thị trường thực phẩm của nước ngoài còn khá khép kín. Nhật có thể cam kết giảm bớt rào cản thuế quan đối với thịt bò và thịt lợn, nhưng vẫn chưa rõ Nhật có sẵn sàng để các doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với người nông dân bản địa hay không.

Bơ sữa của Canada

Thủ tướng theo Đảng Bảo thủ của Canada là Stephen Harper có một cuộc bầu cử căng thẳng ở phía trước và người nông dân nuôi bò ở Canada đang rất lo lắng. Ở thị trấn bên bờ hồ Roberval cách Quebec 160 dặm về phía Bắc, hàng trăm người nuôi bò của Canada đã biểu tình kêu gọi giữ nguyên mức thuế lên tới 296% đối với bơ, sữa và kem nhập khẩu quá hạn ngạch.

Doanh nghiệp nhà nước và nhân quyền ở Malaysia

Các nhà đàm phán đã hối thúc Malaysia cắt bớt đặc quyền dành cho các DNNN và cho người dân tộc thiểu số ở Malaysia. Thêm vào đó, nạn buôn người vẫn đang tiếp diễn ở đây, dẫn đến cả hành vi vi phạm luật lao động.

Hôm 27/2, Mỹ nâng mức xếp hạng về buôn người của Malaysia từ mức 2 lên mức 3. Tuy nhiên phía Malaysia khẳng định không có bằng chứng rõ ràng cho hành động này, cho rằng đây là động thái gây sức ép lên Malaysia trong đàm phán TPP.

Điều khoản ISDS

ISDS là từ viết tắt tiếng Anh của điều khoản giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư và quốc gia. Nhiều người phản đối ISDS, trong đó mạnh mẽ nhất là Thượng nghị sĩ Mỹ Elizabeth Warren. Họ cho rằng các tập đoàn đa quốc gia có thể sử dụng điều khoản này để vô hiệu hóa các luật lệ của nước Mỹ. Australia đã phản đối.

Liệu đàm phán TPP có thể kết thúc trong tuần này hay không phụ thuộc vào các vấn đề này được giải quyết đến đâu. Nhạy cảm về chính trị cũng là vấn đề, đặc biệt là chính phủ Canada (sẽ bầu cử vào tháng 10 tới) và Malaysia (đang đối mặt với scandal).

Thu Hương

Washington Post

Trở lên trên