MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng đổ lỗi cho giá dầu!

07-02-2016 - 09:05 AM | Tài chính quốc tế

Kể từ khi Thế chiến thứ hai kết thúc, gần như mọi cuộc suy thoái đều theo sau một đợt đi lên của giá dầu.

Từ đợt cấm vận dầu mỏ của các nước Ả Rập gây ra tình trạng lạm phát đình trệ trong thập niên 1970 cho đến thời kỳ giá dầu tăng vọt lên gần 150 USD một thùng ngay trước thềm cuộc khủng tài chính năm 2008, ít có nhà đầu tư nào nghi ngờ về vai trò to lớn của giá dầu trong việc định đoạt hướng đi của nền kinh tế.

Vì thế, nhiều người cảm thấy khó mà hiểu được tại sao chứng khoán toàn cầu lại quá ảm đạm trong những ngày đầu năm 2016 và đi cùng với sự sụp đổ của giá dầu. Kể từ đầu năm, giá dầu giảm luôn được xem là tâm điểm của nền kinh tế toàn cầu, báo hiệu mọi thứ từ sự giảm tốc ở Trung Quốc cho đến làn sóng vỡ nợ dưới chuẩn trong ngành năng lượng mà có thể lan ra toàn nền kinh tế. Chứng khoán và giá dầu đang chuyển động song hành với nhau.

Nhưng có khi nào thị trường đang hiểu sai các tín hiệu? Mặc dù có những lý do chính đáng để quan ngại về sự xuống dốc của thị trường dầu mỏ, việc coi đó là đại diện cho sức khỏe của kinh tế toàn cầu có vẻ như là sai lầm. Điều này có nguy cơ thổi phồng một quan điểm bi quan quá mức về kinh tế thế giới mà quên mất những lợi ích mà chi phí năng lượng thấp thường mang lại.

“Lý lẽ đổ lỗi cho dầu vì mọi chuyện không êm thấm đang xảy ra thật khó hiểu,” chuyên gia Amrita Sen của Energy Aspects, một công ty tư vấn năng lượng có trụ sở ở London cho biết.

“Nếu giá dầu ở mức 100 USD có thể gây hại cho tăng trưởng toàn cầu bằng cách gây áp lực lên tài chính công của các nước nhập khẩu dầu và kìm hãm tiêu dùng, khó mà hiểu được tại sao giá dầu ở mức 20 USD cũng bị đổ lỗi cho việc làm tổn thương kinh tế thế giới và đè nặng lên thị trường chứng khoán toàn cầu.”

Các nhà phân tích cho biết những người e ngại việc giá dầu giảm đang báo hiệu sự giảm tốc trong tăng trưởng toàn cầu cần lưu ý đến thực tế là giá dầu đã từng giảm trong quá khứ. Nguyên nhân chính của việc giá dầu giảm 70% trong 18 tháng qua là do bùng nổ nguồn cung hơn là lực cầu giảm.

“Thứ mà chúng ta thấy ở giá dầu chủ yếu là do cú sốc từ phía nguồn cung,” giáo sư kinh tế học Kamiar Mohaddes ở Đại học Cambridge (Anh) cho biết.

“Mặc dù chúng ta cũng đang bắt đầu thấy một số dấu hiệu của lực cầu giảm, tôi nghĩ mối liên hệ chặt chẽ giữa hai thị trường là do phản ứng thái quá trước nỗi lo giảm tốc ở Trung Quốc,” ông nói.

“Mọi người đang chứng kiến tác động của sự dư thừa nguồn cung quá lớn đối với giá dầu và cho là nó đến từ phía cầu.”

Năm ngoái, giáo sư Mohaddes đã viết một báo cáo cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy giá dầu giảm một nửa sẽ giúp tăng trưởng toàn cầu có thêm 0,2 đến 0,4% trong năm đầu tiên. Ở các nước nhập khẩu lớn, bao gồm phần lớn các nước đã phát triển, tác động này được dự đoán là gần 1%.

Giá naphtha ở Châu Á – một loại dầu tinh luyện đại diện cho hoạt động sản xuất trong ngành, có liên quan chặt chẽ đến giá dầu mỏ, điều này không giống như ở cuộc khủng hoảng tài chính khi giá naphtha sụp đổ cùng lực cầu.

Dĩ nhiên là có một số liên hệ giữa việc giá dầu giảm và thị trường chứng khoán suy yếu. Các công ty dầu mất trung bình khoảng 20% giá trị trong năm nay, làm cho khu vực này trở thành một trong những nơi hoạt động kém nhất ở sàn chứng khoán London và New York.

Apple, công ty giá trị nhất thế giới theo vốn hóa thị trường đã chỉ ra giá hàng hóa giảm là một nguyên nhân làm giảm doanh số bán hàng lần đầu tiên của công ty này.

“Khi bạn nghĩ về tất cả các nền kinh tế được thúc đẩy bởi hàng hóa – Brazil, Nga, các thị trường mới nổi, và cả các nước phát triển như Canada và Australia, rõ ràng là kinh tế đã suy yếu đáng kể so với một năm trước,” Luca Maestri, giám đốc tài chính của Apple cho biết vào hôm 26-1.

Các nhà đầu tư chứng khoán cũng tỏ ra lo ngại về việc rủi ro hệ thống từ giá dầu lan sang các công ty công nghiệp và hệ thống ngân hàng. Một số ngân hàng lớn nhất ở Mỹ, bao gồm Bank of America, JPMorgan Chase, Citigroup và Wells Fargo trong vài tuần gần đây đã cảnh báo nguy cơ mất giá và trích lập dự phòng đối với khoản vay của các công ty dầu mỏ.

Rủi ro của các công ty này còn xa mới bằng quy mô của cuộc khủng hoảng tín dụng dưới chuẩn – Bank of America có các khoản cho vay trong ngành năng lượng trị giá 21,3 tỷ USD, chiếm khoảng 3% danh mục cho vay của ngân hàng này nhưng chúng có thể bị buộc phải chi thêm tiền để bù lỗ.

Nhưng các khoản cho vay trong ngành năng lượng cũng có thể tác động đến thị trường tài chính theo cách khác.

“Vấn đề là ở chỗ mặc dù giá dầu giảm nhẹ có thể giống như việc cắt giảm thuế cho nền kinh tế toàn cầu, một sự sụt giảm mạnh đồng nghĩa với tình trạng mất cân đối tài chính nghiêm trọng ở các nhà sản xuất năng lượng,” Sebastian Raedler, chuyên gia phân tích chứng khoán ở Deutsche Bank cho biết.

Ông ước tính rằng các công ty năng lượng Mỹ “bị mất cân đối nghiêm trọng” chiếm 20% thị trường trái phiếu lãi suất cao. Điều này là quan trọng vì phần bù rủi ro trong thị trường chứng khoán đã bám sát chênh lệch lãi suất trong thập kỷ qua. Nếu giá dầu vẫn thấp và chênh lệch lãi suất nới rộng, chứng khoán có thể phải chịu nhiều áp lực hơn.

Sự tương quan giữa giá dầu và thị trường chứng khoán chủ yếu là vấn đề thời điểm. “Giá dầu thấp có lợi cho nền kinh tế, nhưng nếu xảy ra quá nhanh khi đã có sẵn nhiều bất ổn thì điều đó có thể gây rắc rối,” Martin Ellison, giáo sư kinh tế học ở Đại học Nuffield, Oxford (Anh) cho biết.

“Giá dầu thấp sẽ tạo ra nhiều vấn đề trong ngành dầu mỏ và các nước sản xuất dầu. Về cơ bản, khi giá dầu đi xuống, ban đầu mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ nhưng theo thời gian tác động bất lợi này sẽ bắt đầu đảo ngược do hiệu ứng kích thích của giá dầu thấp.”

13 nước thuộc nhóm OPEC mà kiểm soát 40% sản lượng dầu của thế giới có khả năng giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong năm nay.

Nhưng tác động này bị che khuất phần lớn bởi lợi ích của giá dầu thấp đối với bốn nước nhập khẩu ròng lớn nhất – Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ, chiếm hơn 50% GDP trị giá 77 nghìn tỷ USD của thế giới.

“Tác động của giá dầu thấp lên các nước sản xuất là rất đớn đau tính một cách riêng rẽ,” giáo sư Mohaddes nói. “Nhưng chúng chỉ là một phần nhỏ của nền kinh tế toàn cầu nói chung, vì thế sự thúc đẩy tiêu dùng cuối cùng cũng sẽ thắng thế.”

Long Nam

FT

Trở lên trên