Goldman Sachs: Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm 2016
Goldman Sachs so sánh Mỹ đang bước đi ‘như một chú rùa” nhưng vẫn dự báo Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm tới, và mỗi quý sẽ tăng 1 lần.
- 24-11-2015Chủ tịch Fed: Tăng lãi suất là hợp lý, sẽ thực hiện từ từ
- 19-11-2015Fed sắp nâng lãi suất, vàng sẽ xuống dưới mốc 1.000 USD?
- 11-11-2015FED đang trong tình huống khó xử
Sẽ không có ai ngạc nhiên khi Cục dự trữ liên bang mỹ (Fed) tăng lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày 16/12 tới. Đã có rất nhiều bài phân tích bình luận rằng đã đến lúc Mỹ thực hiện lần tăng lãi suất lần đầu tiên trong 9 năm.
Tuy nhiên, vẫn tồn tại một vài cuộc tranh luận về mức độ và tốc độ tăng lãi suất của Fed. Các quan chức Fed vẫn một mực khẳng định rằng mọi đường đi nước bước của Fed đều dựa vào các số liệu thống kê về sức khỏe của nền kinh tế.
Cuối tuần vừa qua, chuyên gia kinh tế trưởng Jan Hatzius của Goldman Sachs và đội của ông đã đưa ra một báo cáo dự đoán về chặng đường sắp tới của Fed. Hatzuis so sánh Mỹ đang bước đi ‘như một chú rùa” nhưng vẫn dự báo Ủy ban thị trường mở (FOMC) sẽ tăng lãi suất thêm tổng cộng 100 điểm cơ bản trong năm tới, và mỗi quý sẽ tăng 1 lần.
Đây sẽ là mức độ thắt chặt chính sách tiền tệ hợp lý, dựa trên những điều kiện về thị trường lao động, áp lực chi phí tiền lương và tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế.
Các nhà đầu tư trên thị trường sẽ gặp rủi ro nếu họ cảm giác rằng Fed đang hành động nhanh hơn. Tuy nhiên, Hatzius cũng đưa ra lý do hợp lý giải thích tại sao Fed sẽ buộc phải hành động trong hai cuộc họp sắp tới (vào tháng 12 và tháng 1) và tại sao lãi suất sẽ tiếp tục tăng lên.
Đầu tiên, ông đặt ra câu hỏi “Tại sao Fed sẽ tăng lãi suất khi nền kinh tế chỉ tăng trưởng khiêm tốn, ngành công nghiệp vẫn trong trạng thái trì trệ và môi trường toàn cầu đầy bất ổn?”
Câu trả lời mà ông đưa ra là:
“Mặc dù lãi suất liên bang đã ở mức 0 trong suốt 7 năm, có rất nhiều thứ đã ngầm diễn ra. Biểu đồ dưới đây cho thấy lãi suất liên bang trên thực tế và lãi suất nếu theo quy tắc Taylor*. Trong vài năm sau suy thoái, hầu hết các quy tắc chính sách chuẩn mực đều nói rằng FOMC nên cắt giảm suất xuống dưới mức 0 nếu có thể. Giờ đây, vì nền kinh tế đã tiến triển rất tốt kể từ năm 2009, kể cả những mô hình thận trọng nhất của quy tắc Taylor cũng cho rằng Fed nên sớm nâng lãi suất.
Biểu đồ dưới đây thể hiện mức lãi suất liên bang nếu ước tính theo quy tắc Taylor. Ở đây quy tắc Taylor được áp dụng với các giả định về hai biến số: lãi suất liên bang cân bằng (ở thời điểm đó hoặc biến động theo thời gian) và tỷ lệ thất nghiệp (FOMC sử dụng U3 hay U6).
Quy tắc mà chúng tôi cho là thích hợp nhất để miêu tả quan điểm của Janet Yellen (sử dụng tỷ lệ thất nghiệp U6** và lãi suất liên bang cân bằng ở mức 0 – cho thấy FOMC nên tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 12 sắp tới hoặc tháng 1/2016”.
Do đó, rõ ràng là Mỹ cần nâng lãi suất. Tuy nhiên, câu hỏi hóc búa cho thị trường là tốc độ tăng lãi suất. Fed luôn dùng những từ “chậm chạp”, “từ từ”, “dần dần”, “ngập ngừng”, thậm chí là “bò trườn” để miêu tả về quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ.
Theo Hatzius, có 3 yếu tố sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng lãi suất: (1) lạm phát sẽ quay trở lại mức mục tiêu như thế nào, (2) các thị trường tài chính phản ứng như thế nào với những đợt tăng lãi suất đầu tiên và (3) tăng trưởng có tiếp tục ổn định hay không.
Ông cho rằng tăng thêm 25 điểm cơ bản mỗi quý vẫn tạo ra cảm giác Fed nâng lãi suất một cách từ từ, chậm rãi. Tuy nhiên, vì Fed họp 6 tuần 1 lần, cũng có thể sau mỗi cuộc họp Fed sẽ đều thông báo nâng lãi suất.
Nếu “các điều kiện trên thị trường tài chính bị thắt chặt hơn dự báo, nếu tăng trưởng chậm lại hoặc nếu lạm phát không thể hồi phục như dự tính, FOMC sẽ trì hoãn việc nâng lãi suất’.
Quy tắc Taylor: là một nguyên tắc giúp các ngân hàng trung ương xác định lãi suất cơ bản dựa vào số liệu GDP và lạm phát, theo đó lãi suất cơ bản phải được điều chỉnh theo tốc độ tăng trưởng GDP và lạm phát.
Tỷ lệ thất nghiệp U6 không chỉ tính những người không có việc làm đang tìm kiếm công việc toàn thời gian mà còn tính cả những người “còn liên quan chút ít đến công việc” và những người làm việc bán thời gian vì lý do kinh tế. Trong đó, đối tượng “còn liên quan chút ít đến công việc” là những người đang tuyệt vọng và ngừng tìm việc mới nhưng vẫn muốn làm việc còn những người làm việc bán thời gian có thời gian làm việc chỉ 1 giờ/tuần. Những người có độ tuổi ít nhất là 16 mới được tính vào tỷ lệ thất nghiệp U6.