MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hãy hi vọng Fed đang đi đúng hướng

05-10-2015 - 10:53 AM | Tài chính quốc tế

Rõ ràng là không có biện pháp nào có thể giúp kiểm soát hay chống lại một cuộc suy thoái khác. Các thị trường tài chính cũng như nền kinh tế trên toàn cầu chỉ có thể hi vọng Fed đang đi đúng hướng.

Trong bài phát biểu mới nhất hôm 24/9, Chủ tịch FED Janet Yellen khẳng định Fed vẫn trên lộ trình nâng lãi suất. Dẫu vậy, các thị trường tài chính vẫn đang lo ngại về sự phục hồi của kinh tế Mỹ. Tệ hơn, họ tin rằng cú sốc tại các nền kinh tế mới nổi vẫn đang tích tụ lại và chỉ chờ phát nổ khi FED nâng lãi suất và sau đó cú sốc từ thị trường mới nổi sẽ kéo các nền kinh tế phát triển rơi vào vòng xoáy bất ổn.

Vậy điều gì sẽ xảy ra nếu FED đang đánh giá không đúng về sự phục hồi của kinh tế Mỹ?

Andrew Haldane - nhà kinh tế trưởng của NHTW Anh – BOE, mới đây cũng đã đặt ra một câu hỏi tương tự (tìm đọc bài phát biểu của Andrew Haldance trên trang web của NHTW Anh – BOE). Ông chỉ ra rằng nguyên nhân lớn nhất đằng sau nguy cơ nói trên là lãi suất chuẩn tại các nền kinh tế phát triển đang mắc kẹt quanh ngưỡng trên dưới 0%. Vậy các biện pháp nào có thể được sử dụng nếu cuộc khủng hoảng xảy ra để cứu trợ nền kinh tế và những vấn đề đi kèm là gì?

Năm 2009, các nước đã sử dụng biện pháp phát hành trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên điều này ảnh hưởng tiêu cực đến tính bền vững của nợ công. Một biện pháp khác là tăng mức mục tiêu lạm phát, tạo dư địa mở rộng kích thích. Tuy nhiên mặt bằng lãi suất chuẩn hiện đã ở mức gần 0%. Thậm chí ở một số nền kinh tế trong nhóm phát triển như Nhật, Eurozone lãi suất thực (lãi suất danh nghĩa cộng với lạm phát) đã ở mức dưới 0% trong một khoảng thời gian khá dài. Hơn nữa trong dự báo được công bố sau cuộc họp của FOMC hôm 17/9, lạm phát của Mỹ trong 3 năm tới vẫn sẽ nằm trong phạm vi 2% chứ chưa nói đến mức 4%.

Như đã đề cập ở bài viết trước có tựa đề "QE cho mọi người" - Giải pháp cho cuộc khủng hoảng tiếp theo?" , trong bối cảnh hiện nay các nước có thể sử dụng chương trình nới lỏng định lượng mở rộng hơn so với các gói QE hiện nay. Theo Andrew Haldane, có 2 biện pháp chọn lựa khác cũng khá độc đáo, những phương pháp này sẽ loại bỏ vấn đề về giới hạn mặt bằng lãi suất đã quá thấp hiện nay, đó là tiền: “Tiền tệ số” hay còn gọi là Cryptocurrency và “Tiền cứu trợ trực tiếp tới người tiêu dùng” hay còn gọi là Helicopter money.

Tiền tệ số từng được giới thiệu khái niệm lần đầu vào năm 1998 với hệ thống mang tên Bit Gold và tới 2009 Bitcoin là loại tiền số đầu tiên được giao dịch phi tập trung – không chịu kiểm soát của bất cứ ngân hàng nào, chính phủ nào. Các loại tiền tệ số dựa vào các thuật toán để tự xây dựng tính đảm bảo, giá trị cho riêng nó. Tính bảo mật thuật toán cao chính là thứ tạo nên giá trị cho các loại tiền tệ số hiện nay. Tuy nhiên rủi ro lớn nhất là các thuật toán có thể bị giải mã và đồng tiền này cũng không có sự bảo lãnh của chính phủ.

Andrew Haldane có vẻ đồng cảm một cách đáng ngạc nhiên với việc cấm sử dụng các loại tiền vật lý trong lưu thông và ủng hộ việc buộc người dân sử dụng các loại tiền điện tử nhưng được chính phủ bảo lãnh. Điều này về mặt lý thuyết sẽ tỏ ra khá hiệu quả trong hoạt động điều hành chính sách tiền tệ vì chính phủ kiểm soát hoàn toàn số lượng tiền tệ trong lưu thông. Trong trường hợp lãi suất âm cũng không rơi vào bẫy thanh khoản vì Chính phủ có thể đánh thuế triệt để lên số tiền này.

Tuy nhiên, biện pháp này khó trở thành hiện thực trong một thời gian dài, vì phần lớn người dân sẽ không chuyển từ việc giữ tiền giấy – chính xác hơn là tiền vật lý sang dưới dạng tiền điện tử. Hơn nữa biện pháp này cũng có thể gây chia rẽ “một cách dai dẳng” về mặt chính trị giữa những người ủng hộ sử dụng tiền điện tử và những người ủng hộ tiền vật lý vì tiền tệ là thứ thiết yếu trong cuộc sống.

Vậy lựa chọn còn lại cuối cùng có thể là Helicopter money, biện pháp bơm tiền có thể gây ra mức thâm hụt ngân sách cao hơn. Hay nói cách khác, chính phủ sẽ dùng tiền ngân sách để mua hàng hóa và dịch vụ (thông qua việc gửi tiền dưới dạng chi phiếu – séc trực tiếp tới tay người dân) thay vì mua các tài sản tài chính. Tiền được bơm trực tiếp vào hoạt động kinh tế thay vì vào các ngân hàng.

Cho đến thời điểm này Helicopter money chưa nhận được ủng hộ công khai bởi bất kỳ NHTW nào vì bị xem như một nguyên nhân sẽ gây ra lạm phát mất kiểm soát trong dài hạn. Tuy nhiên, nó lại đang nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà kinh tế nổi tiếng.

Adair Turner sắp cho ra mắt một cuốn sách mới có tựa đề Between Debt and the Devil: Money, Credit, and Fixing Global Finance Hardcover (tạm dịch: Nợ và quỷ dữ: Tiền tệ, tín dụng và sửa chữa hệ thống tài chính toàn cầu) nói về Helicopter Money và những chủ đề kinh tế vĩ mô khác. Những nhà kinh tế trường phái Keynes như Paul Krugman giờ đẩy có vẻ ít phản đối biện pháp này hơn trước đây. Và một số các NHTW cũng đang bắt đầu đưa biện pháp này ra để thảo luận.

Biện pháp này có thể gặp phải một số phản đối nếu được áp dụng dưới dạng như một kiểu chi tiêu công thông thường của chính phủ, tức là đơn giản bơm tiền cho người dân sử dụng, chi tiêu. Nhưng nếu được áp dụng dưới dạng như một kiểu hỗ trợ cắt giảm thuế, mà cụ thể là thuế thu nhập, rất có thể biện pháp sẽ nhận được sự ủng hộ lớn và tạo ra hiệu quả tích cực.

Và tất nhiên, Helicopter Money cũng có những vấn đề đi kèm khi thực hiện, đó là việc khó xác định hay áp dụng một liều lượng chính xác để có thể vừa kích thích đủ vừa không gây ra áp lực lạm phát. Hơn nữa, vì ảnh hưởng đến tính độc lập của các NHTW (thuế nằm trong phạm vi của sách tài khóa), biện pháp này có thể gặp gián đoạn vì yếu tố chính trị - đảng phái.

Rõ ràng là không có biện pháp nào trong số các biện pháp trên đây có thể kiểm soát, chống lại được một cuộc suy thoái khác mà lại không đi kèm với các vấn đề “nóng và phức tạp”. Vì vậy các thị trường tài chính và các nền kinh tế trên toàn cầu chỉ có thể hy vọng quyết định thắt chặt chính sách tiền tệ trong năm nay hoặc trong tương lai gần được FED đưa ra dựa trên những đánh giá đúng đắn.

 

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên