MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Hồng Kông bất an trước "sóng lớn" từ Trung Quốc

27-08-2015 - 10:11 AM | Tài chính quốc tế

Gần 1 năm trước, những ảnh hưởng chính trị từ Bắc Kinh là nguyên nhân gây nên phong trào biểu tình ảnh hưởng đến "danh tiếng quốc tế" của Hồng Kông. Bây giờ, giống như nhiều nền kinh tế khác, kinh tế Hồng Kông lại đang bị ảnh hưởng bởi đà giảm tốc của kinh tế Trung Quốc.

Hồng Kông cũng đang phải đối phó với một danh sách dài các vấn đề bất ổn kinh tế. Lượng du khách tới Hồng Kông giảm khá mạnh, trong khi việc neo đồng dollar Hồng Kông (HKD) vào USD cũng khiến thành phố này trở thành một trong những nơi đỏ nhất châu Á khi USD đang ngày càng mạnh lên. Tuy nhiên, Hồng Kông đang đứng trước một thách thức lớn hơn: cơn bão từ sự mất niềm tin vào nền kinh tế của Trung Quốc.

Đó là những lý do thích hợp nhất để giải thích cho việc sụt giảm 9% của chỉ số chứng khoán Hồng Kông Hang Seng Index kể từ khi Trung Quốc phá giá Nhân Dân Tệ ngày 11/8. Việc bán tháo đẩy giá trị vốn hóa của chỉ số chứng khoán Hồng Kông so với các chỉ số chứng khoán toàn cầu xuống mức thấp nhất kể từ năm 2003 và điều này đang lái chứng khoán Hồng Kông đi theo một quỹ đạo giống nhau như chỉ số chứng khoán KSE của Pakistan - nơi cũng đang vật lộn với những bất ổn chính trị lẫn kinh tế trầm trọng.

Tạp chí Forbes trong nhiều năm qua đặt ra câu hỏi liệu có phải nền kinh tế - hệ thống tài chính của Hồng Kông vẫn là con ngỗng đẻ trứng vàng của Trung Quốc? Sau đó là những quan ngại về bất ổn chính trị sẽ phá vỡ tình trạng đặc khu tự trị về kinh tế lẫn chính trị của Hồng Kông. Nơi này được tách biệt hoàn toàn về mặt chính trị với chính quyền Bắc Kinh kể từ khi thỏa thuận được ký kết năm 1990. Người Anh trao trả Hông Kông về cho Trung Quốc Đại Lục, đi kèm với việc chính phủ Trung Quốc sẽ để cho Hồng Kông tự chủ nền chính trị của mình trong vòng 50 năm sau khi trao trả. Tuy nhiên Trung Quốc đang đi ngược lại thỏa thuận này bằng việc can thiệp chính trị sớm hơn 25 năm. Sự can thiệp sớm này của chính quyền Bắc Kinh sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới hoạt động đầu tư tài chính vào Hồng Kông khi mà hệ thống luật pháp, quản lý bị ảnh hưởng từ Trung Quốc Đại Lục.

Hồng Kông là một đặc khu kinh tế hoàn hảo của Trung Quốc, ngoại trừ sự bất mãn đang tăng lên vì chênh lệch giàu nghèo. Hồng Kông có những tỷ phú hàng đầu thế giới nắm trong tay hầu hết các bất động sản, công việc kinh doanh chính, hải cảng của thành phố.

Nhưng mối đe dọa hiện hữu một cách rõ ràng nhất lúc này đó chính là nền kinh tế đang bất ổn của Trung Quốc. Sự suy yếu niềm tin vào nền kinh tế Trung Quốc đang khiến các nhà đầu tư tháo chạy khỏi Hồng Kông, trong khi việc phá giá Nhân Dân Tệ của Trung Quốc lại càng khiến Hồng Kông trở nên ít hấp dẫn hơn đối với khách du lịch từ Đại Lục tới, khi mà giá trở nên đắt đỏ hơn. Bộ trưởng kinh tế Hồng Kông, ông Tô Cẩm Lương đã đổ lỗi cho đồng USD đã gây ra sự sụt giảm 8,4% của lượng khách du lịch tới Hồng Kông. Và điều này ảnh hưởng trực tiếp tới tình hình kinh doanh của thành phố này khi mà doanh số bán lẻ cũng đã giảm tháng thứ 4 liên tiếp tính tới tháng 6 năm nay.

Trong nhiều năm nay các nhà kinh tế đã kêu gọi Hồng Kông đa dạng hóa các nguồn lực tăng trưởng kinh tế của mình thay vì chỉ tập trung vào mảng dịch vụ tài chính – du lịch. Hồng Kông cần nhiều hơn các công ty về khoa học và công nghệ, giảm bớt số lượng quỹ phòng hộ và các nhà phát triển bất động sản vốn đang chỉ lợi dụng tình hình tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ trước đó của Đại Lục để kiếm lợi trong ngắn hạn và bỏ đi khi có bất ổn xảy ra.

Có vẻ như Trưởng Quan hành chính Lương Chấn Anh (nhậm chức từ 2012) đã phung phí 3 năm của mình để nhún mình trước những nhà đầu tư thân với chính quyền Bắc Kinh, để họ đầu tư vào Hồng Kông, nhằm giúp cải thiện kinh tế của đặc khu. Nhưng những nhà đầu tư này lại dùng tiền có được từ việc làm ăn tại Đại Lục để đem đi đầu tư, vì vậy nguồn lực tăng trưởng của Hồng Kông cũng chứa đầy bất ổn và không bền vững.

Và cuối cùng thì việc tăng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cũng sẽ là một lo lắng rất lớn khác đối với Hồng Kông. Nhưng nếu các nhà đầu tư toàn cầu có nhiều niềm tin hơn vào chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, họ có thể nhìn nhận việc sụt giảm của Hồng Kông như một cơ hội để săn tìm các khoản đầu tư hời. Chỉ số chứng khoán Hồng Kông - Hang Sang Index đang được định giá ở mức P/E là 9,7 lần, tức thấp hơn khoảng 44% so với với chỉ số MSCI All-country World (chỉ số theo dõi mức tăng trưởng của các thị trường chứng khoán toàn cầu, chỉ số này được đo lường bởi Morgan Stanley).

Nếu như tăng trưởng của Trung Quốc giảm xuống còn 5% từ mức 7% như Trung Quốc công bố hiện nay, thì Hồng Kông sẽ nhận ra rằng vị thế của họ cũng chẳng khác Macao (đặc khu hành chính khác của Trung Quốc – thuộc địa của của Tây Nan Nha, nguồn kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào kinh doanh sòng bạc). Đặc khu hành chính Macao của Trung Quốc đã từng là nơi chịu nhiều thiệt hại nhất kể từ khi chiến dịch chống tham nhũng mạnh tay của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu, khiến rất nhiều quan chức tham nhũng, những người giàu lên một cách bất chính tại Trung Quốc Đại Lục tránh xa các sòng bạc của Macao, khiến nguồn doanh thu giảm sút đáng kể.

Về phần mình, Hồng Kông đang cảm thấy khó khăn hơn để thu hút hàng triệu người mua sắm từ Đại Lục tới đây hàng năm, trong khi đây là một trong những nguồn lực chính mà thành phố này dựa vào để tạo tăng trưởng.

Năm ngoái người dân Hồng Kông đã lên tiếng chỉ trích nặng nề những khách du lịch từ Đại Lục tới, và xu hướng này bị đẩy cao thành phong trào vào 31/12 năm ngoái, khi tờ Bưu điện buổi sáng Trung Quốc (SCMP) tại Hồng Kông đăng một bài báo với tiêu đề: “Khách du lịch Đại Lục chỉ có tiền, chứ không có đẳng cấp” nhằm chỉ trích những khách du lịch từ Trung Quốc Đại Lục là thiếu văn hóa. Ngay sau đó truyền thông Đại Lục đã đáp trả lại bằng các bài viết với đại ý chỉ trích những người Hồng Kông là những kẻ vô ơn khi kinh tế của họ dựa một phần không nhỏ từ những du khách từ Đại Lục tới. Và bây giờ những người Đại Lục lũ lượt kéo sang du lịch ở những nơi có chi phí rẻ hơn như Nhật Bản hay Đài Loan, thay vì chọn Hồng Kông như trước.

Có một câu thành ngữ của người phương Tây đó là không bao giờ nên “đặt tất cả trứng vào một rỏ” và trong trường hợp kinh tế của Hồng Kông cũng vậy, chính những gì các nhà lãnh đạo của Hồng Kông đã làm đang khiến kinh tế của đặc khu này lâm vào bế tắc trực tiếp từ ảnh hưởng của kinh tế Trung Quốc. Và lúc này đây, mỗi bước đi, chuyển động, diễn biến xảy ra tại Trung Quốc Đại Lục, thì điều tương tự cũng sẽ đồng thời xảy ra ở Hồng Kông và họ đều là những kẻ đang dẫn đầu xu thế của thế giới – xu thế của bất ổn, khủng hoảng – xu thế của sự sai lầm.

Tuấn Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên