MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi FED phải "bó tay" trước Trung Quốc

19-09-2015 - 09:34 AM | Tài chính quốc tế

Theo Financial Times, Trung Quốc đã phải chi khoảng 130 tỷ USD riêng trong tháng 8/2015 để hỗ trợ tỷ giá, còn hãng Nomura ước tính PBOC đã chi khoảng 47 tỷ USD từ đầu tháng 9 đến nay để can thiệp vào thị trường tiền tệ.

Theo chuyên gia kinh tế trưởng Willem Buiter của Citi Group, nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái thì Trung Quốc là thị trường khởi đầu cho xu thế này. Tuy đây chỉ là giả thuyết và ông Buiter cũng dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ không suy giảm mà chỉ tăng trưởng chậm lại ở mức dưới 3%, nhưng điều này cho thấy sự lo lắng của các chuyên gia, chính phủ các nước và nhà đầu tư đối với Trung Quốc.

Ngoài ra, ông Buiter cũng đồng tình với quan điểm của nhiều chuyên gia khác rằng tăng trưởng kinh tế thực sự của Trung Quốc chỉ đạt khoảng 4%, thấp hơn mức 7% được chính phủ dự đoán. Thậm chí tình hình còn có thể tồi tệ hơn.

Nguyên nhân được ông Buiter đưa ra là tỷ lệ đóng góp của mảng đầu tư trong tổng GDP của Trung Quốc quá cao, chiếm 46%, và với những biến động của thị trường tài chính hiện nay, khả năng đạt tăng trưởng 7% là không hề chắc chắn.

Hơn nữa, việc tăng cường đầu tư thường kéo theo tỷ lệ vay nợ cao. Trong trường hợp những khoản tiền đi vay không được quản lý đầu tư tốt khiến các dự án không sinh lời, các công ty Trung Quốc và chính quyền địa phương chắc chắn sẽ phải vay nợ nhiều hơn để có tiền đầu tư tiếp. Hậu quả là tỷ lệ nợ xấu tăng cao, khiến chi phí đi vay cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, việc quá phụ thuộc vào đầu tư trong khi đóng góp của thu nhập hộ gia đình và thị trường tiêu thụ vào tổng GDP ở mức thấp khiến kinh tế Trung Quốc dễ bị ảnh hưởng khi tăng trưởng đầu tư giảm tốc. Nguy hiểm hơn, khi có đến 1/3 tổng đầu tư toàn thế giới tính theo giá trị được đổ vào Trung Quốc, tác động từ thị trường tài chính của nước này sẽ lan rộng đến nhiều nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đức.

Một dẫn chứng nữa cho thấy kinh tế Trung Quốc giảm tốc có thể lây lan sang nhiều nước khác là thị trường hàng hóa. Nhu cầu hàng hóa suy giảm tại Trung Quốc đã khiến giá các loại sản phẩm này giảm mạnh trong thời gian qua. Dù giá hàng hóa vẫn chưa chạm mức đáy trong lịch sử nhưng với mức giá hiện tại thì nhiều nước cũng đã chịu ảnh hưởng lớn.

Các quốc gia xuất khẩu hàng hóa chính như Australia, Brazil, Canada, các nước xuất khẩu dầu Trung Đông, Nga và Venezuela bị tổn thương nặng khi nhu cầu tại Trung Quốc giảm, nhưng những nước nhập khẩu hàng hóa như Ấn Độ và Châu Âu lại được hưởng lợi.

Trên thị trường tín dụng, việc kinh tế Trung Quốc giảm tốc làm gia tăng rủi ro tài chính và khiến nhiều ngân hàng buộc phải cắt giảm cho vay, qua đó gián tiếp làm suy yếu nền kinh tế. Tồi tệ hơn, việc phá giá Nhân dân tệ của chính quyền Bắc Kinh đã gây tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư cũng như các nhà hoạch định chính sách trên thế giới. Nhiều đối tác thương mại lớn với Trung Quốc đã phải điều chỉnh tỷ giá, trong khi đồng USD lại tăng giá thời gian qua.

Khi mới bắt đầu kế hoạch thả nổi có điều chỉnh Nhân dân tệ, các nhà hoạch định chính sách khá tự tin với khoản dự trữ 3,6 nghìn tỷ USD và cho rằng đồng tiền này không dễ dàng bị đầu cơ tỷ giá như trường hợp đồng Real của Brazil từ đầu năm 2015 đến nay. Tuy nhiên, những tác động mạnh khi Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBOC) điều chỉnh cách điều hành tỷ giá ngày 11/8 đã khiến các quan chức bất ngờ.

Theo Financial Times, nước này đã phải chi khoảng 130 tỷ USD riêng trong tháng 8/2015 để hỗ trợ tỷ giá, còn hãng Nomura ước tính PBOC đã chi khoảng 47 tỷ USD từ đầu tháng 9 đến nay để can thiệp vào thị trường tiền tệ. Hiện các chuyên gia đang nghi vấn chính phủ Trung Quốc có thể duy trì sự hỗ trợ này đến khi nào và điều gì sẽ xảy ra khi tình hình vượt quá tầm kiểm soát?

Hậu quả từ những động thái trên của chính quyền Bắc Kinh là rất lớn. Các dòng vốn nước ngoài sẽ rút khỏi Trung Quốc cũng như các thị trường mới nổi khác nhằm giảm rủi ro đầu tư và tập trung vào các nền kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, nhiều nước có tỷ lệ nợ bằng ngoại tệ cao sẽ gặp khó khăn khi thanh toán nợ. Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) cho biết tổng nợ của các ngành phi ngân hàng ngoài nước Mỹ tính đến cuối tháng 3/2015 đã đạt 9,6 nghìn tỷ USD.

Tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc, những khó khăn trong nền kinh tế chắc chắn sẽ làm xói mòn kho dự trữ ngoại hối nếu chính phủ không có biện pháp giải quyết thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối không phải “cây đũa thần” khi nhiều nước mới nổi không có được lượng dự trữ dồi dào như Trung Quốc.

Thậm chí, chính quyền Bắc Kinh cũng không thể sử dụng hết 3,6 nghìn tỷ dự trữ ngoại hối bởi nước này còn cần tài trợ cho các dự án như ngân hàng AIIB hay Con đường Tơ lụa. Rắc rối hơn, số tiền sự trữ khả dụng ngay lập tức trong kho dự trữ ngoại hối cũng không phải là nhiều bởi hầu hết chính phủ các nước tích trữ một phần ngoại tệ thông qua nắm giữ trái phiếu, cổ phiếu hay các loại tài sản khác.

Việc Trung Quốc nắm giữ lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ hiện đang trở thành mối lo cho chính quyền Washington. Trong trường hợp chính quyền Bắc Kinh cần tiền, họ buộc phải bán trái phiếu Mỹ để thu về đồng USD hỗ trợ thị trường, qua đó tác động đến thị trường tín dụng cũng như lãi suất tại Mỹ.

Trong thông báo ngày 17/9, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen không nêu đích danh Trung Quốc là lý do hoãn nâng lãi suất, nhưng cho thấy quan điểm rằng kinh tế nước này đã khiến các quan chức Mỹ phải lo ngại và có thể tiếp tục là nguyên nhân trì hoãn FED thắt chặt chính sách tiền tệ.

Rõ ràng, tình hình kinh tế Trung Quốc tồi tệ hơn những tuyên bố của các quan chức nước này, ngay cả đến FED cũng phải xem xét nghiêm túc đến ảnh hưởng của nước này đến kinh tế Mỹ. Theo Financial Times, sự tự tin kiểm soát tình hình của chính quyền Bắc Kinh đang dần xói mòn.

Động thái đi xuống của nhiều thị trường chứng khoán sau tuyên bố ngày 17/9 của FED cho thấy nhà đầu tư cũng đã nhận ra tính nghiêm trọng của vấn đề. Hiện nhiều chuyên gia đang nghi vấn nếu kinh tế Trung Quốc ngày càng đi xuống từ nay đến cuối năm, liệu FED vẫn sẽ nâng lãi suất hay lại tiếp tục hoãn một lần nữa?

Theo Hoàng Nam

Người đồng hành

Trở lên trên