PMI của Trung Quốc thấp nhất kể từ 2009
PMI là chỉ số kinh tế đầu tiên của tháng 8 được công bố, sau khi các số liệu về đầu tư, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và xuất khẩu của tháng 7 đều yếu hơn dự báo.
Chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của Trung Quốc đã bất ngờ rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 6 năm trở lại đây, cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới tiếp tục cần đến những biện pháp kích thích để ngăn chặn kịch bản suy giảm sâu hơn.
Theo báo cáo vừa được tạp chí Tài Tân và Markit Economics công bố, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tạm tính của Trung Quốc ở mức 47,1 điểm trong tháng 8, thấp hơn mức dự báo 48,2 điểm được đưa ra trước đó và cũng thấp hơn mức 47,8 điểm của tháng trước. Chỉ số dưới 50 điểm thể hiện hoạt động sản xuất đang bị thu hẹp.
PMI là chỉ số kinh tế đầu tiên của tháng 8 được công bố, sau khi các số liệu về đầu tư, sản lượng công nghiệp, doanh số bán lẻ và xuất khẩu của tháng 7 đều yếu hơn dự báo. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã đẩy mạnh nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng để có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng 7% mà Thủ tướng Lý Khắc Cường đã đề ra.
Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn gặp phải rất nhiều “làn gió ngược” như tình trạng dư thừa trong sản xuất công nghiệp và một thị trường chứng khoán bấp bênh. Chỉ số giá sản xuất đã giảm sâu hơn trong tháng trước, trong khi lạm phát tiêu dùng đang bằng một nửa so với mức mục tiêu của Chính phủ.
PMI tạm tính là chỉ số đo lường hoạt động sản xuất của một nền kinh tế, được tính toán dựa trên khảo sát tại hơn 420 công ty. Chỉ số cao hơn mốc 50 điểm có nghĩa là hoạt động sản xuất được mở rộng, trong khi dưới mức 50 điểm là hoạt động sản xuất bị thu hẹp.