Quyền đàm phán nhanh (TPA): Cơ và hội cho TPP
TPA được coi là một thắng lợi của ông Obama, vì nhờ đó có thể loại trừ sự can thiệp, cản trở hoặc chống phá từ phía các dân biểu trong quốc hội vào quá trình đàm phán về TPP.
- 25-05-2015WSJ: Đàm phán TPP sắp về đích
- 20-05-2015Hỏi đáp từ A đến Z về TPP
- 17-04-2015Ông Obama được trao quyền để hoàn tất đàm phán TPP
- 08-04-2015TPP: Khoảng trống về "thao túng tiền tệ"
Với đa số áp đảo, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật cho phép tổng thống Mỹ Barack Obama quyền hạn lớn hơn để chủ động thúc đẩy quá trình đàm phán với 11 nước khác thành lập khuôn khổ hợp tác Quan hệ đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Luật này còn được gọi theo tên khác là "Quyền đàm phán nhanh" (TPA). Thực chất ở đây là quốc hội cho phép chính phủ tiến hành đàm phán và đệ trình kết quả đàm phán để thông qua trong quốc hội. Khi ấy, quốc hội chỉ có thể thông qua hoặc bác bỏ tất cả chứ các vị dân biểu không được bổ sung hay sửa đổi và cũng không được sử dụng những thủ thuật về kỹ thuật hay trình tự để trì hoãn việc phê chuẩn hay bác bỏ.
Thắng lợi của ông Obama
Bộ luật này được coi là một thắng lợi của ông Obama, vì nhờ đó có thể loại trừ sự can thiệp, cản trở hoặc chống phá từ phía các dân biểu trong quốc hội vào quá trình đàm phán về TPP. Vì quốc hội phải phê chuẩn hoặc bác bỏ cả gói kết quả đàm phán chứ không phải từng phần trong đó, nên chính phủ Mỹ có phạm vi hoạt động rộng hơn trong đàm phán với các đối tác và dễ dàng dung hoà hơn với các vị dân biểu.
Thắng lợi của ông Obama đồng nghĩa với bước nhượng bộ rất cơ bản và mang tính nguyên tắc đối với quốc hội Mỹ. Nó phản ánh tâm trạng của các vị Thượng nghị sỹ Mỹ hiện bị giằng xé giữa thể hiện uy quyền đối với ông Obama và lo ngại nước Mỹ sẽ bị chậm chân và thua thiệt nếu quốc hội cản trở chính phủ đàm phán về TPP hay trì hoãn phê chuẩn kết quả đàm phán về TPP. Nói theo cách khác, họ bị giằng xé về tâm lý giữa không muốn vội vã với tiến trình TPP và lo ngại là nếu không thúc đẩy đàm phán về TPP thì sẽ sắp bị muộn.
Cơ và hội
Về TPP, Mỹ tiến hành đàm phán với 11 nước khác là Australia, Brunei, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Canada, Mexico, New Zealand và Peru. Nhưng đồng thời Mỹ còn tiến hành đàm phán với EU về quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương về thương mại và đầu tư (TTIP). Trên thực tế có cuộc chạy đua không chính thức giữa hai khuôn khổ đàm phán này bởi khuôn khổ đàm phán nào chậm sẽ kết thúc khó khăn hơn. Về phương diện chiến lược, Mỹ phải coi trọng TPP hơn vì TPP bao trùm khu vực địa lý có Trung Quốc mà Trung Quốc không tham gia. Nếu gây dựng được vai trò chủ đạo trong TPP, Mỹ sẽ có thêm công cụ và tập hợp lực lượng mới mà nếu không để đối phó Trung Quốc thì cũng bất lợi đối với Trung Quốc. Cũng vì thế mà luật mới này rồi cuối cùng cũng sẽ được Hạ viện Mỹ thông qua.
Đối với tất cả 11 đối tác tham gia đàm phán với Mỹ về TPP, quyền hạn đàm phán lớn hơn cho chính phủ Mỹ đồng nghĩa với cả cơ hội mới và thách thức không nhỏ. Cơ hội để đàm phán thực chất hơn và nhanh chóng hơn. Thách thức là phải kết thúc đàm phán trước khi người kế nhiệm ông Obama nhậm chức đầu năm 2017. Trong chuyện này, chơi đến cùng ván bài đang chơi với đối thủ cũ dễ dàng hơn nhiều so với chơi ván bài mới với đối thủ mới. Điều này rất quan trọng đối với Việt Nam.