MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tim Geithner - người hóa giải khủng hoảng tài chính

01-06-2015 - 00:00 AM | Tài chính quốc tế

Trong một nhà hàng Ấn Độ nằm giữa New York với những món ăn truyền thống tuyệt vời. cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ giãi bày về khủng hoảng kinh tế, về những rủi ro trong tương lai, cách chế ngự một cuộc khủng hoảng và những ảo tưởng bao lâu nay.

"Ăn trưa với FT" (Lunch with the FT) là chuyên mục đặc biệt của tờ báo nổi tiếng trong giới tài chính Financial Times. Các phóng viên của FT sẽ có bữa trưa kết hợp phỏng vấn với những nhân vật có ảnh hưởng lớn trên thế giới hiện nay. Trong bài báo này, nhân vật mà cây bút kỳ cựu Martin Wolf của FT phỏng vấn là Tim Geithner - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ. Chúng tôi xin lược dịch và giới thiệu tới bạn đọc.

Tôi tới nhà hàng Bukhara Grill nằm ở Manhattan vào lúc 11 rưỡi. Nhà hàng không có nhiều khách và tôi được chỉ đến một bàn nằm gần lối vào, chờ đợi người khách đặc biệt của mình. Tôi và cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Tim Geithner đã cố gắng sắp xếp một cuộc hẹn sớm sủa để có nhiều thời gian trò chuyện hơn.

Geithner là người chọn nhà hàng này. Anh biết khá rõ về ẩm thực Ấn Độ vì đã sống ở đó suốt 5 năm khi còn là một đứa trẻ. Tôi biết anh từ giữa những năm 1990, khi anh là một công chức trẻ tuổi làm việc dưới quyền Lawrence Summers tại Bộ Tài chính. Từ thời đó Geithner đã là người mà các lãnh đạo kỳ vọng sẽ có khả năng giải quyết những mớ hỗn độn.

Người chuyên đi gỡ rối khủng hoảng tài chính

Những “mớ bòng bong” mà Geithner giải quyết rất tốt chính là các cuộc khủng hoảng tài chính. Trong những năm 1990, anh phải đương đầu với các cuộc khủng hoảng của Mexico và châu Á. Là Chủ tịch Fed New York từ năm 2003 đến 2009, Geithner là Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Obama và là trung tâm của những nỗ lực đương đầu với cuộc khủng hoảng tài chính ập đến nước Mỹ năm 2009 và những năm sau đó.

Theo quan điểm của riêng tôi, những người (trong đó có Geithner) đối đầu với khủng hoảng có thể mắc những sai lầm nghiêm trọng nhưng cũng là những người giải cứu thế giới khỏi một cuộc khủng hoảng khác. Lý do chúng tôi hẹn gặp ngày hôm nay là cuốn sách mới xuất bản của Geithner. Cuốn sách có tựa đề “Stress Test: Reflections on Financial Crises” (tạm dịch: Các bài kiểm tra khủng hoảng – tấm gương phản chiếu khủng hoảng tài chính) được coi là một lời phản pháo của anh.

Geithner đến muộn một vài phút và chúng tôi có một màn chào đón nồng nhiệt. Trông anh vẫn còn khá trẻ so với độ tuổi 52.

Người phục vụ đi tới để chúng tôi gọi món. Tôi gọi đồ uống là lassi (lassi là món đồ uống truyền thống của Ấn Độ, gồm sữa chua và hoa quả nghiền). Geithner gọi món gà sốt bơ makhani và kulcha (một món làm từ hành. Ngoài ra còn có món gà malai kabab (nấu với kem) ăn cùng bánh mì naan. Các món ăn được đưa ra rất nhanh và cũng rất ngon.

Tháng trước, Geithner đảm nhiệm vai trò mới là Chủ tịch của Warburg Pincus, một công ty vốn cổ phần tư nhân trên phố Wall. Tôi bắt đầu cuộc trò chuyện bằng câu hỏi về cuộc sống của anh sau khi rời nhiệm sở. Anh có gặp nhiều khó khăn khi điều chỉnh không? “Tôi đã dành nhiều thời gian chuẩn bị và suy nghĩ. Tôi dành cả 1 năm để viết sách và nghĩ về những gì tôi đã làm. Tuy nhiên tôi cũng đã có tới 10 chuyến đi du lịch cùng vợ và điều này thật tuyệt vời”.

Tôi nói với Geithner rằng thật là một sự trùng hợp hoàn hảo khi cuốn sách của anh ra đời đúng với thời điểm cả thế giới bàn luận sôi nổi về cuốn sách “Tư bản thế kỷ 21” của Thomas Piketty. “Tôi viết cuốn sách là vì tôi muốn giải thích những điều chúng tôi đã làm và cố gắng lý giải tại sao những cơn hoảng loạn sẽ khác nhau, tại sao chúng ta phải có những phản ứng khác nhau và chúng tôi muốn làm gì trong dài hạn’, Geithner nói.

Vậy thông điệp được đưa ra là gì? “Uhm ... các cuộc khủng hoảng tài chính đều gây ra những hậu quả khủng khiếp. Tuy nhiên loài người không có khả năng hạn chế những tổn thất. Bạn cần những đệm đỡ để giảm thiểu cú sốc mà ví dụ là bơm thêm vốn. Nhưng bạn cũng phải “trang bị bộ công cụ và sử dụng chúng đúng cách. Tôi nghĩ điều khó khăn nhất là phải hiểu rằng chúng ta cần đến những phản ứng rất khác nhau cho những cuộc khủng hoảng khác nhau thay vì dập khuôn máy móc”.

Đối với những cuộc khủng hoảng thông thường, bạn chỉ chờ cơn bão qua đi và không quan tâm đến sự thất bại của từng doanh nghiệp riêng rẽ. Lầm tưởng lớn nhất mà thế giới đã mắc phải là lo lắng quá nhiều cho các ngân hàng thay vì nhận ra rằng nếu bạn để đất nước rơi vào tình trạng dễ bị tổn thương khi hệ thống sụp đổ, từng cá nhân sẽ bị thiệt hại nặng nề.

“Thị trường tài chính Mỹ đã có 50 – 70 năm bình lặng, từ đó nuôi dưỡng sự tự tin thái quá. Những điều kiện này khiến hai thứ nguy hiểm xảy ra. Thứ nhất là một giai đoạn dài nền kinh tế tăng trưởng quá nhanh, đồng thời nợ cũng tăng quá nhanh so với thu nhập. Thứ hai, ở Mỹ, phần lớn rủi ro kết thúc ở bên ngoài phần cốt lõi của hệ thống ngân hàng.

Tôi chuyển sang chủ đề mới: cuộc khủng hoảng vừa xảy ra và dường như đã được giải quyết. Có phải các nhà hoạch định chính sách đã phản ứng quá chậm chạp? Theo quan điểm của Geithner, “chúng ta phản ứng chậm chạp phần lớn là bởi còn bị hạn chế về công cụ. Chỉ đến khi mọi người hoảng loạn đến mức muốn tìm đến cái chết, chúng ta mới được phép làm điều cần làm”.

Tôi bổ sung thêm một nguyên nhân: mọi người đã quên đi cuộc Đại suy thoái vì họ không hiểu biết nhiều về thời kỳ này. “Đại suy thoái là cuộc khủng hoảng từ thời ông bà chứ không phải bố mẹ chúng ta”.

“Hoàn toàn chính xác”, Geithner nói. “Nhưng chúng ta đang có lợi thế vì đang ở trong một thế giới toàn cầu hóa. Larry [Summers] và tôi đã sống và chứng kiến rất nhiều cuộc khủng hoảng. Larry được coi là “kiến trúc sư” áp dụng thành thạo học thuyết Powell về những cơn hoảng loạn tài chính. Chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm và sử dụng chúng ở nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới”.

Hài lòng với cuộc sống hiện tại

Một chủ đề không kém phần hấp dẫn trong cuộc chuyện trò của chúng tôi là về “cánh cửa xoay” giữa Bộ Tài chính Mỹ và phố Wall. “Mọi người sẽ bàn tán về việc trước đây anh là người đứng đầu Bộ Tài chính và hiện nay đang kết hợp nhuần nhuyễn với phố Wall?”, tôi nói.

“Hầu hết mọi người nghĩ rằng tôi đến từ phố Wall”, Geithner giãi bày. Có vẻ như tất cả mọi người đều nghĩ rằng bất cứ ai làm ở vị trí cấp cao phụ trách kinh tế đều sẽ là nhân viên cũ của Goldman Sachs. “Tôi đã làm việc cho chính phủ gần như cả đời và tôi yêu thích công việc đó. Tuy nhiên, tôi biết rằng mình không thể làm được công việc này mãi mãi và tôi sẽ làm điều gì đó khác biệt. Vì thế tôi đã quyết định sẽ không làm việc trong bất cứ công ty nào mà tôi từng quản lý hay cứu trợ. Tôi cũng chọn những doanh nghiệp có danh tiếng về đạo đức”.

Hiện nay Geithner đang sống theo cách không “dính lứu” tới bất kỳ cuộc khủng hoảng nào và đã có thể về nhà đúng giờ. “Đôi lúc tôi cảm thấy bản thân đang sống trong một thảm kịch khi hôm nào cũng về muộn. Giờ đây tôi có thể cho những thành viên trong gia đình nhiều riêng tư hơn vì tôi không còn là người của công chúng nữa”.

Thu Hương

Financial Times

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên