MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

TPP - Lực đẩy cho hàng "Made in Vietnam"

19-10-2015 - 12:27 PM | Tài chính quốc tế

Cùng với viễn cảnh tươi sáng nhờ TPP, chi phí nhân công tăng quá nhanh và tình trạng thiếu hụt lao động trẻ ở Trung Quốc đang làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam trong mắt đầu tư nước ngoài.

Vùng đất nằm ở phía Nam TP Hồ Chí Minh với những cánh đồng dứa và vườn xoài trĩu quả là nơi mà bạn có thể quan sát hoạt động thương mại toàn cầu đang xoay chiều như thế nào.

Thời gian gần đây, ở vùng đất này đã mọc lên nhiều nhà máy công suất lớn sản xuất hàng hóa cho những công ty đến từ phương Tây như hãng chuyên sản xuất đồ thể thao Nike. Họ đang tận dụng lực lượng lao động trẻ tuổi với mức chi phí nhân công chỉ bằng một nửa nhân công ở Trung Quốc.

Vốn là một tỉnh thuần nông nằm ngay gần thành phố đông dân nhất cả nước, Long An hiện giờ có hơn một chục khu công nghiệp. Tính đến tháng 5 vừa qua, tỉnh này đã thu hút được 3,67 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài. Khoảng 40% đổ vào lĩnh vực dệt may.

Các chuyên gia cho rằng ngành sản xuất ở đây còn lớn mạnh hơn nữa nếu Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) được Quốc hội 12 nước thông qua. TPP sẽ xóa bỏ những rào cản thương mại giữa các thành viên và các nền kinh tế đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu như Việt Nam hay Malaysia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất.

“Thật tuyệt vời nếu TPP có hiệu lực”, Frank Frank Smigelski, Phó Chủ tịch của Avery Dennison, nói. Hồi tháng 7, Avery Dennison - một trong những công ty sản xuất tem nhãn lớn nhất thế giới – vừa khai trương nhà máy mới rộng gần 3ha ở Long An. Bên trong nhà máy này, những chiếc mác cho sản phẩm của Uniqlo hay The North Face đang được sản xuất với số lượng lớn.

Chi phí nhân công tăng quá nhanh và tình trạng thiếu hụt lao động trẻ ở Trung Quốc đang làm tăng sức hấp dẫn của Việt Nam. Theo Viện nghiên cứu Peterson, nếu TPP được thông qua, Việt Nam có thể là nền kinh tế được hưởng lợi nhiều nhất vì có thể bước vào nhiều thị trường rộng lớn có sức tiêu thụ mạnh mẽ. Xuất khẩu của các ngành chủ chốt là dệt may và da giày (cũng là những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ TPP) có thể tăng 46%, lên 165 tỷ USD vào năm 2025.

Trong khi đó chuyên gia Chris Clague đến từ Economist Intelligence Unit nhận định Việt Nam sẽ có được lợi thế rất lớn trên thị trường Mỹ và Nhật Bản.

Còn hãng kiểm toán PricewaterhouseCoopers nhận định nếu các rào cản được dỡ bỏ, dòng tiền đầu tư nước ngoài có thể biến Việt Nam thành một trong hai nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trên toàn thế giới trong giai đoạn từ nay đến 2050.

Ở Long An, nhà máy 3 tầng của Avery Dennison đang ráo riết chuẩn bị để chào đón những đơn đặt hàng mới. Những ngôi nhà bê tông dành cho công nhân đang mọc lên giữa những cánh đồng cỏ lau.

Smigelski cho biết khu sản xuất ở Long An vẫn đáp ứng được nhu cầu tăng trưởng của Avery Dennison đến năm 2020, nhưng công ty này sẽ xem xét mở rộng thêm nữa nếu TPP đem lại nhiều cơ hội mới.

Avery Dennison và các doanh nghiệp dệt may khác có thể hưởng lợi bao nhiêu từ TPP sẽ phụ thuộc rất nhiều vào những chi tiết cuối cùng được chốt lại. Nhiều chuyên gia phân tích dự báo TPP sẽ bao gồm nguyên tắc “từ sợi trở đi”, tức là các sản phẩm dệt may của Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu hoàn toàn từ trong nước hoặc từ một nước thành viên khác nếu muốn hưởng ưu đãi ở các thị trường khác.

Quy định này sẽ gây khó cho các doanh nghiệp Việt vì hiện họ đang nhập khẩu bông và sợ từ Trung Quốc hay các nước khác không phải là thành viên của TPP. Mặc dù vậy, Smigelski cho rằng trong dài hạn quy định này không hề bất lợi. Thậm chí quy tắc xuất xứ nghiêm ngặt hơn có thể giúp ngành dệt may của Việt Nam phát triển hơn. Avery Dennison đã bắt đầu làm những công việc phức tạp hơn tại nhà máy ở Việt Nam.

Avery Dennison đánh giá tay nghề của công nhân đã tăng lên qua từng năm, và các điều kiện ở Việt Nam đã đpas ứng được quá trình sản xuất phức tạp hơn. “Trung Quốc mất 30 năm để đạt được bước tiến này nhưng ở Việt Nam chỉ cần 10 năm. Đó là lý do tại sao ngày càng có nhiều công ty đặt cược vào Việt Nam”, Smigelski nói.

Thu Hương

WSJ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên