MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vì sao chứng khoán Trung Quốc một lần nữa "gục ngã"?

27-11-2015 - 19:00 PM | Tài chính quốc tế

Một số trong các công ty môi giới chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc bị điều tra là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường giảm điểm.

Hôm nay (27/11), TTCK Trung Quốc đã có phiên giảm điểm mạnh nhất kể từ cuối tháng 8, khi “cơn sóng thần” cuốn trôi hơn 5.000 tỷ USD vốn hóa.

Kết thúc phiên hôm nay, chỉ số Shanghai Composite Index giảm 5,5%. Chỉ số đo lường mức độ biến động của thị trường vốn đang ở mức thấp nhất kể từ tháng 3 cũng tăng vọt.

Một số trong các công ty môi giới chứng khoán lớn nhất của Trung Quốc bị điều tra là nguyên nhân lớn nhất khiến thị trường giảm điểm. Citic và Guosen đều cho biết đã nhận được thông báo điều tra từ Ủy ban chứng khoán Trung Quốc (CSRC). Ngoài Citic và Guosen, Haitong Securities – công ty đang có cổ phiếu bị ngừng giao dịch – cũng đang bị điều tra.

Kết quả là nhóm các cổ phiếu tài chính trong chỉ số CSI 300 giảm 5%. Cổ phiếu của hai trong số những công ty chứng khoán lớn nhất là Citic Securities và Guosen Securities đều giảm kịch sàn.

Thời gian gần đây, một loạt cá nhân và tổ chức đã bị cơ quan quản lý sờ gáy. Theo Bloomberg thống kê, đã có ít nhất 16 nhân vật (từ các quan chức ngành tài chính, lãnh đạo công ty chứng khoán cho tới nhà giao dịch) đã bị điều tra hoặc thậm chí là bắt giam. Giới phân tích cho rằng ngoài mục đích đẩy mạnh chiến dịch chống tham nhũng, Trung Quốc cũng đang cố gắng tìm ra nguyên nhân cho cơn bán tháo hồi mùa hè.

Theo Tân Hoa Xã đưa tin, Cheng Boming - Chủ tịch của Citic – là một trong số 7 lãnh đạo của công ty này đang bị điều tra. Hôm đầu tuần, Guotai Junan International Holdings cũng cho biết không thể liên lạc được với Chủ tịch và sau đó cổ phiếu của hãng này đã giảm tới 12%.

Ngoài tin xấu liên quan đến bắt bớ, thị trường còn phải đón nhận những thông tin tiêu cực về nền kinh tế: sản lượng công nghiệp của Trung Quốc suy giảm 4,6% trong tháng 10. Tháng trước đó, mức giảm chỉ là 0,1%. Với thông tin tiêu cực này, nhóm các cổ phiếu công nghiệp và các công ty sản xuất hàng hóa mất hơn 6% trong phiên hôm nay.

Thêm vào đó, thể trạng không khỏe mạnh của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đè nặng lên các doanh nghiệp Trung Quốc. Công ty hóa chất Jiangsu Lvling Runfa phải yêu cầu bên bảo lãnh hoàn trả 53,1 triệu nhân dân tệ tiền gốc và lãi của khoản trái phiếu đáo hạn vào ngày 4/12 sắp tới, trong khi Sichuan Shengda Group cũng thông báo về nguy cơ vỡ nợ trái phiếu.

Từ lâu nay, giới phân tích vẫn không ngừng đưa ra cảnh báo về núi nợ khổng lồ của các doanh nghiệp Trung Quốc. Và, kể từ đầu năm đến nay, nước này đã chứng kiến ít nhất 7 vụ vỡ nợ trái phiếu doanh nghiệp.

Sẽ còn nhiều chông gai

Trong một diễn biến có liên quan, Trung Quốc vừa thông báo sẽ dỡ bỏ lệnh “đóng băng” hoạt động IPO. Quy định buộc các công ty môi giới phải giữ vị thế mua ròng cũng đã được dỡ bỏ. Bình luận những động thái này, một số người cho rằng Trung Quốc đang muốn kiểm nghiệm sức mạnh của thị trường trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng xấu đi.

Tuy nhiên, rõ ràng là diễn biến của phiên giao dịch hôm nay sẽ khiến giới chức Trung Quốc phải chùn bước. “Thị trường giảm quá mạnh sẽ làm dấy lên câu hỏi liệu có phải các nhà điều hành đã quá vội vã khi cho rằng thị trường đã ổn định trở lại”, Bernard Aw, chiến lược gia đến từ IG Asia nhận định. “Kể từ tháng 8 tới nay, thị trường đã tăng điểm mạnh dù không có bất cứ thông tin kinh tế tích cực nào hỗ trợ ở phía sau. Có lẽ đây không phải là thời điểm thích hợp để dỡ bỏ những giới hạn đối với hoạt động IPO và bán cổ phần”, ông bổ sung thêm.

Những số liệu mới nhất vẫn cho thấy có vẻ như làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa vẫn chưa thể vực dậy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Có lẽ chứng khoán Trung Quốc vẫn đang bị đe dọa bởi những “cơn sóng thần” đang dần hình thành ở ngoài khơi.

Thu Hương

Bloomberg

Trở lên trên