MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Volkswagen và những "bí mật bẩn" của ngành công nghiệp xe hơi

01-10-2015 - 19:01 PM | Tài chính quốc tế

​Vụ bê bối của Volkswagen mở ra cánh cửa để ngành công nghiệp xe hơi trên toàn thế giới bước vào một thời kỳ hoàn toàn khác biệt.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng NOx và những loại khí thải khá từ xe hơi là nguyên nhân khiến khoảng 58.000 người Mỹ tử vong sớm mỗi năm. Bởi vậy, vụ bê bối khí thải của Volkswagen không phải là trường hợp đặc biệt cá biệt. Hãng xe hơi nổi tiếng của Đức vừa thừa nhận đã lắp đặt một phần mềm giúp vượt qua các bài kiểm tra khí thải vào 11 triệu chiếc xe chạy động cơ diesel trên toàn thế giới.

Một khi những chiếc xe vượt qua được bài kiểm tra nghiêm ngặt của nước Mỹ, chúng sẽ chạy trên đường và thải ra lượng khí thải gấp 40 lần mức cho phép. Đối với bản thân VW, rõ ràng đây là một tổn thất lớn. Tuy nhiên, sự kiện này sẽ ảnh hưởng đến cả các nhà sản xuất xe hơi khác, các quốc gia khác và cả tương lai của động cơ diesel.

Đầu tiên là VW. CEO Martin Winterkorn vừa từ chức. Hãng cũng trích lập 7,3 tỷ USD để bù đắp những tổn thất về tài chính. Tuy nhiên nhà đầu tư rất lo sợ: trong 4 phiên giao dịch kể từ khi vụ bê bối nổ ra ngày 18/9, cổ phiếu của VW đã giảm 1/3, khiến giá trị vốn hóa của cổ phiếu này sụt giảm 26 tỷ euro.

Tính tổng cộng tất cả các khoản phạt, tiền đền bù cho khách hàng và chi phí triệu hồi, có thể so sánh những tổn thất mà gã khổng lồ xe hơi của Đức phải gánh chịu tương đương với vụ bê bối tràn dầu của BP. Tuy nhiên, chí ít thì thảm họa của BP chỉ là một tai nạn còn Volkswagen đã cố tình nói dối. Bộ Tư pháp Mỹ đã ngay lập tức mở cuộc điều tra hình sự đối với Volkswagen. Các nước khác có thể tiếp bước Hàn Quốc và điều tra những chiếc xe Volkswagen.

Dù có hay không chịu trách nhiệm cá nhân đối với vụ bê bối này, mất việc là điều hợp lý đối với CEO Winterkorn. Ông là kỹ sư nổi tiếng với tính cách luôn quan tâm đến tiểu tiết. Bán hàng triệu xe diesel thân thiện với môi trường là một phần quan trọng trong chiến dịch thâm nhập thị trường Mỹ của VW với tham vọng đánh bật Toyota của Nhật Bản để trở thành nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới. Giờ đây chiến lược ấy đã tan thành mây khói.

Thay CEO hay nhận án phạt 18 tỷ USD vẫn chưa phải cái kết cuối cùng. Trong các vụ án liên quan đến doanh nghiệp, các nhà hành pháp Mỹ vẫn luôn hứa sẽ truy tìm trách nhiệm cá nhân thay vì trừng trị các cổ đông bằng những khoản phạt. Hầu hết các vụ bê bối trong ngành ngân hàng đều không chỉ kết thúc ở phòng xử án. Đầu tháng 9, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo một nhà sản xuất xe hơi khác là GM đã bỏ ra 900 triệu USD để giàn xếp vì không thể triệu hồi xe lỗi và chịu trách nhiệm về các vụ tai nạn khiến ít nhất 124 người thiệt mạng cùng 275 người bị thương. Cơ quan điều tra tuyên bố các lãnh đạo của GM đã nhắm mắt cho qua và đặt lợi nhuận lên trước sự an toàn của khách hàng.

Dẫu vậy, chưa có lãnh đạo của GM bị kết án và giới chức Mỹ biết rằng họ sẽ phải thay đổi điều này. Trong một bài phát biểu vào tháng trước, Phó Bộ trưởng Tư pháp Sally Yates cho biết kể từ giờ trở đi phạt doanh nghiệp chỉ là ưu tiên số 2. Ưu tiên hàng đầu là kết tội các cá nhân. Một công ty bị buộc tội sẽ không thể hợp tác với cơ quan điều tra nếu như không đưa ra tên tuổi của những cá nhân có liên quan đến hành vi sai trái cũng như bằng chứng về trách nhiệm cá nhân.

VW chính là một bài kiểm tra cho phương pháp tiếp cận mới. Tuy nhiên, để tránh những nghi ngờ cho rằng Mỹ phân biệt đối xử với các doanh nghiệp nước ngoài, Mỹ cũng nên xét xử nghiêm khắc các lãnh đạo của GM.

Những tác động lớn nhất sẽ được cảm nhận ở hai bên bờ Đại Tây Dương. Vụ việc làm dấy lên câu hỏi liệu các nhà sản xuất xe hơi khác có sử dụng những mánh lới tương tự để đáp ứng các quy định của châu Âu hay không. BMW và Mercedes, hai đối thủ chính của VW và cũng đến từ nước Đức, đã nỗ lực chứng tỏ rằng họ không làm như vậy. Tuy nhiên, ở châu Âu, các bài kiểm tra khí thải không ngặt nghèo như ở Mỹ.

Đã đến lúc ngành công nghiệp ô tô loại bỏ hệ thống kiểm tra cũ kỳ và thay thế bằng một bài kiểm tra hoàn toàn độc lập trong điều kiện thực tế. Chắc chắn các nhà sản xuất xe hơi sẽ cản trở điều này. Tuy nhiên, các nhà quản lý ở châu Âu phải thay đổi thái độ nhìn nhận của họ đối với diesel – loại động cơ chiếm một nửa số xe được bán ra trên lục địa này. Động cơ diesel có thể giúp tiến kiệm nhiên liệu nhưng cái giá phải trả là lượng khí thải tăng lên.

Một số người cho rằng động cơ diesel sẽ chết. Không ai có thể dự đoán chính xác về tương lai nhưng con đường phía trước rất gập ghềnh đối với loại động cơ này. Động cơ xăng có nhiều khả năng để phát triển thành loại động cơ sạch hơn, và dần dần thị trường sẽ chuyển sang những loại xe sạch hơn chạy bằng methane, hydrogen và cả bằng điện.

Một cuộc đua trị giá nhiều tỷ USD đang diễn ra giữa rất nhiều loại công nghệ. Các nhà sản xuất thường đặt cược vào một vài công nghệ để đạt được các mục tiêu về khí thải.

Nếu hành vi tồi tệ của VW có thể đẩy nhanh quá trình diệt vong của động cơ diesel, nó cũng có thể dẫn tới sự khởi đầu cho thời của xe điện sau nhiều lần thất bại.

Thu Hương

Economist

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên