MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao chuyên gia World Bank xem Việt Nam là ngôi sao sáng trên bầu trời Covid-19 tăm tối?

"Trong 6 tháng đến sống tại Hà Nội, tôi đã được tận mắt quan sát đất nước thường được coi là phép màu kinh tế trong 25 năm trở lại đây", ông Jacques Morisset, chuyên gia kinh tế trưởng World Bank viết trên Blog của tổ chức này. Với ông, quá trình kiểm soát thành công đại dịch Covid-19 của Việt Nam đã cho ông những điểm nhìn rõ nét nhất.

Nền kinh tế có sức kháng cự đáng nể

Kể từ cuối tháng 4 khi Việt Nam nới lỏng các quy định giãn cách xã hội, theo quan sát của ông Jacques Morisset, cuộc sống đã nhanh chóng trở lại bình thường. Người dân cũng hài lòng về cách thức kiểm soát dịch bệnh.

"Tôi cũng đã cảm thấy an tâm trở lại", ông nói.

Theo ông, tâm lý lạc quan này phần nào giải thích được lý do tại sao theo dự báo mới nhất của World Bank và IMF, kinh tế Việt Nam được dự kiến ​​sẽ hồi phục trong sáu tháng cuối năm 2020. "Nền kinh tế có chao đảo nhưng không gục ngã", ông nhấn mạnh.

Ông Jacques Morisset cho rằng GDP Việt Nam vẫn giữ tỉ lệ tăng trưởng đáng nể ở mức 3,8% trong quý I năm 2020, kinh tế đối ngoại – động lực tăng trưởng chính của Việt Nam – vẫn đang phát triển năng động. Kim ngạch xuất khẩu 4 tháng đầu năm tăng 5%, bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn liên tục đổ vào Việt Nam, từ tháng 1 đến tháng 4 năm 2020 đã có hơn 12 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được đăng ký.

Khu vực trong nước tuy có bị ảnh hưởng do cách ly toàn xã hội trong tháng 4 nhưng đã có dấu hiệu hồi phục, theo ông Jacques Morisset.

Một chỉ số có thể thấy rõ là mức tiêu thụ điện trong tháng Tư chỉ giảm 4% (so với cùng kỳ năm trước), tỉ lệ này thấp hơn nhiều so với mức giảm 20%-30% của Trung Quốc và các nước châu Âu trong giai đoạn cách ly.

"Tất nhiên, một số doanh nghiệp và người dân vẫn chịu ảnh hưởng nặng nề, nhất là trong lĩnh vực du lịch và vận tải hành khách. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam nói chung vẫn có sức kháng cự vô cùng ấn tượng trong thời điểm khó khăn bất thường này", ông nói.

Đằng sau kết quả này là gì?

Không phủ nhận sức kháng cự thần kỳ của Việt Nam có yếu tố may mắn nhưng ông Jacques Morisset nhấn mạnh đến những hành động của đất nước 96 triệu dân rất thông minh.

Như nhiều quốc gia khác, chính phủ Việt Nam đã triển khai các gói chính sách tiền tệ và tài chính để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp nhưng phương án đối phó với dịch COVID-19 của chính phủ Việt Nam cho thấy hiệu quả của việc kết hợp giữa tầm nhìn xa và tính thực tiễn.

Theo đó, ông dẫn ra 3 ví dụ.

Thứ nhất là quản lý tài khóa. Trước khi dịch bệnh bùng phát, chính phủ Việt Nam đã dữ trữ được dòng tiền đáng kể nhờ thực hiện chính sách quản lý tài chính thận trọng, do đó chính phủ có thể đối phó với dịch bệnh COVID-19 trong tâm thế sẵn sàng.

Bên cạnh đó, bên cạnh việc áp dụng quy định tài khóa của Việt Nam, thì có 5% ngân sách của năm 2020 được dùng để trích lập quỹ dự phòng cho trường hợp khẩn cấp. Nhờ vậy, chính phủ có thể ứng phó ngay lập tức với cuộc khủng hoảng ở cả cấp trung ương và địa phương mà không cần đến vốn vay trong nước hay nước ngoài. Chính phủ Việt Nam không hề có dấu hiệu lo sợ nào.

Thứ hai là thương mại và logistics. Theo dự báo của WTO, thương mại toàn cầu trong năm 2020 sẽ suy giảm từ 15-30%, đây là một trong những lo ngại chính của Việt Nam.

Là một trong những nền kinh tế mở cửa nhất trên thế giới, Việt Nam đã nhanh chóng có các hành động nhằm giảm chi phí logistic cho các doanh nghiệp xuất khẩu và ra hướng dẫn về việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm phí và đơn giản hóa thủ tục hải quan và thủ tục tại các trung tâm vận tải lớn.

Thứ ba là kinh tế số: Mặc dù có khu vực xuất khẩu khá năng động nhưng kinh tế số của Việt Nam còn tương đối tụt hậu. Để ứng phó với cuộc khủng hoảng COVID-19, chính phủ đã bắt tay thực hiện một loạt các cải cách, bắt đầ từ ứng dụng công nghệ số trong phòng chống dịch bệnh.

Chính phủ hiện đang xem xét việc sử dụng thanh toán điện tử thông qua hệ thống thanh toán điện tử mới nhằm tiếp cận hai phần ba người dân hiện chưa có tài khoản ngân hàng.

Kết luận, ông Jacques Morisset hi vọng rằng kinh nghiệm của Việt Nam có thể là bài học cho các quốc gia chưa có sự chuẩn bị tốt cho cuộc khủng hoảng này.

Hà Thu

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên