Tại sao đồng USD mạnh lên sẽ gây rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu?
Đồng đôla Mỹ đã tăng giá khá mạnh kể từ đầu năm đến nay đang làm dấy lên nhiều lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ cùng với sự bất ổn của nền kinh tế toàn cầu.
Gần đây, sự tăng giá mạnh của đồng đô la Mỹ (USD) so với hầu hết các đồng tiền G10 đã gây ra hai phản ứng rất khác nhau giữa các nhà kinh tế và các nhà hoạt động thị trường. Một số người lạc quan cho rằng điều này sẽ góp phần gia tăng hiệu quả kinh tế toàn cầu trong tương lai. Số còn lại thì e sợ nó sẽ gây ra sự gián đoạn quá trình tăng trưởng.
Sự mạnh lên liên tục của USD không phải là một điều ngạc nhiên khi có nhiều yếu tố chính thu hút vốn nước ngoài vào Mỹ. Đó có thể kể đến như kinh tế Mỹ luôn vượt xa các nước tiên tiến khác, thị trường chứng khoán Mỹ cũng phát triển vượt bậc hơn với lợi thế về lợi nhuận không giới hạn. Theo một số chuyên gia kinh tế, sự mạnh lên của đồng đô la là một phần của sự tái cân bằng có trật tự của nền kinh tế toàn cầu. Nó sẽ thúc đẩy các nền kinh tế yếu trở lên cởi mở hơn với thương mại quốc tế nhưng có thể cũng sẽ phải chịu nhiều thiệt hại hơn từ cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, việc đồng đô la ngày càng mạnh lên cũng đặt ra nhiều rủi ro hơn. Không ít người bày tỏ lo ngại về một cuộc chiến tranh tiền tệ mới dựa trên những diễn biến căng thẳng của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung kéo dài suốt gần 2 năm qua. Hơn nữa, sự mạnh lên của đồng đô la cũng sẽ đặt Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước các cuộc công kích mang tính chính trị, đồng thời làm giảm uy tín và kèm theo đó là niềm tin của thị trường đối với Fed.
Sự tăng giá không kiểm soát của đồng USD còn có thể gây ra bất ổn cho các thị trường mới nổi khi chi phí trả nợ có xu hướng gia tăng. Bởi lẽ Mỹ là nơi các quốc gia đã vay rất nhiều đô la nhưng phần lớn thu nhập của các nước này sử dụng cho các khoản thanh toán lãi và nợ gốc đáo hạn lại là đến từ những đồng tiền mất giá so với đồng đô la. Không chỉ vậy, sự mạnh lên của đồng đô la cũng sẽ gây tổn hại cho hoạt động xuất khẩu và đầu tư – những thành phần quan trọng trong tổng sản phẩm quốc nội của chính nước Mỹ.
Trên thực tế, hoạt động kinh tế và thương mại toàn cầu đang tăng trưởng chậm lại, nền kinh tế Mỹ thì thu hẹp lại và có dấu hiệu giảm tốc. Nhiều dự báo cho rằng châu Âu có thể rơi vào suy thoái kinh tế vào năm tới trong khi Ngân hàng trung ương các nước thì vẫn đang loay hoay tìm kiếm những chính sách và chiến lược phù hợp.
Trước những diễn biến bất ổn của nền kinh tế thế giới, thay vì nắm giữ quá nhiều USD, một số Ngân hàng trung ương có xu hướng dự trữ vàng nhiều hơn nhằm làm suy yếu giá trị đồng tiền này với tư cách là đồng tiền dự trữ thế giới. Từ hồi đầu năm đến nay, Fed cũng đã 2 lần cắt giảm lãi suất, đồng thời để ngỏ khả năng thực hiện thêm ít nhất một đợt cắt giảm 0,25% nữa từ nay đến cuối năm nhằm đảm bảo nền kinh tế Mỹ ứng phó tốt với những rủi ro hiện nay.