MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tại sao vẫn còn nhiều người ở lại ban cố vấn của Tổng thống Donald Trump?

17-08-2017 - 09:02 AM | Tài chính quốc tế

"Bất cứ ai nghĩ rằng bằng cách tham dự một cuộc họp chưa đến 1 lần mỗi tháng tức là họ đang làm thay đổi đất nước đều là những người ích kỷ tự coi mình là trên hết" - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Larry Summers.

Sau sự ra đi liền một lúc của 3 CEO khỏi hội đồng cố vấn kinh tế của Tổng thống Trump ngày hôm qua (trước đó là Elon Musk của Tesla, Bob Iger của Walt Disney và cựu CEO Travis Kalanick của Uber), Larry Summers - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và cũng là cựu giám đốc hội đồng cố vấn kinh tế quốc gia của cựu Tổng thống Obama - đã đặt ra câu hỏi tại sao các thành viên còn lại chưa rút? Bài viết sau đây thể hiện quan điểm và những lập luận của ông.

Kể từ ngày Tổng thống nhậm chức, tôi đã cảm thấy khó chịu bởi một số doanh nhân sau khi trao danh dự cho ông Trump lại thoái bỏ trách nhiệm đạo đức của mình. Vì vậy, xin chúc mừng giám đốc điều hành Merck - Ken Frazier vì ông đã rút lui khỏi Ủy ban sản xuất Mỹ sau phản ứng không rõ ràng của Tổng thống đối với sự việc mang màu sắc phân biệt chủng tộc ở Charlottesville.

Điều thú vị là ông Trump đã ngay lập tức chỉ trích Frazier - một người Mỹ gốc Phi sau khi ông ta từ chức - một hành động mà ông Trump đã không làm đối với Robert Iger của Disney hay Elon Musk của Tesla - những người Mỹ da trắng khi họ rời khỏi diễn đàn chính sách và chiến lược sau khi Tổng thống quyết định rút lui khỏi Hiệp ước chống biến đổi khí hậu Paris.

Andrew Ross Sorkin đã rất đúng khi nói đặt ra câu hỏi tại sao chỉ có vài ba người ra đi khỏi hội đồng cố vấn của ông Trump. Như tôi đã từng nói, trong bối cảnh hiện nay, đó là 1 tình huống khó xử khi mà Tổng thống đã nhiều lần hoài nghi về giá trị Mỹ trong các tập đoàn đa quốc gia và gây ra không ít phản ứng trong dư luận bằng sắc lệnh nhập cư chống lại một số nước đạo Hồi hay vụ Charlottesville vừa qua.

Sau tuần này, tôi không chắc điều gì sẽ khiến các CEO từ chức. Biến những nhóm vô thần thành quỷ dữ? Điều đó đã xảy ra. Không thừa nhận những hiệp ước quốc tế ủng hộ cho các lợi ích kinh doanh? Điều đó đã xảy ra. Bên cạnh đó là những lời hứa hẹn chưa thể trở thành sự thực sau 6 tháng và cả những dấu hỏi về chuyện xung đột lợi ích.

Tất nhiên, các CEO có thể nói rằng họ có thể giúp chính quyền Trump trở nên tốt hơn bằng cách tham dự vào đó. Tuy nhiên, bất cứ ai nghĩ rằng bằng cách tham dự một cuộc họp không thường xuyên (chưa đến 1 lần mỗi tháng) tức là họ đang làm thay đổi đất nước đều là những người ích kỷ tự coi mình là trên hết. Đúng, những lời cố vấn kỹ thuật có thể là một sự đóng góp giá trị. Nhưng không có lý do gì mà việc đưa ra những lời khuyên như vậy đòi hỏi việc phải đưa uy tín của một ai đó hoặc một công ty nào đó cho Tổng thống Trump.

Liệu có ai nghi ngờ rằng ngay cả khi người đó đã từ chức khỏi hội đồng Trump, bất kỳ quan chức nào trong Bộ Tài chính, Fed, Ủy ban chứng khoán hoặc Nhà Trắng sẽ vui lòng nhận cuộc gọi từ Jamie Dimon? Hay liệu người đứng đầu Bộ Thương mại có còn nhận điện thoại từ Jim McNerney - cựu CEO Boeing? Hoặc chính vị chủ tịch GE - Jeff Immelt liệu có thể nào tham gia vào cuộc thảo luận về các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng và năng suất của Mỹ nữa hay không? (Jamie Dimon, Jim McNerney và Jeff Immelt đều là những người đã rời khỏi ban cố vấn của ông Trump).

Tôi có nghe một vài CEO nói rằng: "Công ty của tôi không có đủ khả năng đối mặt với sự tẩy chay từ khách hàng và nhà đầu tư". Họ nên nhớ rằng giá cổ phiếu của Merck đã tăng trong hôm thứ 2 (mặc cho lời chỉ trích của tổng thống trên Twitter). Như vậy nỗi sợ đó quả là đã bị thổi phồng.

Nhưng quan trọng hơn cả, nếu đó là những gì mà các giám đốc doanh nghiệp Mỹ tin tưởng, sự ra đi của các CEO lại thể hiện sự hèn nhát của họ.

Ở Mỹ tồn tại một truyền thống lâu đời là các nhà lãnh đạo doanh nghiệp đồng thời làm chính khách. Họ đóng vai trò quan trọng trong việc thông qua Kế hoạch Marshall. Họ hỗ trợ Toà án Tối cao đưa ra hành động khẳng quyết (chính sách nâng đỡ các thành phần thiểu số, đảm bảo cơ hội việc làm công bằng cho người dân Mỹ). Hoạt động kinh doanh từ lâu đã giúp việc hợp tác nhằm thúc đẩy thịnh vượng với các quốc gia khác trở nên dễ dàng hơn. Ở cấp địa phương, các giám đốc doanh nghiệp đã đấu tranh cho các trường công và chống lại phân biệt đối xử đối với các nhóm người thiểu số.

Đó là một truyền thống tốt đẹp mà chúng ta ngày hôm nay cần tôn vinh.

Dưới thời chính quyền Obama, tôi thường cố vấn rằng "niềm tin kinh doanh là công cụ kích thích rẻ tiền nhất". Tôi đã chống lại những lập luận dân chủ làm mất thanh danh doanh nghiệp, thay vào đó ủng hộ những cách tiếp cận nhấn mạnh vào việc gia tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế và sức cạnh tranh vì lợi ích của tất cả mọi người. Tôi vẫn ủng hộ một cách tiếp cận như vậy. Nhưng với sự hèn nhát đang tồn tại trong thế giới của các CEO, tôi lo ngại một làn sóng phản đối doanh nghiệp đang lan toả rất rộng. Điều đó sẽ rất đáng tiếc, nhưng không có gì khó hiểu.

Mọi thành viên trong hội đồng cố vấn của ông Trump đều nên tự vấn lương tâm của mình và nhớ lại lời cảnh báo nổi tiếng của Edmund Burke rằng: "Tất cả những gì cần thiết cho sự chiến thắng của cái ác là những người đàn ông tốt không làm gì cả".

Anh Sa

FT

Trở lên trên