MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tài xế taxi tráo 500 ngàn thành 20 ngàn sẽ bị xử lý thế nào?

17-07-2018 - 16:57 PM | Thị trường

Pháp Luật TP.HCM vừa có phóng sự điều tra về tình trạng trong chớp mắt, tài xế taxi dỏm đã tráo tờ tiền 500.000 đồng thành tờ 20.000 đồng và hô hoán đủ trò để tung hỏa mù với khách hàng. Vậy khách đi xe cần phải làm gì để bảo vệ mình?

Ngay cả khi khách nước ngoài bức xúc nói sẽ gọi 'police' (cảnh sát) thì các tài xế này la làng lên “mafia”, cướp. Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, rất nhiều Luật sư cho rằng hành động “xấu xí” trên của tài xế taxi đã làm ảnh hưởng không nhỏ tới du lịch, con người Việt Nam. Hành vi của tài xế hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính và nếu có đủ căn cứ thì có thể xử lý hình sự về các tội như lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Có thể xử phạt hành chính tài xế

Cụ thể, Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (Công ty Luật TNHH Châu Đại Dương - Đoàn LS TP.HCM) cho rằng hành vi của lái xe taxi đã xâm phạm tài sản người khác. Nếu có đủ cơ sở để chứng minh tài xế taxi cố tình đánh tráo số tiền 500 ngàn thành 20 ngàn của khách đi xe thì có thể xử phạt vi phạm hành chính về an ninh, trật tự theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt từ 1-2 triệu đồng.

Ngoài ra, việc sử dụng xe taxi chở hành khách không có hộp đèn “TAXI” hoặc có nhưng không có tác dụng, không gắn cố định trên nóc xe theo quy định; không lắp đồng hồ tính tiền cước hoặc lắp đồng hồ tính tiền cước không đúng quy định; không có thiết bị in hóa đơn được kết nối với đồng hồ tính tiền cước theo quy định thì có thể bị xử phạt từ 2-3 triệu đồng theo điểm d khoản 3 Điều 28 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Tài xế taxi tráo 500 ngàn thành 20 ngàn sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Nếu chủ xe taxi không lắp đồng hồ tính tiền cước đều có thể bị xử phạt. Ảnh cắt từ clip

Đồng tình với Luật sư Nghĩa, các vị Luật sư Trịnh Công Minh, Luật sư Nguyễn Trần Thiên, Luật sư Trần Ngọc Quý (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho rằng hành vi của tài xế xe có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Nhưng do số tiền lừa đảo dưới 2 triệu đồng nên chỉ có thể xử phạt hành chính theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ–CP.

Do đó chỉ xử lý hình sự tài xế theo Điều 174 BLHS 2015 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi cơ quan chức năng chứng minh được tài xế lừa đảo dưới 2 triệu đồng nhưng từng bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm, đã bị kết án về tội này, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội…

Ngược lại, theo Luật sư Nguyễn Duy (Đoàn Luật sư TP.HCM) thì cho rằng hành vi của tài xế có dấu hiệu của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản tại Điều 175 BLHS 2015. Bởi, tài xế taxi này có sử dụng thủ đoạn gian dối là đánh tráo tiền, làm cho du khách họ không biết, hoặc biết nhưng không thể chứng minh được tài xế gạt mình nhằm mục đích chiếm đoạt tiền. Tuy nhiên, nếu sau khi đã bị xử phạt hành chính theo Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP mà tài xế còn tái phạm thì có khả năng bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Cơ quan chức năng cần phải vào cuộc

Theo Luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa do hành vi chiếm đoạt tiền liên quan đến khách du lịch nước ngoài, nên ảnh hưởng xấu đến trật tự, xã hội, uy tín về đất nước, con người Việt Nam với khách du lịch quốc tế. "Để tránh tình trạng tái diễn, theo tôi, Thanh tra Sở GTVT, CSGT, Công an các phường và Đội quản lý trật tự đô thị cần phối hợp thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm này. Cần áp dụng công nghệ App kiểm tra biển số xe taxi thật để khách du lịch có điều kiện tiếp cận, kiểm tra và tránh gian lận". LS Nghĩa nói.

Tài xế taxi tráo 500 ngàn thành 20 ngàn sẽ bị xử lý thế nào? - Ảnh 2.

Nếu bị tài xế tráo tờ 500 thành tờ 20 ngàn khách đi xe nên cố gắng lưu lại chứng cứ để cung cấp cho cơ quan chức năng. Ảnh cắt từ clip


Bàn về vấn đề này, Luật sư Võ Thanh Khương (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói thêm, đây là sự việc liên quan đến ngành vận tải. Do đó, trước hết, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cần có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra để xử lý những taxi dù theo quy định. Nếu hành khách gặp những tình huống nêu trên thì cần ghi âm, ghi hình lại trường hợp trên và gửi đơn đến Sở Giao thông vận tải TP.HCM để họ xem xét phối hợp với các cơ quan khác có hướng xử lý theo quy định pháp luật.

Để bảo bệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, hành khách cần gửi đơn và chứng cứ kèm theo đến cơ quan công an nơi xảy ra vụ việc để trình báo. Trường hợp không đủ căn cứ để khởi tố vụ án hình sự thì ít nhất tài xế taxi "dỏm" cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản. Lúc này, hành khách có thể được trả lại tiền đã bị chiếm đoạt. Sau lần bị xử phạt hành chính, tài xế taxi dù nếu còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Theo Ngân Nga

Pháp luật Tp Hồ Chí Minh

Trở lên trên