MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tận dụng “lợi thế kép” của EVFTA khi làm ăn với châu Âu

Doanh nghiệp 2 bên được tận dụng mức thuế ưu đãi từ hiệp định thương mại tự do EVFTA trong xuất nhập khẩu cũng như thu hút nguồn lực đầu tư.

Tổng kim ngạch thương mại song phương giữa Việt Nam và EU đã tăng gần 11 lần, từ khoảng 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 45 tỷ USD năm 2016. Thương mại hàng hóa giữa hai bên mang tính bổ sung lợi thế, ít mặt hàng mang tính đối đầu, cạnh tranh trực tiếp khi xuất – nhập khẩu.

Chính vì thế, Hiệp định thương mại tự do song phương EVFTA giữa Việt Nam và EU dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2018 được tin tưởng sẽ mang lại lợi ích kinh tế to lớn cho doanh nghiệp và người dân của cả hai bên.

Theo ông Trần Ngọc Quân, Phó Vụ trưởng Vụ thị trường Âu - Mỹ (Bộ Công Thương), Hiệp định thương mại tự do EVFTA giữa Việt Nam và EU đang tạo cơ hội lớn, lợi thế kép cho doanh nghiệp Việt Nam, trong bối cảnh các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam chưa tham gia hiệp định này.

Sản xuất chế biến mặt hàng gỗ xuất khẩu sang châu Âu. (Ảnh minh họa:KT)
Sản xuất chế biến mặt hàng gỗ xuất khẩu sang châu Âu. (Ảnh minh họa:KT)

Cụ thể, các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ được tạo lợi thế khi các dòng thuế giảm về 0% mà còn hưởng các lợi thế so sánh khác. Điều này đưa đến cơ hội trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ khai thác thị trường lớn của EU với mức thuế ưu đãi. Cùng với đó, việc cắt giảm thuế còn thu hút mạnh nguồn đầu tư các doanh nghiệp của EU vào Việt Nam để đầu tư, sản xuất và xuất khẩu sang thị tường EU.

Tuy nhiên, theo ông Quân, để tận dụng lợi thế của hiệp định này, cần phải có nhiều yếu tố, nên từ Chính phủ đến các doanh nghiệp, người sản xuất ở tầng cơ bản đều phải sẵn sàng. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã bắt tay vào chuẩn bị, nhưng một số doanh nghiệp khác vẫn còn khá thờ ơ vì họ cho rằng, họ là các doanh nghiệp gia công, làm ra sản phẩm để cung ứng cho các doanh nghiệp khác nên nghĩ rằng hiệp định này không tác động.

“Đây là quan điểm chưa đúng đắn và cần phải thay đổi dần dần, vì sản xuất là phải theo một chuỗi, có sự liên kết giữa đầu vào và đầu ra – đó là xu thế tất yếu của một nền kinh tế hội nhập. Điều này cũng đòi hỏi chính các doanh nghiệp phải có sự liên kết với nhà sản xuất để cung cấp, hỗ trợ họ những điều kiện, yêu cầu để hai bên hiểu nhau, đáp ứng và bổ sung cho nhau những gì còn khiếm khuyết”, ông Quân nhấn mạnh.

Do đó, việc cần thiết nhất hiện nay theo ông Quân là Chính phủ cần tăng cường phổ biến, tuyên truyền về hiệp định, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp cũng như công nhân, nông dân phải nắm được các tiêu chuẩn, yêu cầu sản xuất sản phẩm phù hợp với thời đại mới.

Trong từng ngành hàng cụ thể, cần phải đưa ra được những bộ quy tắc về sản xuất, trong bộ quy tắc này sẽ giới thiệu những ưu đãi mà Việt Nam được hưởng từ hiệp định thương mại tự do, đồng thời phải đi kèm những gì các doanh nghiệp bắt buộc phải làm.

Để xuất khẩu bền vững sang EU, sản phẩm của Việt Nam phải có một bộ chuẩn hóa tương tự một quy chuẩn ISO, đồng bộ hóa toàn bộ quá trình sản xuất cho đến khi xuất khẩu, từ sản phẩm đầu vào đến sản phẩm cuối cùng, đảm bảo rằng bất cứ lúc nào thị trường EU có yêu cầu thông tin, doanh nghiệp đều có tư liệu để cung cấp cho họ một cách đầy đủ.

Ông Quân cũng cho rằng, tăng trưởng kim ngạch thương mại của Việt Nam vào EU luôn cao và sẽ có những bước thay đổi đặc biệt là về chất. Chính vì thế, những mặt hàng qua chế biến chuyên sâu khi xuất khẩu sẽ có lợi về thuế. Doanh nghiệp nào càng đầu tư vào chế biến, sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao thì lợi nhuận càng lớn.

“Cơ hội tại thị trường EU rất lớn và không chỉ tập trung vào một đầu mối mà doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội tiếp cận rất nhiều thị trường mới khác, từ đó tự thân hàng hóa của Việt Nam sẽ đẩy mạnh giá trị gia tăng”, ông Quân lưu ý./.

Theo Nguyễn Quỳnh

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên