Tăng thuế VAT sẽ “đi ngược” lại kỳ vọng kích cầu tiêu dùng
Để đạt mức tăng trưởng GDP 6,7% cho cả năm 2017, mới đây tại cuộc họp Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo tăng tiêu dùng hộ gia đình bằng kích cầu tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng việc đề xuất tăng thuế VAT sẽ là lực cản cho việc kích cầu.
- 23-08-2017Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế nói gì về tác động của tăng thuế VAT lên người nghèo?
- 22-08-2017Tăng thuế VAT: Giá nhà tăng theo, người nghèo chịu thiệt
- 21-08-2017Đề xuất tăng thuế VAT: So sánh thuế Việt Nam với châu Âu là “khập khiễng”
Mới đây Bộ Tài chính đưa ra đề xuất tăng thuế suất thuế giá trị gia tăng ( VAT ) từ 10% lên 12% vào năm 2019. Một số nhóm hàng hóa dịch vụ ưu đãi thuế VAT cũng sang nhóm chịu thuế thông thường.
Bộ Tài chính cho biết, qua tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy trong bối cảnh nợ công tăng cao, nhiều quốc gia kể cả các nước phát triển có xu hướng cơ cấu lại thu ngân sách Nhà nước theo hướng tăng cường nguồn thu từ thuế gián thu.
Trao đổi với BizLIVE, GS. TSKH. Võ Đại Lược cho biết ông không đồng tình với đề xuất này và cho rằng những lập luận để tăng thuế của Bộ Tài chính là chưa xác đáng.
“Thực tế thuế VAT Việt Nam hiện đã cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tỷ trọng đóng góp của VAT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam cũng đã cao hơn hẳn so với nhiều nước trên thế giới. Nếu còn tiếp tục tăng nữa sẽ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế”, ông Lược nói.
Trong khi đó, nợ công cao, thâm hụt ngân sách rất lớn của Việt Nam không phải nằm ở phía thu ngân sách mà do hiệu quả chi ngân sách thấp. Bên cạnh đó, mức chi ngân sách tăng cao hơn so với tốc độ thu ngân sách.
Đáng lưu ý, theo ông Lược, khi tăng thuế các mặt hàng hoá, dịch vụ sẽ tăng theo trong khi thu nhập người dân vẫn như vậy thì hệ quả tất yếu là tiêu dùng sẽ giảm.
Vì người dân khi phải bỏ thêm tiền vào mua thì chắc chắn sẽ siết chặt chi tiêu, trong khi đó Thủ tướng Chính phủ mới đây đã chỉ đạo việc kích cầu tiêu dùng để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng.
“Tăng VAT làm tăng giá hàng hoá. Nếu không tăng giá hàng hoá, dịch vụ thì buộc doanh nghiệp sẽ khấu trừ vào lợi nhuận doanh nghiệp. Trong khi đó lợi nhuận của doanh nghiệp hiện nay đã quá mỏng vì gánh nặng chi phí chính thức lẫn không chính thức. Còn nếu tăng thì không sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, hàng hoá không bán được”, ông Lược nói.
TS. Bùi Ngọc Sơn - Trưởng phòng Kinh tế quốc tế thuộc Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính trị thế giới cũng cho rằng trong bối cảnh Chính phủ đang chỉ đạo kích cầu thì đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng của Bộ Tài chính “quả thật rất đáng ngại”.
Bởi việc tăng thuế này sẽ làm tăng giá hàng hóa, tăng áp lực lên giá cả trong nước, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng. Sức mua hàng hóa của người tiêu dùng sẽ giảm do thu nhập giảm. Họ chỉ có thể tập trung vào mặt hàng thực sự thiết yếu cho nhu cầu đời sống hằng ngày.
Theo nhận định của CTCP Chứng khoán TP.HCM (HSC), đề xuất tăng thuế VAT có thể là thông tin không tốt cho cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng, trong khi ước tính việc tăng thuế sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng, chiếm 33% tổng thu ngân sách.
Hiện, thuế giá trị gia tăng đóng góp khoảng 28% thu ngân sách thường xuyên và khoảng 25% tổng thu ngân sách trong giai đoạn 2010-2015.
BizLive