Tăng tốc và bịt lỗ hổng trong cổ phần hóa DNNN
Theo Bộ Tài chính, lũy kế 8 tháng đầu năm 2017, cả nước có 33 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án CPH.
Trong đó, có 10/44 DN thuộc Danh mục DNNN hoàn thành CPH năm 2017, ban hành kèm theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10.7.2017 của Thủ tướng Chính phủ. 23 đơn vị tiếp tục triển khai công tác CPH theo đề án tái cơ cấu giai đoạn 2011-2016. Tổng giá trị thực tế của 33 DN đã được phê duyệt phương án CPH là 80.636 tỉ đồng. Trong đó giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN là 20.881 tỉ đồng.
Theo phương án CPH được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì vốn điều lệ của 33 đơn vị là 25.509 tỉ đồng. Trong đó, Nhà nước nắm giữ 12.467 tỉ đồng, bán cho nhà đầu tư chiến lược 7.814 tỉ đồng, bán cho người lao động 199 tỉ đồng, tổ chức công đoàn 20 tỉ đồng. Số lượng cổ phần bán đấu giá công khai là 5.008 tỉ đồng.
Không đạt mục tiêu CPH
Các tập đoàn, tổng công ty nhà nước quy mô lớn cũng tích cực đẩy mạnh tiến độ CPH, như các TCty phát điện 1, 2, 3 thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam; công bố giá trị DN tại TCty Điện lực Dầu khí VN, TCty Dầu Việt Nam (PVOil) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; phê duyệt phương án cổ phần hóa TCty ĐTPT đô thị và khu công nghiệp (IDICO), TCty Sông Đà (Bộ Xây dựng); TCty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - Becamex, TCty Thương mại và xuất nhập khẩu Thanh Lễ…
Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp thì, về tổng thể, tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN không đạt yêu cầu, mục tiêu, kế hoạch đặt ra, làm “dồn” việc cho 6 tháng cuối năm; 578 DN chưa đăng ký niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán theo quy định. Hiệu quả hoạt động của khối DNNN chưa tương xứng với nguồn lực được nắm giữ, năng suất lao động, hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp. Một số tập đoàn, tổng công ty, DN, dự án hoạt động kém, thua lỗ, cơ chế quản trị chưa đáp ứng được tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế…
Nguyên nhân chính là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước chưa thật quyết liệt trong công tác cổ phần hóa, thoái vốn, còn tâm lý thận trọng, chờ đợi, e ngại, sợ sai phạm, không muốn làm, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc chưa thường xuyên, kịp thời. Trưởng Ban Chỉ đạo đã yêu cầu: Phấn đấu để hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn của năm 2017, thậm chí vượt mức số lượng DN cổ phần hóa, thoái vốn và cả chỉ tiêu thu ngân sách từ thoái vốn. Chính phủ sẽ xem xét trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty chậm trễ, không hoàn thành nhiệm vụ đổi mới sắp xếp DN cổ phần hóa và thoái vốn DN.
Theo tinh thần Quyết định số 58/2016/QĐ-Ttg ngày 28.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ thay thế Quyết định số 37/2014/QĐ-TTg ngày 18 tháng 6 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 15.2.2017 đến hết năm 2020, tất cả doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hiện có sẽ tiếp tục thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa (CPH) theo tiêu chí phân loại danh mục và tỉ lệ vốn nhà nước cụ thể cho từng doanh nghiệp (DN).
Theo đó, Nhà nước thu hẹp số DN nắm giữ 100% vốn điều lệ (chỉ còn ở 103 DN trong 11 lĩnh vực xổ số, ngân hàng, truyền tải, điều độ hệ thống điện, sản xuất, kinh doanh vật liệu nổ, quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị, quản lý không lưu, in tiền…) và linh hoạt các tỉ lệ nắm giữ vốn điều lệ (với 4 DN trên 65%; 27 DN trên 50% đến dưới 65% và 106 DN dưới 50%) trong các DN thuộc lĩnh vực khác.
Bên cạnh đó, cách thức CPH cũng sẽ đổi mới với việc bãi bỏ các hạn chế đối với lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và không yêu cầu bán hết ngay theo kế hoạch, mà sau khi CPH vẫn còn vốn nhà nước thì DN tiếp tục niêm yết trên sàn để tự bán. DNNN thực hiện CPH phải đăng ký giao dịch, niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán khi đủ điều kiện trong thời hạn một năm kể từ ngày phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng…
Việc ban hành danh mục CPH DNNN chi tiết sẽ giúp các nhà đầu tư có thông tin cụ thể để chủ động và an tâm trong chuẩn bị và ra quyết định đầu tư. Đặc biệt, việc nêu rõ danh mục từng DN với các mức tỉ lệ nắm vốn và trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành, tập đoàn và địa phương trong xác định lộ trình và thời hạn hoàn tất các công việc đã tạo cơ sở và áp lực pháp lý thống nhất chấm dứt chuyện chậm trễ CPH DNNN do các bên liên quan trì hoãn thực hiện hoặc viện cớ lạm dụng mục tiêu công ích để xin điều chỉnh tỉ lệ vốn cổ phần vì lợi ích nhóm, cục bộ, địa phương…
Việc kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc minh bạch hóa, góp phần phòng chống tham nhũng, thất thoát tài sản công trong quá trình thực hiện CPH DNNN (trong năm 2016, qua kiểm toán 8 DNNN CPH, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị điều chỉnh tăng thêm vốn nhà nước hơn 8.454 tỉ đồng do các nhà tư vấn định giá không sát; Trong đó, Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn tăng hơn 4.586 tỉ đồng; Công ty mẹ - TCty Điện lực Dầu khí VN tăng hơn 2.000 tỉ đồng). Thực tế cho thấy, giá trị sổ sách tài sản trên đất có thể rất thấp, nhưng quyền thuê đất và chuyển nhượng đất sẽ cực kỳ quan trọng và hấp dẫn các nhà đầu tư.
Đẩy nhanh tiến trình bán vốn nhà nước tại DN
Thời gian tới, cần tiếp tục hoàn thiện và đột phá hơn nữa về cơ chế xác định đúng và đầy đủ giá trị thương hiệu và quyền sử dụng đất, quyền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp khi CPH để bảo vệ tài sản công nói chung và chống chảy máu đất đai nói riêng trong quá trình CPH những DNNN đang nắm giữ tài sản công lớn. Việc định giá đất cần bám sát giá thị trường, gắn với quy hoạch sử dụng đất và trách nhiệm của cơ quan tư vấn.
Nhà nước không cho doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời hạn giao đất, mà chỉ ổn định trong khoảng thời gian nhất định và có điều chỉnh giá thuê sau thời gian đó theo nguyên tắc bám sát giá thị trường. Ðồng thời, bổ sung quy định về xử lý đất đai đối với các DN quản lý nhiều đất đai ở những vị trí có lợi thế thương mại cao theo hướng yêu cầu DNNN CPH có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định, bảo đảm phù hợp với quy định về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quyết định của Chính phủ; phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng tại địa phương và phải được gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trên địa bàn trước khi thực hiện xác định giá trị DN.
Nếu thay đổi công năng đất thuê hay được giao, cơ quan quản lý nhà đất và thuế cần điều chỉnh tương ứng giá thuê đất. Trong tổ chức đấu giá, đấu thầu các dự án và tài sản nhà nước, cần nhận diện và kiên quyết xử lý nghiêm khắc hiện tượng “quân xanh, quân đỏ”, dùng thủ thuật, kỹ thuật (như nộp hồ sơ quá gấp gáp hay bắt tay nhau) để gạt người khác ra, dìm giá và chi phối kết quả đấu giá khi CPH DNNN…
Thực tế không chỉ đòi hỏi cần tổ chức thanh tra, kiểm toán lại các vụ chuyển nhượng đất đai, hồi tố và truy thu, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định hiện hành, trục lợi gây thất thoát tài sản công và thất thu NSNN; mà còn cần tiếp tục hoàn thiện cơ sở để tạo hành lang pháp lý minh bạch, bình đẳng, cạnh tranh, chặt chẽ nhằm thực hiện chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước, di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị.
Ngoài ra, cần coi trọng thu hút các nhà đầu tư có năng lực thực sự; xây dựng chiến lược hoạt động kinh doanh phù hợp cho từng DN; đi đôi với kiện toàn và nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhất là người đại diện phần vốn nhà nước tại DN; tăng cường năng lực, quyền hạn, trách nhiệm của kiểm soát viên và kiểm toán nội bộ; tiếp tục hoàn thiện cơ chế quản trị và kiểm soát, kiểm toán DN hậu CPH bảo đảm công khai, minh bạch, đúng pháp luật về các nguồn đầu tư, tài chính, mua sắm, phân phối thu nhập và tuyển dụng, bổ nhiệm, bãi miễn, đãi ngộ lãnh đạo DN và người lao động gắn với kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của DN.
Lao động