MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tăng trưởng GDP 6,7% trong tầm kiểm soát của Chính phủ

Việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% phần lớn sẽ dựa vào hai yếu tố chính là yếu tố khách quan của tình hình kinh tế và quyết tâm của Chính phủ, còn nếu nói về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì trong thời gian ngắn hạn trước mắt chưa có những chuyển biến đột phá.

Đây là ý kiến của PGS. TS. Phạm Hồng Chương, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân trong cuộc trao đổi với Báo Hải quan xung quanh vấn đề đạt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017.

Tăng trưởng kinh tế đầu năm 2017 ở mức thấp, tuy nhiên, Chính phủ vẫn rất quyết tâm trong việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cả năm 2017 là 6,7% như kế hoạch đề ra. Ông đánh giá như thế nào về quyết tâm này?

Theo tôi, hiện nay những mục tiêu Chính phủ đặt ra nằm trong khả năng của Chính phủ, tuy nhiên điều quan trọng không phải là tăng trưởng bao nhiêu phần trăm mà là cách chúng ta thực hiện để đạt được mục tiêu đó như thế nào, chất lượng tăng trưởng ra sao và cái giá phải trả là gì. Theo những phát biểu gần đây của Thủ tướng Chính phủ thì năm 2017 là năm bản lề của kế hoạch 5 năm, vì thế Chính phủ đặt mục tiêu phải đạt con số tăng trưởng kinh tế 6,7% để tạo tiền đề hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cho cả giai đoạn. Vấn đề là cách thức để đạt được mục tiêu đó hiện có nhiều ý kiến khác nhau và phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau.

Trước hết nói về yếu tố khách quan tác động đến tăng trưởng kinh tế. Có thể nói, đầu năm 2017 cũng như năm 2016 có một số nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân đặc biệt liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Samsung tại Việt Nam. Do có những khó khăn liên quan đến sản xuất kinh doanh nên họ quyết định cắt giảm sản lượng tại Việt Nam, ảnh hưởng đến kim ngạch XK của Việt Nam. Theo một số nhận định gần đây, trong thời gian tới, nếu Samsung có những khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và tiếp tục tính tới cắt giảm sản lượng thì đây cũng là những khó khăn cho Việt Nam vì Samsung chiếm tỷ trọng khá lớn trong kim ngạch XK của Việt Nam, khoảng 15-18%. Bên cạnh đó, hiện điều kiện khách quan của thế giới có những diễn biến khó lường và phức tạp, trong đó có mối quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc và một số nước lớn khác ảnh hưởng đến việc XK sản phẩm. Nếu quan hệ của các bên tốt lên thì quan hệ giao thương cũng sẽ tiến triển tốt, đây cũng là động lực tăng trưởng.

Về tình hình trong nước, nhiều ý kiến cho rằng tình hình trong nước có nhiều khó khăn. Theo đó, Chính phủ quyết tâm tăng sản lượng khai thác dầu thô và cứ mỗi 1 triệu tấn dầu thô khai thác có thể đóng góp cho tăng trưởng GDP khoảng 0,2%. Tuy nhiên, theo tôi, đây nên là biện pháp cuối cùng mà Chính phủ dùng đến để đạt được mục tiêu tăng trưởng 6,7%. Về tổng thể, có thể nói các động lực tăng trưởng cần phải có thời gian để đem lại hiệu quả thúc đẩy phát triển. Ví dụ, thời gian vừa qua Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, khẳng định vai trò kiến tạo của Chính phủ trong việc giảm bớt phiền hà, tạo điều kiện cho DN. Tuy vậy, vẫn có nhiều hiện tượng cho thấy năng lực cạnh tranh của Việt Nam chưa được cải thiện, ví dụ như cơ sở hạ tầng chưa tốt, các loại chi phí vẫn đang ở mức cao, nhiều đơn vị vẫn còn gây phiền hà cho DN. Về căn bản, môi trường kinh doanh chưa có thay đổi lớn, hơn nữa cải cách môi trường kinh doanh cần thời gian dài hơn thì mới có thể tác động tới năng lực sản xuất của DN, không thể nói cải cách hôm nay, ngày mai DN đã cảm nhận được. Theo tôi, việc đạt được mục tiêu này phần lớn sẽ dựa vào hai yếu tố chính là yếu tố khách quan của tình hình kinh tế và quyết tâm của Chính phủ, còn nếu nói về năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thì trong thời gian ngắn hạn trước mắt chưa có những chuyển biến đột phá.

Nhiều ý kiến cho rằng, con số không quan trọng bằng chất lượng tăng trưởng, vậy theo ông, có cần kiên quyết đạt được mục tiêu này không?

Như tôi đã nói, việc đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2017 là trong tầm kiểm soát của Chính phủ, nếu tình hình thuận lợi và chúng ta khai thác thêm được 1 triệu tấn dầu thô. Tuy nhiên, việc khai thác dầu thô để thúc đẩy tăng trưởng GDP chỉ nên là giải pháp trong ngắn hạn. Tôi cũng đồng tình với quan điểm không nên quá chú trọng vào con số tăng trưởng, mà nên để quá trình này là quá trình tự nhiên, logic. Tuy nhiên, dưới góc độ của các nhà quản lý thì họ có quan điểm khác khi cho rằng đây là năm bản lề, cần có cú hích mạnh mẽ về tăng trưởng, đây là tư tưởng, đường lối chiến lược trong quản lý. Tôi cho rằng, nếu theo đuổi mục tiêu tăng trưởng một cách tương đối chủ quan trong một năm thì được, nhưng nếu theo đuổi trong một thời gian kéo dài sẽ có nhiều vấn đề.

Hiện nay nền kinh tế có những vấn đề cần tập trung giải quyết, đơn cử như ngoài vấn đề môi trường kinh doanh còn vấn đề bất động sản. Hiện nay kinh tế Việt Nam quá chú trọng vào tăng trưởng bất động sản dẫn tới chu trình của bong bóng bất động sản ở Việt Nam diễn ra nhanh hơn so với trung bình các nước khác. Một lượng vốn lớn đã và đang được đầu tư vào lĩnh vực này, trong khi đó thực tế cho thấy, một nền kinh tế dựa nhiều vào bất động sản thì đây không phải là động lực phát triển tốt. Ở Việt Nam cung bất động sản nhìn chung đang vượt quá cầu, thậm chí cầu cũng là cầu ảo. Vì thế điều tiết của Nhà nước vào lĩnh vực này rất quan trọng, ví dụ cần có biện pháp đánh thuế bất động sản, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch, số lượng nhà ở… giúp cho thị trường này phát triển lành mạnh. Tóm lại, để thúc đẩy tăng trưởng, về lâu dài tôi cho rằng cần có những giải pháp mạnh mẽ để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất lao động…

Hiện chúng ta còn 6 tháng để thực hiện các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng, vậy ông đánh giá như thế nào về những giải pháp mà Chính phủ đặt ra để đạt được mục tiêu 6,7%? Theo ông đâu sẽ là trụ cột cho tăng trưởng kinh tế khi chúng ta đang tái cơ cấu kinh tế theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào khai thác tài nguyên?

Theo tôi, những giải pháp cụ thể cho từng bộ ngành trong từng thời gian khác nhau đã được Chính phủ đề cập tới. Điều quan trọng là trong điều hành của Chính phủ phải chú ý tới việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, đây là điều quan trọng nhất. Thứ hai là cần tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách mạnh mẽ, tạo điều kiện nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN bằng các giải pháp hỗ trợ DN về thủ tục hành chính, tiếp cận các nguồn lực… đó là những giải pháp mang tính lâu dài mà chắc chắn Chính phủ cần chú trọng theo đuổi. Về ngắn hạn, các bộ ngành cần làm rõ những vấn đề trước mắt của ngành mình, đề xuất các giải pháp tốt nhằm tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy tăng trưởng.

Để nâng cao trách nhiệm của các bộ ngành trong nỗ lực thúc đẩy tăng trường, vừa qua người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh sẽ kỷ luật nếu các bộ, ngành cơ quan không thực sự cố gắng hoàn thành tốt trách nhiệm. Việc tạo sức ép này sẽ có tính tích cực, đưa việc thực hiện nhiệm vụ vào khuôn phép, nhưng quan trọng nhất là trong qúa trình thực hiện phải kiểm tra, đốc thúc.

Về trụ cột cho nền kinh tế thay thế công nghiệp khai khoáng, tôi cho rằng công nghiệp điện tử, nông nghiệp công nghệ cao là những trụ cột, động lực mà Việt Nam nên tiếp tục đầu tư khai thác trong thời gian tới. Nếu khai thác tốt thì nông nghiệp công nghệ cao sẽ đem lại những giá trị lớn bởi Việt Nam là quốc gia có nhiều ưu thế trong nuôi trồng, chế biến và XK nông sản

Xin cảm ơn ông!

“Việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2017 là 6,7% là rất khó khăn, nhưng không phải không có khả năng thực hiện. Yêu cầu Bộ KH&ĐT cần tiếp tục tính toán chi tiết hơn nữa đến từng sản phẩm chủ lực trong cơ cấu GDP, từ nay đến cuối năm phải điều hành theo từng chỉ tiêu tăng trưởng của từng sản phẩm cụ thể. Tuy nhiên chúng ta quyết tâm tháo gỡ khó khăn để đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng không duy ý chí, không chủ quan. Đối với Bộ Công Thương, phải chủ trì, có các giải pháp hỗ trợ DN phát triển thị trường ngoài nước, khai thác tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, cũng như ứng phó một cách chủ động, có hiệu quả với các xu thế bảo hộ và hàng rào kỹ thuật ở các thị trường trên thế giới. Ngành may mặc, giày da, túi xách cần duy trì tăng trưởng cao (trên 10%). Ngành công nghiệp ô tô cần được khuyến khích để tăng tỉ lệ nội địa hoá, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Lĩnh vực sản xuất điện thoại, linh kiện điện tử, vật liệu xây dựng cũng cần được ưu tiên hơn. Với ngành nông nghiệp, Bộ NN&PTNT tập trung chỉ đạo, thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, tái cấu trúc ngành, sản phẩm để ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, hạn chế thấp nhất hậu quả của thiên tai, với mục tiêu đạt phương án tăng trưởng cao nhất”.

(Trích ý kiến của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về thúc đẩy tăng trưởng GDP ngày 1/6)

“Để tăng tốc phát triển kinh tế, Chính phủ cần điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, định hướng chính sách tín dụng tập trung cho lĩnh vực sản xuất, hạn chế tín dụng không bền vững, tín dụng cho vay đầu tư bất động sản, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất phù hợp để phát triển doanh nghiệp. Ngoài ra, chính sách tiền tệ phải được tập trung thực hiện theo hướng ổn định lạm phát cơ bản, điều hành tỷ giá ở mức hợp lý, dự báo và xây dựng các kịch bản lạm phát khi tiếp tục lộ trình tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh, dịch vụ giáo dục và các mặt hàng điện, xăng dầu... Về điều hành chính sách tài khóa, Chính phủ phải thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, kiểm soát và tăng cường kỷ luật ngân sách, giảm bội chi ngân sách, giảm áp lực nợ công, quản lý chặt chẽ hoạt động cho vay trả nợ nước ngoài, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay”.

(Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội)

Theo Thu Hiền

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên