MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tập đoàn FLC, Hemaraj … rót hơn chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào Nghệ An

9 dự án và 16 thoả thuận ghi nhớ, hợp tác đầu tư vào Nghệ An ngày hôm nay (10/3) đã mang lại cho tỉnh miền trung này hơn 13.000 tỷ đồng tổng vốn đăng ký đầu tư ngay thời điểm đầu năm.

"Đại bàng" về làm tổ

Nghệ An đã tổ chức Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư lần thứ 10 tại TP. Vinh trong sáng 10/3. Sự kiện có sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, lãnh đạo một số bộ, ngành cùng khoảng 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty lớn, các doanh nghiệp có tiềm năng trong nước và nước ngoài đã đầu tư và đang tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Nghệ An…

Tại đây, nhiều văn bản hợp tác giữa tỉnh Nghệ An và các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã được ký kết.

TGĐ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) Phan Đức Tú, đơn vị gắn bó gần 10 năm qua với các chương trình kêu gọi đầu tư vào Nghệ An, cho biết các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Nghệ An không chỉ vì tình yêu đối với quê hương của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà càng ngày càng nhận thấy những lợi ích của doanh nghiệp được phát triển trên mảnh đất này.

Theo đó, đại diện Tập đoàn WHA Hemaraj (Thái Lan), doanh nghiệp sẽ tổ chức khởi công Dự án Khu công nghiệp Hemaraj có tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 1 tỷ USD tại huyện Nghi Lộc trong ngày hôm nay, cho biết chọn Nghệ An vì tỉnh có vị trí thuận lợi, nhân lực dồi dào, được đào tạo cơ bản. "Chúng tôi rất trân trọng, tri ân sự đồng hành từ chính quyền địa phương về các thủ tục hỗ trợ", đại diện Tập đoàn bày tỏ.

Trong khi đó, ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Tập đoàn FLC cho biết có 2 yếu tố để Tập đoàn tiếp tục đầu tư vào Nghệ An. Đó là tiềm năng tự nhiên và quan trọng hơn là môi trường kinh doanh thuận lợi, chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân.

FLC đã quyết định đầu tư 3 dự án gồm: Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái tại thị xã Cửa Lò; dự án nông nghiệp công nghệ cao và dự án khai thác đá tự nhiên tại huyện Tân Kỳ, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng, chiếm 76% tổng số vốn đăng ký vào Nghệ An trong ngày hôm nay.

Ông Trịnh Văn Quyết cho rằng những thuận lợi này đến từ quyết tâm của Chính phủ. Cụ thể, Chính phủ đã lấy tinh thần khởi nghiệp làm bệ phóng, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân, do đó, thay vì làm hộ doanh nghiệp, Chính phủ đã thiết kế chính sách và tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp phát triển trong sự cạnh tranh bình đẳng. Tinh thần kiến tạo, hành động ấy đã lan tỏa, thấm nhuần đến lãnh đạo các bộ ngành, địa phương.

Còn ông Bùi Quang Hiển, Chủ tịch Ngân hàng SHB cho biết SHB sẽ đưa ra các gói ưu đãi cho vay nông nghiệp công nghệ cao, lãi suất giảm 0,5- 1%, thậm chí tài trợ tín chấp 100% trên cơ sở hiệu quả quản lý của doanh nghiệp trên địa bàn Nghệ An. Tại Hội nghị, SHB đã ký kết hợp tác tín dụng với hạn mức 100 tỷ đồng, phục vụ phát triển hạ tầng thành phố Vinh.

Chúc mừng Nghệ An có nhiều "đại bàng (doanh nghiệp lớn) về làm tổ", Thủ tướng đánh giá cao việc tỉnh tổ chức hội nghị ngày càng quy mô và cho biết ông rất quan tâm, lắng nghe các ý kiến của doanh nghiệp vì sao đầu tư lớn vào đây.

Thủ tướng tin tưởng Nghệ An sẽ làm nên "Khát vọng sông Lam"

Chia sẻ cảm xúc khi xem video clip mang tên "Khát vọng sông Lam" đã phát sóng, Thủ tướng bày tỏ, ông thấy rất rõ tiếng nói, quyết tâm của chính quyền và nhà đầu tư đã hòa vào làm một và như vậy mới có sức mạnh lớn.

Tập đoàn FLC, Hemaraj … rót hơn chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào Nghệ An - Ảnh 1.

Thủ tướng mong muốn với việc cải cách, đổi mới mạnh mẽ này, trong tương lai không xa, các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ sẽ được xem một clip mới không chỉ là "Khát vọng sông Lam" mà là "Kỳ tích sông Lam".

Thủ tướng tin rằng điều này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực khi với quyết tâm, tài năng, tinh thần của người dân xứ Nghệ, quê hương của tiếng hát át tiếng bom, quê hương của Bác Hồ thì "không điều gì là không thể như lịch sử đã chứng minh".

Thủ tướng nhấn mạnh lợi thế của xứ Nghệ là con người giàu tình yêu quê hương, giỏi quản lý, giỏi công nghệ và có nhiều người thành đạt. Đây thực sự là nguồn lực lớn lao đối với Nghệ An. Lợi thế này càng ngày càng được khẳng định, khi mà tại hội trường hôm nay, có hơn 1/3 đại biểu, doanh nghiệp, nhà đầu tư là người xứ Nghệ.

Tập đoàn FLC, Hemaraj … rót hơn chục nghìn tỷ đồng đầu tư vào Nghệ An - Ảnh 2.

Về tầm nhìn trong thời gian tới, Thủ tướng gợi mở Nghệ An phấn đấu tăng gấp đôi quy mô nền kinh tế trong vòng 5 năm tới, trở thành tỉnh khá giả về thu nhập vào năm 2025 và đặc biệt cùng với Hà Tĩnh, Thanh Hóa, tạo nên một cực tăng trưởng có sức lan tỏa về công nghiệp hiện đại, nông nghiệp thông minh, đóng vai trò dẫn dắt xu hướng phát triển có tính bao trùm, bền vững của toàn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước.

Xứ Nghệ cũng cần khai thác tối đa lợi thế tiếp giáp với vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và vùng động lực kinh tế Bắc Trung Bộ. Tận dụng điều kiện thuận lợi trong việc thu hút các yếu tố sản xuất, nguồn nhân lực, công nghệ, vốn.

Tỉnh cũng cần phát huy tính năng động, chủ động hơn nữa trong liên kết, hợp tác với các địa phương khác trong vùng như Thanh Hóa, Hà Tĩnh và đặc biệt liên kết thường xuyên, có hiệu quả hơn với những trung tâm kinh tế, đặc biệt là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Lâm Đồng và nhiều tỉnh khác trong khu vực nếu tỉnh coi công nghiệp, du lịch là những thế mạnh.

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục xây dựng chính quyền hành động, năng động hơn nữa, một chính quyền đối thoại, chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thực hiện tốt cam kết với nhà đầu tư là "Doanh nghiệp gọi, chính quyền trả lời" và phải trả lời sớm, có trách nhiệm, có chất lượng. Những cuộc trả lời ấy phải trở thành hiện thực trong sự phát triển của doanh nghiệp.

T.Công

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên